“Là phụ nữ phải biết “đấu tranh” bảo vệ “Nữ quyền””
VOV.VN - Ở rất nhiều nước, từ Feminism (nữ quyền) chưa được coi trọng, bởi nó còn thể hiện ý nghĩa về một sự đòi hỏi, hạch sách thái quá. Thế nhưng, bản chất “nữ quyền” không phải như vậy.
Là người giảng dạy, nghiên cứu về Giới và Bình đẳng giới, TS. Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Có nhiều người khi nhắc tới nữ quyền thường liên tưởng tới một mẫu người phụ nữ quá mạnh mẽ, thậm chí là "hung dữ" với những đòi hỏi thái quá. Tuy nhiên, nữ quyền ở đây là việc “đòi” quyền đáng ra một người phụ nữ phải có. “Đòi” ở đây không phải mang tính chất đấu tranh với nhau hoặc tạo ra các chiến tuyến giữa người nam và người nữ, mà là làm như thế nào để hai bên hỗ trợ nhau một cách tốt nhất, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình, đóng góp cho sự phát triển của gia đình và xã hội”.
Một số quan điểm nữ quyền
Theo TS. Dương Kim Anh, về mặt lý luận, có rất nhiều quan điểm nữ quyền như nữ quyền tự do, nữ quyền mác xít, nữ quyền xã hội chủ nghĩa, nữ quyền hiện sinh, nữ quyền đen, nữ quyền sinh thái…
Chẳng hạn như tư tưởng nữ quyền tự do, xuất phát từ tư tưởng của Cách mạng tư sản Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái. Đó là 3 giá trị quan trọng của nữ quyền. Nữ quyền yêu chuộng sự tự do, hướng tới bình đẳng giới, đấu tranh cho một xã hội, nơi con người yêu thương, hỗ trợ lẫn nhau. Nữ quyền tự do đề cao lý trí con người. Theo đó, con người chúng ta cao, thấp, béo gầy không quan trọng, quan trọng là ở lí trí, tư duy.
Các trường phái nữ quyền đều lý giải tại sao phụ nữ bất bình đẳng với nam giới. Họ không đồng ý với quan điểm "trật tự tự nhiên" vốn cho rằng: bất bình đẳng nam nữ là tự nhiên, sinh ra đã vậy.
Theo nữ quyền tự do, bất bình đẳng giới là do nam giới được coi là người có trí tuệ, được học hành đầy đủ, còn phụ nữ được coi là lao động chân tay. Các tác phẩm văn học, triết học thời bấy giờ ví phụ nữ như bình hoa di động, là cái máy đẻ (như tác phẩm Bản minh chứng các quyền của phụ nữ, tác giả Mary Wollstonecraft, xuất bản năm 1792). Từ việc đề cao trí tuệ, nữ quyền tự do hướng tới quyền năng về giáo dục và các giải pháp giáo dục.
“Bản thân tôi rất ủng hộ các giải pháp về giáo dục. Đặc biệt, giáo dục của gia đình, nhà trường từ bé là điều rất quan trọng. Giáo dục hướng tới thúc đẩy sự tự tin, biết cách điều tiết, xử lý các tình huống ở trong các hoàn cảnh khác nhau” TS Dương Kim Anh cho biết.
Với trường phái nữ quyền hiện sinh của Simone de Beauvoir (1908-1986) - nhà văn, nhà triết học hiện sinh, nhà nữ quyền và người tích cực tham gia đấu tranh trong các phong trào chính trị - xã hội, nhất là phong trào nữ quyền ở Paris. Các quan điểm về nữ quyền của bà tiến bộ và phá cách.
Simone de Beauvoir cho rằng, là phụ nữ phải biết đấu tranh. Bà lý giải việc phụ nữ bị lệ thuộc vào nam giới bởi "phụ nữ là người khác", là khách thể; trong khi đó, nam giới là "cái tôi" là chủ thể (the Self). Để không lệ thuộc vào nam giới, phụ nữ cần phải lao động, phải biết đấu tranh. Ngoài ra, phụ nữ cũng phải biết "lập kế hoạch cuộc đời", có kế hoạch phát triển và phấn đấu thực hiện theo kế hoạch đó.
Simone de Beauvior cũng chỉ ra rằng, phụ nữ phải hiểu được chính mình và đấu tranh để xóa bỏ quan niệm sai lầm của xã hội. Việc lấy yếu tố sinh học hay những yếu tố khác để chứng minh tính yếu kém của phụ nữ là không đúng.
Nữ quyền trong góc độ gia đình
Theo TS. Dương Kim Anh, xét về góc độ gia đình, phụ nữ không thể thay đổi hoàn toàn vai trò của người chồng trong gia đình, quan trọng là sự hỗ trợ, chia sẻ để mỗi người thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình. Nữ quyền cần được nhìn nhận từ góc độ quyền con người và nhân phẩm con người.
Việc quan tâm đến nhân phẩm con người sẽ dẫn đến các hình thức can thiệp phù hợp và hiệu quả hơn. Ví dụ như, can thiệp phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Thay vì coi nam giới là tội phạm, cần xem nam giới là tác nhân của sự phải thay đổi, đưa họ tham gia vào các hoạt động can thiệp. Khi một người biết tôn trọng giá trị nhân phẩm của chính họ, họ sẽ tôn trọng nhân phẩm của những người khác.
Vậy nên trong gia đình, tôi nghĩ rằng: “Người phụ nữ cần hiểu được nữ quyền và giá trị của nữ quyền. Bên cạnh đó, phải xác định được rằng bản thân mình không thể gánh hết việc gia đình; cần có sự san sẻ, hỗ trợ của nam giới, người chồng trong gia đình. Biết cân bằng mối quan hệ với gia đình, với đồng nghiệp xung quanh. Ngoài ra, tránh tình trạng “lên mặt” thái quá, đòi hỏi, hạch sách. Nữ quyền là sự mềm dẻo, linh hoạt và kiên định”.
Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (2015) nhấn mạnh rằng không thể có phát triển bền vững nếu như không đạt được tiến bộ về bình đẳng giới và lấy Mục tiêu phát triển bền vững số 5 (SDGs 5) - Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái toàn cầu là trọng tâm ưu tiên, các mục tiêu SDG khác đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến mục tiêu này.
Việt Nam đã cụ thể hóa rất tốt việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Quyết định 622/QĐ-TTg năm 2017 Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Năm 2019, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 681/QĐ-TTg về việc ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.
Theo đó, chỉ tiêu 5.4 nêu rõ việc “Xây dựng và vận hành mô hình “Bàn tay yêu thương của cha” (tăng cường sự tham gia của nam giới trong chia sẻ việc nhà, thúc đẩy, động viên nam giới tham gia các lớp học tiền sản, chăm sóc, nuôi dưỡng con...)”. Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ làm việc nhà của nữ giới giảm xuống 1,4 lần so với nam giới, năm 2030 giảm xuống còn 1,3 lần, như là giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
Xét cho cùng, nữ quyền tức là quyền của phụ nữ, quyền con người và quyền bình đẳng giới. Quyền đó đã được luật pháp quy định, tuy nhiên giữa luật pháp và thực tế bao giờ cũng có khoảng trống. Nhiệm vụ của mỗi con người và các cơ quan, tổ chức là góp phần thu hẹp được khoảng trống đó./.