Kon Tum với nỗi lo thiếu khả năng chống hạn

VOV.VN - Mùa mưa năm nay ở Kon Tum kết thúc sớm, lượng nước của các hồ đập thủy lợi thiếu hụt trầm trọng.

Điều đáng nói hơn là khả năng trữ nước của các hồ ở tỉnh ngày càng hạn chế, diện tích cây trồng tự phát mỗi năm lại tăng mạnh, nên việc phòng-chống hạn cho cây trồng vật nuôi ở địa phương trong mùa khô năm nay càng gặp nhiều khó khăn.

Hồ Đắc Yên cuối mùa mưa vẫn cạn khô.

Liên tục nhiều năm gần đây đập Cà Tiên ở xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum cạn kiệt nước vào mùa khô. Nguyên nhân là nguồn sinh thủy ở khu vực quanh lòng hồ không còn. Việc người dân tàn phá những thảm thực vật cuối cùng lấy đất canh tác còn khiến lòng hồ bị bồi lắng trầm trọng. Mặc dù ngành thủy lợi địa phương đã nhiều lần tổ chức nạo vét, thân đập được nâng cao song không chống chọi nổi với tốc độ xói lở của đất phía thượng nguồn. Hậu quả là gần 20ha đất trồng lúa của người dân thôn 7, xã Đoàn Kết vụ Đông Xuân năm nay rồi lại phải bỏ hoang vì không có nước để canh tác.

Ông Phan Hùng, một người dân địa phương cho biết: “Do hai bên không trồng được cây lâu năm, toàn bộ là cây ngắn hạn cứ cày lấp, cày bừa nên nó đổ đất xuống lòng hồ nó bị lấp. Vụ Xuân thường thường làm không đủ nước nó bị nắng hạn. Thiệt hại rất  nhiều, thu nhập không có để đảm bảo cho đời sống của gia đình cũng rất là khó khăn”.

Toàn tỉnh Kon Tum hiện có trên 500 hồ chứa, đập dâng đều có chung  một đặc điểm, đó là diện tích rừng và thảm thực vật phía thượng lưu không còn. Bởi vậy khả năng chống bồi lắng, bảo toàn dung tích rất hạn chế. Ngoài ra, diện tích cây trồng tăng tự phát không theo quy hoạch và công trình thủy lợi phải chia sẻ nguồn nước cho nhiều mục đích khác nhau, như nuôi trồng thủy sản, nước sinh hoạt cũng đang hạn chế khả năng chống hạn cho cây trồng trong mùa khô.

 Ông A Vượng, Bí thư Huyện ủy Đắc Hà, địa phương có hồ chứa Đắc Uy lớn nhất tỉnh Kon Tum, dung tích gần 30 triệu m3 nước phục vụ tưới cho hàng nghìn ha cà phê, lúa nước nay phải gánh thêm một nhà máy nước có công suất 4.200m3 ngày đêm lo lắng:  “Vài năm gần đây do biến đổi khí hậu nguồn nước nhất là năm 2015 khô hạn. Sợ là nếu mà cứ như thế này, rồi cây công nghiệp bà con trồng tự phát càng ngày diện tích càng nhiều sợ không đảm bảo nguồn nước tưới. Bên cạnh đó huyện có xây dựng nhà máy nước để phục vụ cho dân thị trấn Đắc Hà với một số hộ dân các xã lân cận mà giờ cả nước sinh hoạt, cả nước phục vụ sản xuất sợ sau này sẽ thiếu”.

Diện tích cây công nghiệp phát triển tự phát phía thượng lưu là gánh nặng cho các hồ đập.

Một áp lực nữa đối với các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong mùa khô năm nay là phải chia sẻ nước với cả thượng nguồn. Ông Trương Hồng Sơn, Trưởng Phòng kỹ thuật quản lý công trình- Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum cho biết, các hồ đập chỉ được thiết kế để cung cấp nước cho vùng hạ du, nhưng do người dân liên tục mở rộng diện tích cây công nghiệp phía thượng lưu, sử dụng các loại máy bơm hiện đại có công suất lớn để bơm tưới, nên công tác quản lý nguồn nước của ngành thủy lợi để tưới cho diện tích trong quy hoạch mùa khô năm nay sẽ rất khó khăn: “Chắc chắn nó sẽ gây áp lực rất lớn đối với công trình thủy lợi. Người ta điều tiết theo diện tích mà thiết kế ở vùng hạ du đập thôi chứ không thiết kế để tưới cho vùng ven hồ, thậm chí còn vượt qua vài đồi ven hồ để tưới cho các vùng xa nữa. Khi tính toán thiết kế không ai tính toán được mà sửa chữa nâng cấp sau này cũng không tính toán được luôn”.

Trong khi các hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kon Tum khả năng trữ nước ngày càng hạn chế thì năm nay mùa mưa lại kết thúc sớm, lượng mưa thiếu hụt từ 20 đến 60%.

Theo nhận định của ngành nông nghiệp địa phương, tình trạng cạn kiệt nguồn nước gần như đã chắc chắn xảy ra bắt đầu vào khoảng tháng 2 năm sau./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên