Ký ức của những người làm nên chiến dịch Tết Mậu Thân

(VOV) -"Anh thủ trưởng trước khi hy sinh đã trăn trối phải giữ vững trận địa và chúng tôi quyết chiến đấu đến cùng".

Tiệm Phở Bình nằm trên đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP HCM được nhiều khách trong và ngoài nước biết đến không chỉ vì ngon, sạch sẽ, lịch sự mà còn vì đây là di tích lịch sử cấp Quốc gia gắn liền với chiến dịch Mậu Thân 1968.

Cách đây 45 năm, tiệm Phở Bình của ông Ngô Toại được chọn làm Sở chỉ huy Tiền phương - Phân khu 6 (thuộc Đặc khu Sài Gòn - Gia Định) là trụ sở tập kết các chiến sĩ, cán bộ để truyền đạt mệnh lệnh trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Nữ tự vệ trong các cơ quan trực thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam sẵn sàng cho Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 (Ảnh: Tư liệu)

Đúng mệnh lệnh, 3h sáng mùng 2 Tết Mậu Thân, lực lượng đặc công biệt động đã đánh trúng 5 mục tiêu quan trọng nhất trong 9 mục tiêu nằm trong danh sách tấn công tại Sài Gòn, đó là: Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ tư lệnh Hải quân, Đài phát thanh và Bộ tổng tham mưu.

Bà Vũ Minh Nghĩa, bí danh Chín Nghĩa, công tác tại đội 5, biệt động Sài Gòn – Gia Định, tham gia đánh vào Dinh Độc Lập năm Mậu Thân cho biết: Để bảo đảm kế hoạch và bí mật, đơn vị bà phải hành quân và nổ súng trước quy định 15 phút. Sau khi chiếm được Dinh Độc Lập, 15 chiến sĩ đặc công biệt động đã anh dũng chiến đấu giữ được trận địa trong 2 ngày 1 đêm.

Bà Chín Nghĩa nhớ lại: “Chúng tôi phải men theo từng bức tường, các bụi cây để chiến đấu chống lại quân tiếp viện của chúng. Đến sáng mùng 2, chúng tôi đành rút vào cao ốc đối diện. Địch tấn công thì chúng tôi lên lầu 1. Lực lượng chúng tôi hy sinh 7 người, 8 người đều bị thương. Anh thủ trưởng trước khi hy sinh đã trăn trối phải giữ vững trận địa, chờ tiếp viện cho đến hơi thở cuối cùng. Cho nên chúng tôi thề thực hiện lời trăn trối của thủ trưởng mình”.

Trong tình thế vô cùng khó khăn, thiếu súng đạn, không thức ăn, nước uống, chỉ còn 8 người nhưng họ đã làm được kỳ tích là đánh chiếm được Dinh Độc Lập và giữ được trong nhiều ngày, nhiều giờ.

Tham gia cùng với lực lượng đặc công biệt động đánh chiếm vào Đài phát thanh năm Mậu Thân 1968, ông Nguyễn Trọng Xuất, tức Sáu Nhân, lúc đó là Phó ban Tuyên huấn Khu Sài Gòn-Gia Định, bồi hồi nhớ lại: “Tôi lúc đó được phân công cùng anh em chiếm Đài phát thanh. Lực lượng chúng tôi là tuyên huấn, nên vũ khí không phải là súng đạn mà là máy ghi âm và lời kêu gọi của mặt trận là phải nằm lòng. Chúng tôi vào ngôi nhà tầng thứ 3 đường Hiền Vương, nay là đường Võ Thị sáu. Ông chủ nhà đón tiếp rất vui vẻ bảo “cho tụi bay nguyên căn nhà đó, khi nào tấn công thì vào Đài phát thanh thôi”.

Trong 5 mục tiêu tấn công tại Sài Gòn, thì Tòa đại sứ Mỹ được xem là mục tiêu quan trọng nhất. 17 chiến sĩ đặc công biệt động đã làm choáng váng, rúng động trên toàn nước Mỹ khi tấn công vào sào huyệt được xem là bất khả xâm phạm này. Các nhà báo Mỹ lúc đó đã viết: chiến tranh đã đi vào phòng ngủ của quân Mỹ. Từ tác động của đợt tấn công này mà phong trào phản chiến ở Mỹ càng mạnh hơn, góp phần làm cho Mỹ phải xuống thang chiến tranh tại Việt Nam.

