Kiên quyết thay thế nhà thầu không đủ năng lực
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nhấn mạnh sẽ hướng tới tổ chức các Ban quản lý thành các công ty tư vấn chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng công trình.
- Từ năm 2012, phấn đấu giảm từ 5-10% số vụ TNGT
-
Cử tri chưa hài lòng về phần trả lời của Bộ trưởng Đinh La Thăng
Sáng 23/11, dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề trọng tâm.
Bộ trưởng Giao thông –Vận tải Đinh La Thăng là người đầu tiên trả lời các vấn đề về biện pháp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng và giải quyết tình trạng xuống cấp của công trình giao thông trong điều kiện tiết giảm vốn ngân sách.
Trả lời chất vấn đại biểu về tiến độ và chất lượng công trình, Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận, mặc dù ngành giao thông xác định cần có giải pháp để xử lý và tích cực thực hiện nhưng mục tiêu đề ra chưa đạt được.
Về các giải pháp để giải quyết những vấn đề trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trong thời gian tới, ngành giao thông-vận tải trước hết sẽ tập trung thúc đẩy công tác chuẩn bị dự án có chất lượng và nhanh hơn. Thứ hai, quá trình triển khai phải lựa chọn được ban quản lý có chất lượng, các nhà tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát tốt, chọn nhà thầu đảm bảo năng lực thi công và năng lực tài chính. Như vậy tiến độ công trình giao thông sẽ đảm bảo chất lượng và tốt hơn. Đặc biệt, cần phải công khai minh bạch trong quá trình triển khai thực hiện với sự giám sát của các cấp, các ngành.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, với quyết định thay thế kịp thời những Ban quản lý hay tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và nhà thầu không đủ yêu cầu chắc chắn tiến độ dự án cũng như chất lượng công trình sẽ tốt hơn.
Trả lời câu hỏi liên quan đến các giải pháp đột phá của ngành giao thông trong chiến lược phát triển giao thông của các đại biểu Trần Du Lịch, Đặng Thị Kim Chi (đoàn TP HCM), Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) và một số đại biểu khác, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, nhu cầu về vốn giao thông trong 10 năm tới khoảng trên 70 tỷ USD (chỉ có 40% vốn Nhà nước), ngành giao thông hướng vào mục tiêu nâng cao chất lượng dự báo, quy hoạch đặc biệt gắn quy hoạch giao thông với quy hoạch phát triển kinh tế, đặc biệt xây dựng đô thị lớn. Về giải pháp đột phá, thứ nhất trên quan điểm lấy hạ tầng để nuôi hạ tầng. Theo đó, phí và lệ phí phải được tính toán thẩm định giá theo giá thị trường để thu hút nhà đầu tư và có tiền đề đầu tư tiếp. Thứ 2, đột phá về cơ chế giải phóng mặt bằng. Đây là khâu dẫn đến nguyên nhân chậm tiến độ công trình 3-5 năm. Đột phá về tổ chức triển khai thi công, trong đó sẽ báo cáo Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Đấu thầu. Vì luật Đấu thầu hiện nay sẽ không chọn được nhà thầu có đủ năng lực về khả năng thi công cũng như năng lực về mặt tài chính.
Về những yếu kém của chất lượng công trình và hiện tượng bán thầu, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng nguyên nhân do nhiều yếu tố: từ khâu chuẩn bị dự án, quy hoạch giám sát, tổ chức dự án và triển khai thi công, không tránh khỏi thất thoát thi công và bán thầu. Ngành giao thông đã thấy được và sẽ tiếp tục kiên quyết thay thế nhà thầu, tư vấn thiết kế, ban quản lý không đủ năng lực yêu cầu; đồng thời hướng tới tổ chức các Ban quản lý thành các công ty tư vấn chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ góp phần nâng cao chất lượng công trình.
“Tuổi thọ công trình phụ thuộc vào quá trình khai thác sử dụng, mật độ giao thông, thời tiết… nên không thể đưa ra tuổi thọ của công trình. Mong muốn của chủ đầu tư và ngành giao thông làm ra chất lượng công trình có tuổi thọ kéo dài nhất”- Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Trả lời câu hỏi chất vấn cụ thể của đại biểu về đường cao tốc Sài Gòn -Trung Lương, Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận với đại biểu về thực trạng chất lượng công trình không đảm bảo.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, đã tới thị sát công trình và cho rằng Ban quản lý yếu kém, nhập thiết bị chất lượng không cao, tư vấn giám sát không đảm bảo chất lượng. Lãnh đạo ngành đã yêu cầu đình chỉ Giám đốc Ban điều hành để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm; đồng thời bố trí giám đốc điều hành khác cũng như yêu cầu các nhà thầu thi công trước đây phải chịu trách nhiệm khắc phục những tồn tại thiếu sót. Với giải pháp trên, không chỉ với dự án Sài Gòn – Trung Lương các nhà thầu dự án khác cũng sẽ phải rút kinh nghiệm để có chất lượng tốt hơn.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) chất vấn về giải pháp mang tính đột phá để công trình đường cao tốc Đà Lạt – Dầu Giây sớm được khởi công? Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Đây là dự án có nhu cầu hết sức cần thiết đối với Lâm Đồng và Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong điều kiện chúng ta đang tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội cần tập trung trọng tâm vào các trục chính giao thông Bắc –Nam, do đó nguồn vốn cho dự án Dầu Giây đang khó khăn. Vì thế ngành giao thông đang cùng tỉnh Lâm Đồng tập trung kêu gọi đầu tư nước ngoài và đầu tư phân kỳ bởi tuyến đường này yêu cầu vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD sẽ cố gắng hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Cũng trong phiên chất vấn sáng nay, các Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và Bùi Quang Vinh cũng đã đăng đàn trả lời các vấn đề liên quan đến lĩnh vực giao thông./.