Kiến nghị sân bay Tiên Lãng là cảng hàng không quốc tế thứ 2 của Vùng Thủ đô
VOV.VN - TP Hải Phòng kiến nghị Bộ GTVT xem xét, xác định sân bay Tiên Lãng là cảng hàng không quốc tế thứ 2 Vùng Thủ đô trong quy hoạch mạng lưới cảng hàng không cả nước.
UBND TP Hải Phòng vừa có công văn gửi Bộ GTVT tham gia ý kiến về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về cơ bản, TP Hải Phòng nhất trí với nội dung quy hoạch, nhưng đề xuất sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô được đặt ở huyện Tiên Lãng.
Cụ thể, theo UBND TP Hải Phòng, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 đang được Bộ Xây dựng thẩm định có quy hoạch sân bay Tiên Lãng (sau năm 2045) cùng các quy hoạch đường bộ, đường sắt đô thị kết nối sân bay Tiên Lãng.
Do đó, UBND TP Hải Phòng đề nghị Bộ GTVT xem xét xác định sân bay Tiên Lãng là cảng hàng không quốc tế số 2 Vùng Thủ đô trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Lãnh đạo TP Hải Phòng cũng đề nghị đơn vị chủ trì lập Quy hoạch xem xét nâng công suất dự kiến của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi để phù hợp với công suất dự kiến tại Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng đến năm 2030 đạt công suất 13 triệu hành khách/năm; năm 2045 là 27,6 triệu hành khách/năm.
Đặc biệt, UBND TP Hải Phòng còn đề nghị bổ sung vào quy hoạch sân bay taxi tại Cát Bà, Bạch Long Vĩ phục vụ du lịch và cứu hộ.
Quảng Trị đề xuất xây sân bay theo hình thức PPP
Trong khi Bộ GTVT đang dự thảo lấy ý kiến các địa phương về quy hoạch cảng hàng không (sân bay), UBND tỉnh Quảng đã đề xuất đầu tư xây dựng sân bay Quảng Trị theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, đề nghị xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Hình thức đầu tư này được UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, để đảm bảo cơ sở pháp lý và thuận lợi trong quá trình thực hiện công tác cắm mốc quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện dự án; tận dụng các nguồn lực sẵn có của địa phương như quỹ đất sạch, hạ tầng kết nối... và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị được giao làm Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án. Nếu được chấp thuận, UBND tỉnh Quảng Trị cam kết triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Phía tỉnh Quảng Trị phân tích, Quảng Trị là nằm ở trung điểm của đất nước, là điểm đầu trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây về phía Việt Nam, cầu nối thuận lợi trong liên kết hội nhập, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế; có vị trí chiến lược trong việc đảm bảo quốc phòng an ninh.
Hiện nay, du khách đến Quảng Trị tăng đều qua các năm, đạt hơn 2 triệu trong năm 2019. Đặc biệt là du khách đến tham quan, thăm viếng, du lịch tâm linh tại các Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, đường 9, Thành Cổ Quảng Trị, di tích đôi bờ Hiền Lương Bến Hải, Thánh địa La Vang...
Được biết, sân bay Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ xác định trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 236. Bộ GTVT cũng đã phê duyệt Cảng hàng không Quảng Trị là sân bay không nội địa, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Quy mô sân bay dân dụng cấp 4C và quân sự cấp II, sân bay Quảng Trị được quy hoạch công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm, vị trí tại các xã Gio Quang, Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị./.
Trong quy hoạch phát triển giao thông hàng không đến 2020, định hướng đến 2030 được Chính phủ phê duyệt năm 2018, trong 10 năm tới, cả nước có 28 cảng hàng không, gồm 15 cảng quốc nội và 13 cảng quốc tế. Định hướng đến năm 2050, số lượng cảng hàng không cả nước là 30, gồm 15 cảng quốc tế, 15 cảng nội địa.
Như vậy, so với hệ thống 22 cảng hàng không hiện nay, tới năm 2050, hệ thống cảng hàng không toàn quốc sẽ được bổ sung 8 cảng gồm: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cảng hàng không quốc tế thứ 2 vùng Thủ đô (sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040), Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Cao Bằng, Sa Pa (Lào Cai), Phan Thiết (Bình Thuận), Quảng Trị.
Tại dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay, cảng hàng không quốc tế thứ hai vùng Thủ đô có công suất 50 triệu hành khách/năm được đề xuất nghiên cứu sau năm 2040.
Trong khi đó, đơn vị lập quy hoạch chỉ dự phòng quy hoạch cảng hàng không quốc tế Hải Phòng tại khu vực Tiên Lãng để thay thế cho cảng hàng không quốc tế Cát Bi giai đoạn đến năm 2050 khi sân bay này vượt quá công suất thiết kế.
Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, có tới 4 phương án xây dựng sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô, gồm sân bay tại Ứng Hòa (Hà Nội), Lý Nhân (Hà Nam), Thanh Miện (Hải Dương) và Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km.