Kinh hoàng những lò mổ tự phát ở Hà Nội
Tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), nhiều lò giết mổ thủ công nhỏ lẻ không đảm bảo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn hoạt động. Cả trăm tấn thịt lợn mỗi ngày được chọc tiết, cạo lông trên nền bệt nhếch nhác, bẩn thỉu...
Thực phẩm bẩn từ lò (ảnh lớn) ra chợ (ảnh nhỏ). Ảnh: Hồng Vĩnh- Phạm Anh |
Nhếch nhác, bẩn thỉu
Gần 3 giờ sáng, khu giết mổ lợn thủ công ở xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ) trở nên náo động trong tiếng kêu của lợn bị chọc tiết. Hàng trăm người, xe máy tất tả ra vào. Theo tìm hiểu, khu giết mổ này hoạt động khoảng một năm lại đây, do một số chủ lò mổ từ khu Đồng Mai (Hà Đông) “dạt” đến, sau chủ trương cấm giết mổ trong nội thành của TP Hà Nội. Khu giết mổ trên nằm cạnh đường từ quốc lộ 6 đi vào trung tâm xã Phụng Châu, do 3 chủ lò đứng tên với nhiều hộ tham gia.
Tại lò mổ của ông Nguyễn Văn Thắng, với công suất giết mổ 70-80 con/ngày, diện tích khoảng 400m2, PV không khỏi rùng mình trước sự nhếch nhác, bẩn thỉu. Khu chọc tiết, cạo lông, sơ chế nội tạng đều làm trực tiếp trên mặt sàn bê tông lép nhép nước và lẫn trong lông, máu, phân, thịt vụn. Do không có kệ để thịt xẻ cho khô ráo, nên kiểm dịch viên khi đóng dấu cũng bị nhòe trên thân lợn.
Nước nóng của lò mổ này được đun bằng củi. Những bộ nội tạng của lợn để cạnh thùng nhựa đựng chất thải đầy lông, thịt vụn, phân… chưa kịp dọn. Ông chủ lò mổ này cho hay, nước dùng cho giết mổ là nước máy của thành phố cấp, nước thải được xử lý qua hầm biogas trước khi xả thải ra sông Đáy. Tuy nhiên, chủ lò cũng thừa nhận, do thiếu kinh phí nên chưa đầu tư các thiết bị để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho khu giết mổ như quy định.
Nằm cạnh lò ông Thắng, lò mổ của ông chủ tên Huấn. Lò mổ này có quy mô tương đối lớn, diện tích sàn trên 1.000m2, 4 khoang giết mổ với công suất 200-300 con/ngày đêm. Khá hơn lò ông Thắng, sàn lò mổ ngày được lát gạch, đầu tư hệ thống nước nóng công nghiệp.
Tuy nhiên, các khâu giết thịt, sơ chế vẫn làm trên sàn gạch, xung quanh rác thải những lông, máu, thịt vụn… Cả trăm người từ thợ chuyên chọc tiết đến người cạo lông, sơ chế thịt, nội tạng, vận chuyển phải xoay xở trong một diện tích khá hẹp. Lợn sau khi xẻ xong, được kéo lên một kệ bằng sắt, nhưng kệ đặt thấp, gần như sát mặt sàn. Lò của ông Huấn cũng không có móc treo, bàn mổ cao, mổ lợn ngay dưới dưới sàn, ướt nước.
Mặc dù quy trình và các điều kiện giết mổ chưa đảm bảo, nhưng ông chủ lò mổ này cho biết “còn sạch sẽ hơn khối lò mổ trong vùng”.
Dưới chân cầu Thăng Long (xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội), xuất hiện một lò mổ không đảm bảo đúng quy định giết mổ.
Trung bình mỗi ngày lò này mổ 20-30 con lợn. Lò mổ có 8 người. Sau khi lợn được chọc tiết, thịt lọc sẵn, theo đơn đặt hàng. Một số lợn sau khi chọc tiết, moi lòng đặt ngay cạnh chuồng nhốt lợn đầy phân, ruồi nhặng, chờ tiểu thương đến chở đi. Theo lãnh đạo UBND xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội), địa bàn xã có 2 lò mổ đăng ký hoạt động. Định kỳ hàng tháng, quý, UBND xã phối hợp với lực lượng thú y và UBND huyện Đông Anh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết các lò mổ thủ công, thịt lợn thành phẩm để trên các phản gỗ, chưa có bàn hay giá treo.
Thiếu cán bộ thú y
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các lò mổ trên ở xã Phụng Châu đã nhiều lần bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt hành chính do xây dựng trái phép trên đất ven sông Đáy. Người dân gần các lò mổ này cũng từng phản ứng về sự ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Trần Trọng Tuyên, Phó trạm trưởng Thú y Chương Mỹ cho biết, các lò giết mổ này đều chuyển từ khu vực Hà Đông đến trong 1-2 năm nay. Theo ông, các lò mổ trên không nằm trong quy hoạch giết mổ của địa phương, huyện Chương Mỹ yêu cầu tháo dỡ, di dời. Tuy nhiên, sau đó các chủ lò mổ đã có đơn gửi lên huyện, các cơ quan chức năng của Thành phố, đề nghị “xem xét” sau khi đã đầu tư hàng tỷ đồng vào khu vực này.
Lợn được giết mổ trên nền xi măng lệt sệt nước lẫn lông, tiết, thịt vụn tại lò giết mổ ở Phụng Châu. Ảnh: Phạm Anh |
Ông Tuyên cho biết, Chương Mỹ có tới 69 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; trong đó 63 lò mổ lợn quy mô 5 con trở lên. Theo ông, việc gom được các hộ nhỏ lẻ vào một như khu giết mổ như ở Phụng Châu, sẽ tạo điều kiện hơn cho lực lượng thú y kiểm soát giết mổ. “Thành phố sẽ xem xét về phương án xử lý với khu giết mổ trên”, ông Tuyên nói.
Theo lãnh đạo Trạm thú y Chương Mỹ, cả huyện có 2 khu có quy mô giết mổ trên 100 con/ngày đêm là ở xã Phụng Châu và lò của ông Vũ Văn Khương ở xã Hồng Phòng (huyện Chương Mỹ). Ngoài ra, Chương Mỹ cũng đang “đau đầu” với khoảng 30 hộ tại làng giết mổ lợn Mỹ Hạ, xã Hữu Văn. “Ở khu này, mỗi hộ giết mổ 8-30 con/ngày đêm. Các hộ dân giết mổ trong khu dân cư, thậm chí giết mổ ngay trong nhà, tầng trên nơi ngủ, dưới là nơi chọc tiết lợn”, ông Tuyên nói.
Theo ông Tuyên, cán bộ trạm thú y của huyện chỉ có 15 người, không thể rải hết quân ở các lò mổ, mà chỉ tập trung ở một số lò công suất lớn; còn lại phải dựa vào cán bộ thú y của xã./.