Ngay những ngày Tết Mậu Thân, giữa vòng vây dày đặc của kẻ thù, 88 cán bộ, chiến sĩ đặc công biệt động Sài Gòn đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, 74 người đã hy sinh hoặc sa vào tay giặc trong tư thế “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tinh thần chiến đấu anh dũng của họ khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ và tăng thêm lòng khâm phục và niềm tin yêu quân giải phóng của nhân dân Sài Gòn và đồng bào Nam bộ.

Đại tá Võ Văn Tòng, nguyên Chính ủy Sư đoàn 9, chủ lực Miền, người trực tiếp chỉ huy các trận đánh Mậu Thân 1968, kể lại: “Trong trận đánh Mậu Thân đợt 2, các Trung đoàn của Sư 9 đánh vào Sài Gòn. Hai phẩm chất mà dân Sài Gòn nhận được từ quân giải phóng là dũng cảm và kỷ luật. Chiến đấu dũng cảm, bị thương không có chuyện gì lớn. Trong khi đánh giặc thiếu lương thực, quần áo rách rưới nhưng không có lấy một món nào ở cửa hàng lương thực và cửa hàng quần áo mới. Vì vậy mà dân thương. Mình bị thương là người ta chăm sóc và giấu rồi tìm cách cho ra chiến khu sau. Sau khi Sư 9 đánh vô Sài Gòn đợt 2 rồi rút ra, cán bộ dân vận đánh giá là để lại ấn tượng sâu sắc cho nhân dân Sài Gòn, mà tình cảm đó 2, 3 năm làm công tác dân vận cũng không đạt được”.

Chính vì lẽ đó mà nhiều người đã hiểu ra rằng: vì sao trong ngày 30/4/1975, khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, người dân thành phố không bỏ chạy mà lại ùa ra chào đón nồng nhiệt.

45 năm trôi qua, đất nước đã trải qua bao đổi thay, nhưng chiến dịch Mâu Thân 1968 luôn là trang sử hào hùng của dân tộc. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã góp phần quan trọng buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán đi tới ký kết hiệp định Paris để đến ngày 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất, trọn vẹn non sông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

TP HCM kỷ niệm ngày thành lập Đảng và 45 năm Xuân Mậu Thân
TP HCM kỷ niệm ngày thành lập Đảng và 45 năm Xuân Mậu Thân

(VOV) - TP HCM đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung của cả nước.

TP HCM kỷ niệm ngày thành lập Đảng và 45 năm Xuân Mậu Thân

TP HCM kỷ niệm ngày thành lập Đảng và 45 năm Xuân Mậu Thân

(VOV) - TP HCM đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung của cả nước.

Trưng bày "Phụ nữ Sài Gòn - Gia Định trong Mậu Thân 1968"
Trưng bày "Phụ nữ Sài Gòn - Gia Định trong Mậu Thân 1968"

(VOV) - 170 hình ảnh và hiện vật giới thiệu đến khách tham quan những đóng góp của phụ nữ Sài Gòn – Gia Định trong chiến dịch Mậu Thân 1968.

Trưng bày "Phụ nữ Sài Gòn - Gia Định trong Mậu Thân 1968"

Trưng bày "Phụ nữ Sài Gòn - Gia Định trong Mậu Thân 1968"

(VOV) - 170 hình ảnh và hiện vật giới thiệu đến khách tham quan những đóng góp của phụ nữ Sài Gòn – Gia Định trong chiến dịch Mậu Thân 1968.

Hồi ức từ những hiện vật bảo tàng về Mậu Thân 1968
Hồi ức từ những hiện vật bảo tàng về Mậu Thân 1968

(VOV) - Với hơn 300 tư liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu có giá trị, triển lãm đã làm sống lại trang sử hào hùng của chiến dịch Mậu Thân.

Hồi ức từ những hiện vật bảo tàng về Mậu Thân 1968

Hồi ức từ những hiện vật bảo tàng về Mậu Thân 1968

(VOV) - Với hơn 300 tư liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu có giá trị, triển lãm đã làm sống lại trang sử hào hùng của chiến dịch Mậu Thân.