KymViet – Ngôi nhà để những người khuyết tật thỏa sức sáng tạo
VOV.VN - KymViet là doanh nghiệp dành cho người khuyết tật. Bên cạnh tạo việc làm thu nhập cho người yếu thế, công ty đã thành công khi xây dựng được môi trường làm việc bình đẳng và hòa nhập cao.
Lần đầu tiên được nhận đi làm sau 32 năm ở nhà với mẹ
Chị Minh Thúy (1984, quê Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội) bị khiếm thính từ nhỏ. Nhà chỉ có 2 mẹ con nương tựa vào nhau, bố mất sớm. Chị Thúy học đến hết lớp 5 thì ở nhà đỡ đần cho mẹ bởi không thể theo kịp bạn bè. “Tôi buồn và tủi thân lắm vì mình không được như các bạn khác. Lúc nào tôi cũng thấy bản thân kém cỏi, không thông minh. Tôi ước có được mọi thứ như bao người khác”, chị Thúy tâm sự.
Suốt quãng thời gian dài, chị Thúy chỉ biết ở nhà làm những việc lặt vặt để mẹ đi làm. Mãi đến năm 32 tuổi chị mới kiếm được đồng tiền đầu tiên từ chính sức lao động của mình: “Năm 2016, tình cờ có một người bạn quen ở bệnh viện. Bạn ấy giới thiệu cho tôi đến Công ty KymViet. Đây là lần đầu tiên tôi được đi làm, tôi thấy rất sung sướng và phấn khởi”.
Với những người khiếm khuyết như chị Thuý, việc tìm được công việc giúp chị hòa nhập với cộng đồng. Vào KymViet, chị Thúy được sắp xếp làm những công việc phù hợp, từ dễ tới khó: gấp vải, xếp vải, cắt vải rồi may các con thú nhỏ.
Cho đến bây giờ, chị vẫn không quên cảm giác ngày đầu nhận lương và mua quà tặng mẹ: “Mẹ vui lắm và cảm động nữa. Tôi cảm thấy như mẹ muốn khóc vì thương con gái”.
“Nếu không có KymViet, tôi chẳng biết sẽ như thế nào. Ở đây, tôi được các chú và mọi người chỉ dạy cho mọi công đoạn để tạo nên một con thú nhồi bông. Cái nào dễ làm trước, cái khó thì tôi học từ từ. Mọi người trong công ty xem nhau như anh em ruột thịt vậy. Và tôi cũng xem đây như ngôi nhà của mình. Cảm ơn KymViet đã tạo điều kiện cho tôi và các bạn ở đây có nơi để làm, để lo cho cuộc sống và tương lai sau này. Tôi sẽ cố gắng vượt lên chính mình làm tốt công việc để các chú thấy hài lòng hơn”.
“Chưa bao giờ cảm thấy chán với công việc hiện tại”
Chị Lê Thị Vân (1994, quê Hoài Đức, Hà Nội) bị câm, điếc bẩm sinh. Ngày bé, chị Vân cũng được gia đình cho đi học với các bạn bình thường. Tuy nhiên, kiến thức ngày một khó, chị không theo kịp: “Tôi vẫn cố gắng đi học, chứ không thì buồn lắm vì chẳng có ai chơi cùng. Mẹ thấy vậy nên tìm trường dành cho người câm điếc”.
Sau khi học xong chương trình, chị Vân cũng đã mất một khoảng thời gian tìm việc. Trước khi vào KymViet, “tôi đã đi làm ở một số công ty dành cho người câm điếc. Ở đó luôn chia thành 2 bộ phận: người bình thường và người câm điếc riêng, nên để hòa nhập là điều không hề dễ dàng”.
Sau đó, nhờ người quen giới thiệu, chị Vân vào làm tại KymViet. “Lúc mới vào làm, tôi chỉ bỡ ngỡ giai đoạn đầu, bởi tôi cũng đã từng làm qua việc này. Rùa là con vật đầu tiên do chính tay tôi làm khi ở đây. 7 năm trôi qua, giờ đây mọi thứ đã trở nên quá quen thuộc”.
“Tôi chưa bao giờ cảm thấy chán với công việc hiện tại. Mọi người làm việc nghiêm túc, tập trung. Chúng tôi vui vẻ với nhau, cùng trao đổi công việc thông qua ngôn ngữ ký hiệu, cảm thấy thoải mái, điều này rất khó tìm ở các công ty trước đây tôi từng làm”.
Cũng giống chị Vân, chị Huế (Mỹ Đức) cũng được bạn bè giới thiệu đến KymViet làm đồ thủ công. “5 năm làm việc tại đây, tôi chưa từng có ý định từ bỏ, bởi rất khó tìm một môi trường làm việc được tôn trọng như ở đây. Làm việc ở đây rất vui”.
Chia sẻ về phương pháp “giữ chân” nhân viên, anh Phạm Việt Hoài, một trong những nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty KymViet cho biết: “Bản thân tôi cũng là người khuyết tật, tôi hiểu rằng, dù là khuyết tật gì cũng luôn có sự tự ti và mặc cảm về bản thân rất lớn. Phân xưởng hiện nay có tất cả 24 bạn, chủ yếu bị câm, điếc. Với dạng khuyết tật này có sự khác biệt rất lớn, không biết tâm sự với ai, nên những bức xúc, khó chịu bị đẩy lên càng cao. Chính vì thế, khi đã có sự thấu hiểu, tôi luôn cố gắng để các bạn thấy được sự bình đẳng, không có cảm giác bị ép buộc khi phải bắt tay làm việc gì đó.
Chẳng hạn như khi có một đơn hàng nào đấy, kiểu gì cũng phải tăng ca. Lúc đó, tôi cùng các bạn họp lại, đưa ra tầm quan trọng của đơn hàng này như thế nào, khách hàng này quan trọng ra sao, mình nên làm gì để tốt cho công ty… để các bạn xem công ty như ngôi nhà của mình và cần sự xây đắp của mỗi người, vì thế ai cũng cố gắng rất cao.
Niềm vui của các bạn chính là được tham gia công việc cùng lãnh đạo, được là một phần quan trọng của công ty. Từ những đơn hàng sau, các bạn tự phân công, tổ nào tổ đấy cắt may đều tăm tắm, chủ động tăng ca, mọi thứ vận hành rất trơn tru”.
KymViet là (thành lập tháng 12/2013, tên đầy đủ là Công ty Cổ phần KymViet) một cơ sở sản xuất và kinh doanh hàng thủ hàng thủ công khá đặc biệt: do những người khuyết tật sáng lập và tạo việc làm cho người khuyết tật.
Những ngày đầu thành lập, công ty chỉ có 3 thành viên chủ chốt là anh Phạm Việt Hoài, Nguyễn Đức Minh và Lê Việt Cường trong căn nhà chỉ vài chục m2 ở Mỗ Lao (Hà Đông). Mỗi năm, số lượng lao động tăng lên 2-3 bạn. Đến thời điểm hiện tại phân xưởng có 24 người, diện tích lên tới 400m2.
Với phương châm “Chúng ta là những người khuyết tật nhưng không để sản phẩm chúng ta là những sản phẩm khuyết tật". Do đó, sản phẩm làm ra luôn nhận được sự quan tâm của khách hàng.
Gần 10 năm kể từ ngày thành lập, KymViet không chỉ là doanh nghiệp tạo thu nhập cho người khuyết tật, mà còn thành công trong việc xây dựng một môi trường làm việc bình bằng, thân thiện, hòa nhập cao. Cho đến hiện tại, KymViet đã thực sự đem đến nụ cười, khơi dậy sức sáng tạo tiềm ẩn trong người khuyết tật.