Kiên Giang ứng phó khẩn cấp với hạn mặn, sạt lở đường do sụt lún
VOV.VN - Hơn 1 tháng nay, thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với mực nước trên các sông xuống thấp khiến nhiều đoạn đường giao thông ở vùng U Minh Thượng bị sạt lở, sụt lún và diễn biến ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, khiến cho việc lưu thông của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Kiên Giang ghi nhận 404 điểm sạt lở, sụt lún với hơn 10.300m đường bị sụp, lún, trong đó đường tỉnh 965 sạt lở hơn 1.800m, còn lại là các trục giao thông nội đồng vùng đệm U Minh Thượng. Bên cạnh đó, có 38 căn nhà bị sạt lở, sụt lún, ước giá trị thiệt hại về vật chất hơn 4,9 tỷ đồng.
Ngoài sạt lở, sụp lún đường giao thông, tình hình mặn xâm nhập cũng đang diễn biến phức tạp với nồng độ cao và theo chiều sâu. Ở sông Cái Lớn, nước mặn xâm nhập vào sâu hơn 47km với nồng độ hơn 4‰. Đây là mức độ nước mặn xâm nhập rất cao và xấp xỉ năm 2015-2016. Để ứng phó khẩn cấp với tình hình này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang.
PV: Thưa ông, trước diễn biến khắc nghiệt của thời tiết và những hậu quả do thời tiết gây ra, Kiên Giang đã có giải pháp xử lý trước mắt như thế nào để ổn định đời sống cho người dân?
Ông Nguyễn Hữu Toàn: Qua nắm tình hình thì ngay từ cuối tháng 3 đã triển khai nhiều giải pháp.
Thứ nhất, ngành đã thành lập một tổ công tác để cùng các địa phương, nhất là huyện U Minh Thượng đánh giá tình hình sạt lở, sụt lún và rà soát để công bố điều kiện thiên tai theo nghị định 66 và quyết định 18 của Thủ tướng Chính phủ. Cơ bản là chúng tôi phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn, các ngành chức năng đã đủ điều kiện và đã trình ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, đặc biệt cho vùng đệm với điều kiện khô hạn, sạt lở, sụt lún, có những điểm.
Thứ hai, ngành đã khẩn trương phối hợp với các ngành, trong đó có ngành giao thông vận tải báo cáo, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Tỉnh ủy xin chủ trương thực hiện sớm việc sửa chữa, nâng cấp ngay các trục giao thông để đảm bảo cho bà con lưu thông, vận chuyển hàng hoá.
Thứ ba, ngành đã triển khai rà soát các điều kiện theo Quyết định 19 của UBND tỉnh, thống kê các hộ, các điều kiện hạ tầng của vùng đệm để hỗ trợ địa phương bằng quỹ phòng, chống thiên tai. Một mặt để hỗ trợ địa phương có động lực, có nguồn lực để khắc phục ngay những sự cố không mong muốn do điều kiện thời tiết thiên tai và hỗ trợ 1 phần cho bà con.
Thứ tư, chúng tôi tập trung chỉ đạo địa phương chủ động ngay phương châm “4 tại chỗ”, tuyên truyền đến bà con người dân sớm ổn định cuộc sống, đảm bảo tài sản, an toàn tính mạng đến mức cao nhất có thể. Chúng tôi tập trung phối hợp với các cơ quan xây dựng kịch bản ứng phó để đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh.
PV: Với diễn biến mặn xâm nhập ngày càng sâu vào nội đồng cũng như độ mặn ngày càng tăng như hiện nay, ngành nông nghiệp có những biện pháp ứng phó như thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Toàn: Đối với ngành đã tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp ứng phó, ổn định lâu dài.
Thứ nhất, chúng tôi triển khai rộng kế hoạch 208 mà trước đây đã xây dựng ứng phó với tình hình hạn hán, mặn xâm nhập, kế hoạch này được xây dựng trong 3 năm 2023-2025.
Thứ hai, tính toán cho việc thích ứng, trong đó triển khai đề án tái cơ cấu ngành một cách hiệu quả và linh hoạt, trong đó có chuyển dịch sản xuất, thích ứng các mô hình sản xuất và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong điều kiện hạn hán, mặn xâm nhập để bà con cùng làm để chuyển dịch cơ cấu kinh tế thích hợp trong điều kiện khó khăn này.
Thứ ba, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ. Một mặt chúng tôi phối hợp với hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé vận hành đồng bộ các cống Xẻo Rô và các cống đã đầu tư, đảm bảo được nguồn nước sản xuất, sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện nay trên hệ thống đê biển An Biên, An Minh đang còn 10 cống cần phải tiếp tục đầu tư. Năm nay có chủ trương đầu tư cống Xẻo Nhàu, còn 9 cống trên huyện An Biên tiếp tục xem xét đầu tư để đảm bảo hạ tầng đồng bộ để phát huy hệ thống công trình này. Mà hệ thống công trình này chúng tôi hoàn toàn linh hoạt, vừa bảo vệ sản xuất và ứng phó, phòng, chống thiên tai.
Thứ tư, đối với vùng đệm U Minh Thượng sẽ trình phương án phòng, chống hạn, mặn, vừa chống úng vừa chống ngập, vừa chống hạn, mặn với diện tích hơn 14 ngàn ha. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đã rà soát và sẽ báo cáo UBND tỉnh sớm triển khai phương án này. Riêng đối với ngành giao thông vận tải cũng đã có phương án lâu dài, tính toán lại quy hoạch các trục giao thông. Công tác duy tu, sửa chữa đảm bảo tính bền vững.
PV: Vâng xin cảm ơn ông!