Ký ức giải phóng Cà Mau và những giọt nước mắt vỡ òa

VOV.VN -Khi nhắc lại thời điểm lịch sử Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), những “người lính năm xưa” tại vùng đất Cà Mau vẫn còn nhớ như in.

Đã 45 năm sau ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), khi nhắc lại thời điểm lịch sử đó những “người lính năm xưa” tại vùng đất Cà Mau vẫn còn nhớ như in. Thời khắc lịch sử này, bao kỷ niệm lại tràn về trong họ. Niềm vui lớn mà nhiều người không cầm được nước mắt là kháng chiến thắng lợi, nhưng cũng còn đó những bồi hồi vì những đồng đội đã hy sinh.

Ông Lê Trung Tính, là Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn U Minh 2, nguyên Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau.

Khi tiếp nhận kế hoạch giải phóng Miền Nam, Tỉnh đội Cà Mau nhanh chóng lên kế hoạch cho thời khắc lịch sử. Hướng tấn công chủ lực là các cửa ngõ vào tỉnh Cà Mau theo hướng Bắc và Đông Bắc, việc tổ chức lực lượng đã hoàn tất trong tháng 3. Để tạo thế và đà cho cuộc tổng tiến công, quân ta chủ động đánh địch ở một số điểm và dành được những kết quả tích cực.

Trận đánh đáng nhớ nhất với ông Tám Tính là vào đêm ngày 24/4. Khi đó, Tiểu đoàn U Minh 2 đã bí mật về đóng quân cách Thị xã Cà Mau 13 km. Tiếp nhận sự huy động lực lượng, một phần quân chủ lực của tiểu đoàn hành quân về khu vực đầu lộ Tân Thành. Sự phối hợp của lực lượng Tiểu đoàn U Minh 2 và Tiểu đoàn 4 tấn công vào khám Bảo An 487 (nay thuộc xã Tân Thành, TP Cà Mau) khiến quân địch không kịp trở tay. 11 tên địch bị tiêu diệt, 13 tên đầu hàng, lực lượng còn lại tháo chạy và ta thu nhiều vũ khí. Trên thế thắng, 2 tiểu đoàn nòng cốt của ta tiếp tục tiến công và nhanh chóng làm chủ đầu lộ Tân Thành, một cửa ngõ vào Thị xã Cà Mau.

Cứ mỗi dịp 30/4 đến "người lính năm xưa" lại lật những dòng lưu bút, tưởng nhớ các đồng đội.

Cùng thời điểm, ở hướng Quốc lộ 63, lực lượng của ta bao vây đồn An Xuyên (nay thuộc khu vực xã An Xuyên, TP Cà Mau). Mục đích tạo thế trận bao vây hai cửa ngõ của ta đã thành công. Chiến thắng đã làm quân địch run sợ, co cụm tại Thị xã Cà Mau. Những ngày cuối tháng 4, lực lượng của địch đào ngũ mỗi lúc một nhiều.

Giọng Nam bộ đầy hào sảng, ông Tám tính cho biết, tương quan lực lượng giữa ta và địch chênh lệch rất lớn. Ước địch có tổng cộng trên 10.000 quân, lực lượng chủ chốt của ta là 3 tiểu đoàn: U Minh 2; Tiểu đoàn 4 và 13 chỉ vài trăm người. Nhưng chúng ta có sự quyết tâm của lực lượng chính nghĩa cùng với đó là lòng dân. Với quyết tâm thống nhất đất nước, quân và dân Cà Mau luôn cùng nhìn về một hướng, chiến thắng là tất yếu. 

"Thể hiện tinh thần đoàn kết giữa quân với dân, nghĩa tình hết sức lớn. Anh em lực lượng vũ trang không kể ngày đêm, hy sinh. Các mẹ, các chị cung cấp tất cả, những gì ăn được đều dồn tất cả cho bộ đội"- ông Tám Tính cho biết.

Tỉnh đội Cà Mau khi đó chủ trương, trong ngày 30/4, đánh chiếm các mục tiêu đầu não còn lại của địch là tiểu khu An Xuyên, tòa hành chính và khu Khám Giam. Đến 6h30 sáng, chúng ta đã làm chủ cục diện. Đến trưa cùng ngày, Tổng thống Dương Văn Minh đã đầu hàng, tuy nhiên, Tỉnh trưởng Nhan Nhựt Chương, vẫn chỉ đạo tàn binh ở khu Khám Giam (nơi giam giữ tù chính trị) cố thủ và tuyên bố sẽ bàn giao vào ngày 1/5. Mục đích của Chương là kéo dài thời gian để tìm cách bỏ trốn. Lực lượng của ta nắm bắt được điều đó nên không chủ động công kích để tránh cảnh đổ máu và có thể hại đến những người đồng đội trong khám. Đến sáng 1/5, từng tấc đất ở vùng đất Cà Mau đã do quân ta quản lý.

Không thể nào tả hết được niềm vui của quân và dân Cà Mau khi cờ tổ quốc phất phới bay trên tòa hành chính của địch. Những tiếng reo hò vang lên và đúng là “Vui sao, nước mắt lại trào”. Ông Tám Tính cho biết, bản thân ông tham gia cách mạng từ năm 1959, một khoảng thời gian đủ dài để cảm nhận được mọi đau thương, mất mát trong chiến tranh. Vì vậy, còn niềm vui nào bằng kháng chiến thành công; còn niềm vui nào hơn khi được đoàn tụ với gia đình, gặp lại đồng đội, anh em. 

Ông Tám Tính được nhà nước trao tặng Huân chương khánh chiến.

"Chuẩn bị cho giải phóng Cà Mau, thống nhất đất nước, khí thế chung là rất hào hùng. Nhân dân vui mừng đó là điều cảm xúc nhất. Ngày đó là ngày mừng nhất của đời mình. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tuy có vất vả nhưng ai náy cũng đều tay bắt, mặt mừng, vui vẻ. Cuộc đời sống lại, trang mới mở ra"- ông Tám Tính chia sẻ.

Đang nói bằng giọng điệu sôi nổi, thể hiện khí tiết của người Tiểu đoàn trưởng xông pha trong nhiều trận chiến ác liệt thì giọng ông Tám Tính bỗng trầm xuống. Ông nhìn xa xôi, rồi bảo: “để có chiến thắng này đánh đổi xương máu không ít”. Cũng vì vậy mà năm nào dịp 30/4, ngày thương binh liệt sỹ 27/7, ông đều thắp nén nhang tưởng nhớ những đồng chí, đồng đội đã hy sinh. Ông Tám cũng không quên dặn dò con cháu mình câu nói quen thuộc “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ!”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên