Kinh tế đi lên, đồng bào Khmer đón Chôl Chnăm Thmây vui tươi, phấn khởi
VOV.VN - Vĩnh Quới là xã có hơn 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống thuộc thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Thời gian qua, bà con Khmer cần cù trong lao động sản xuất, đời sống được cải thiện nên đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây vui tươi, phấn khởi hơn.
Vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, không khí sản xuất, kinh doanh ở vùng nông thôn xã Vĩnh Quới giờ đây thật nhộn nhịp. Đặc biệt trong những ngày cận tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, bà con Khmer còn tất bật trang hoàng nhà cửa khá tươm tất, gói bánh tét… để chuẩn bị đón năm mới của dân tộc mình.
Chúng tôi ghé thăm nhà anh Danh Lang ở ấp Vĩnh Trung khi anh đang chăm sóc đàn bò của gia đình. Anh Lang tâm sự, 3 năm trước, anh được ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ngã Năm xét, hỗ trợ nguồn vốn 30 triệu đồng để gia đình mua thêm 1 con bò giống về nuôi. Đến nay bò của gia đình đã tăng lên 4 con và sẽ tiếp tục nhân đàn trong thời gian tới.
Trước đây, cuộc sống gia đình anh Lang cũng khó khăn, nhưng nhờ chịu khó trong lao động sản xuất, anh đã từng bước mở rộng diện tích trồng lúa, kết hợp chăn nuôi bò, nên hằng năm, gia đình anh Lang kiếm thu nhập trên 150 triệu đồng. Anh Lang cho biết, được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ nên cuộc sống gia đình anh giờ đây đã được cải thiện, ổn định.
“Chúng tôi phấn đấu từ từ và cố gắng vươn lên. Cuộc sống cũng dư dả chút đỉnh, nhờ vậy mà tết này gia đình đón Chôl Chnăm Thmây cũng vui hơn mọi năm”. Anh Lang nói.
Còn đối với gia đình ông Danh Cham ở ấp Vĩnh Thanh cũng từng là hộ thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Hơn 3 năm trước, anh cùng người dân trong phum sóc này được chính quyền địa phương tập huấn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, qua đó, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi từ 5 công đất ruộng sản xuất kém hiệu quả sang làm vườn để trồng ổi, dừa và nuôi cá. Đến nay, diện tích trồng ổi đã thu hoạch, với thu nhập bình quân hằng năm trên 100 triệu đồng, đời sống của gia đình cũng từ đó khấm khá lên.
Ông Danh Cham cho biết: “Vườn ổi này tôi xử lý ra trái quanh năm, nhờ đó cũng giúp gia đình luôn có nguồn thu nhập. Ngoài ra, trong vườn tôi còn xen canh như cải, rồi dừa để lấy ngắn nuôi dài, tăng thu nhập, đời sống nhờ vậy cũng đủ ăn”.
Nhờ các chính sách hỗ trợ của địa phương và sự tự lực của bà con, đời sống của đồng bào dân tộc khmer ở xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm ngày càng vươn lên. Trên các tuyến đường từ Trung tâm thị xã về xã, rồi đến các phum sóc của đồng bào Khmer đã không còn thấy nhà lá tạm bợ mà được thay thế bởi nhà tường kiên cố, khang trang. Bà con được sử dụng điện, nước hợp vệ sinh, đặc biệt là hầu hết nhà nào đều có xe gắn máy để đi lại, con cái được chăm lo đi học đàng hoàng…
Ông Trịnh phương, Trưởng Ban quản trị Chùa Ô Chum xã Vĩnh Quới, phấn khởi: “Trước đây, đồng bào dân tộc Khmer đời sống khó khăn lắm, nhà cửa thì phần lớn là lợp lá, cột bằng cây. Sau này thì tái lập tỉnh Sóc Trăng, rồi chia tách huyện Thạnh Trị với Ngã Năm, giờ đây Ngã Năm mình cũng đã lên thị xã thì thấy rằng, bà con đời sống thay đổi nhiều. Giờ mà đi trên đường thì không thấy nhà lá nữa, toàn bộ là nhà tường, tôi mừng lắm, bà con đời sống khá giả, ổn định”.
Với đặc thù là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, bên cạnh hỗ trợ về vốn sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống, trong những năm qua, Vĩnh Quới còn được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh. Hiện nay, điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt… được xây dựng khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu học tập, sản xuất, sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe của bà con địa phương. Đây cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã, từng bước nâng cao đời sống của người dân. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc của xã Vĩnh Quới giảm chỉ còn dưới 3%.
Ông Trần Minh Chiêu, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quới, cho biết thêm: “Có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer, đã đầu tư nhiều dự án cho đồng bào. Qua thời gian đó, nhận thấy đời sống đồng bào dân tộc có nhiều thay đổi, gia đình phát triển đi lên, đời sống kinh tế ổn định, nhờ có việc làm, thu nhập. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer mỗi năm đều giảm”.
Tiếng nhạc ngũ âm, romvong, saravan đã vang lên chào đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây ở khắp phum sóc của bà con đồng bào dân tộc Khmer. Cùng với dịch bệnh được đẩy lùi, nông thôn đổi mới, đời sống ngày càng nâng cao, chắc chắn rằng, bà con Khmer sẽ đón tết trong niềm vui, đầm ấm./.