Lai Châu ban bố công điện khẩn vì dịch tả lợn Châu Phi
VOV.VN - Hiện tại, dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra tại 48 xã, 8/8 huyện, thành phố và địa phương đã tiêu hủy trên 7.400 con lợn.
Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi tái phát tại 5 xã và lây lan sang địa phương thứ 8 là huyện Than Uyên, ngày 18/7, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đã ký công điện khẩn về việc tăng cường các biện pháp không chế bệnh dịch.
Dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra tại 48 xã, 8/8 huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu. |
Công điện nêu rõ, ngày 14/7 dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra tại 48 xã, ở 8/8 huyện, thành phố và địa phương đã tiêu hủy trên 7.400 con lợn. Thời gian gần đây, dịch diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan nhanh tái phát rất cao. Để hạn chế nguy cơ trên và giảm thiểu thiệt hại do bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan, chủ tịch UBND các huyện và thành phố quyết liệt chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, dập dịch với phương châm “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”; đồng thời chỉ đạo chính quyền cơ sở phát hiện xử lý tiêu hủy lợn bệnh kịp thời, không để xảy ra ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho cộng đồng.
Chính quyền địa phương các cấp và lực lượng chức năng tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nguyên tắc “5 không”, kiên quyết chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nuôi nhốt đàn lợn và thực hiện các biện pháp vệ sinh lợn khỏe, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, để giảm áp lực về số lượng lợn phải tiêu hủy. Kiểm tra việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các điểm mua bán, giết mổ lợn trên địa bàn và hỗ trợ đảm bảo đầy đủ, kịp thời đến chủ hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy theo chính sách quy định.
Công điện nhấn mạnh, chính quyền cơ sở phải tăng cường phân công kiểm tra công tác phòng chống dịch tại cơ sở, đặc biệt là công tác thống kê, kiểm đếm số lượng, trọng lượng từng loại lợn phải tiêu hủy. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh. Rà soát lại việc bố trí các chốt trên địa bàn, đảm bảo các chốt thực sự hiệu quả, tránh lãng phí. Đội công tác liên ngành, các đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, vận chuyển động vật và các sản phẩm của động vật không rõ nguồn gốc và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật…
Như vậy, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh Lai Châu từ cuối tháng 3/2019, tại xã Thèn Sin, huyện Tam Đường và sau đó lây lan ra đàn lợn tại các huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Mường Tè, Tân Uyên và thành phố Lai Châu. Cuối tháng 6 vừa qua, Than Uyên là huyện cuối cùng của tỉnh Lai Châu cũng xuất hiện bệnh dịch. Nhờ chính quyền quyết liệt chỉ đạo công tác phòng chống, dập dịch nên đến thời điểm này đã có gần 30 xã công bố hết dịch và chỉ có 5 xã tái phát lại./.