Kiên quyết xử lý đối tượng lôi kéo gây rối trung tâm cai nghiện
VOV.VN - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh điều này vì tâm lý của học viên trong cơ sở cai nghiện rất dễ bị kích động, lôi kéo.
Trước hàng loạt vụ học viên trốn khỏi trung tâm cai nghiện vừa qua, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 14/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, về giải pháp sắp tới phải tính lại mô hình cho phù hợp, trong đó xác định đối tượng cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện.
Theo đó, xu hướng chung là giảm tối đa cai nghiện bắt buộc, chỉ khi không thể cai nghiện ở gia đình, cộng động được mới đưa vào trung tâm, từ đó có phân loại những người có tiền án, tiền sự.
“Từ thực tiễn cho thấy, tất cả những chuyện phá cơ sở, trốn trại đều là những người có tiền án, tiền sự, từng dùng ma tuý đá... luôn nghĩ làm sao ra được, phá phách và tìm cách lôi kéo. Đối tượng này phải có một khu để cai riêng” – ông Đào Ngọc Dung cho biết.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung |
Còn với học viên nghiện nhẹ hơn, sau khi phân loại phải ở khu riêng, trong thời gian ngắn xác định ai cai nghiện bắt buộc, còn lại khẩn trương đưa về gia đình.
“Kiên quyết xử lý những trường hợp gây rối, gây phức tạp trong quá trình cai nghiện vì trong cơ sở cai nghiện rất dễ bị tâm lý đám đông. Chỉ cần 1 đến 2 người kích động, lôi kéo thì rất dễ rất đến hiện tượng như vừa qua. Do đó, phải xử lý rất nghiêm minh những người cầm đầu, những đối tượng lôi kéo, và phải cách ly ra” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh..
Vấn đề tiếp theo cần quan tâm, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH là các cơ sở cai nghiện đều đang quá tải, việc đầu tư xây dựng là rất cần thiết trong thời gian tới và cần cơ chế đặc thù để khẩn trương triển khai nhằm tạo điều điều kiện cai nghiện tương đối tốt, vừa có chỗ cai riêng, có nơi vui chơi, giải trí...
Cùng với đó là phải chú trọng chặn nguồn thuốc, chặn nguồn thẩm lậu, đấu tranh kiên quyết triệt phá tàng trữ, vận chuyển, tích trữ ma tuý. Tới đây, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với ngành Công an để chặn tối đa thẩm lậu ma tuý vào các cơ sở cai nghiện là vấn đề thực sự cần quan tâm.
Bên cạnh đó là chú trọng chăm lo đội ngũ cán bộ về chuyên môn y tế, tâm lý, trị liệu và đội ngũ những người làm công tác cai nghiện. Những người làm việc ở các trung tâm rất vất vả, khó khăn, mức lương chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng trong khi đó những nguy cơ lúc nào cũng rình rập.
“Tôi muốn nói phải có sự phối hợp rất nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với gia đình, xã hội, cộng đồng, nếu không thì không có cơ sở nào giải quyết được trọn vẹn vấn đề” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định./.