Lai Châu:

Lai Châu: Quản lý vô trách nhiệm, đất hiếm mất từng ngày

Hàng trăm tấn đất hiếm đã bị khai thác trộm, nhưng khi đặt trách nhiệm thì xã nói huyện phải ra ra tay, huyện thì cho hay tỉnh phải vào cuộc.

Người dân địa phương và các xã lân cận thời gian gần đây đã đổ xô về khu sườn núi thuộc địa phận bản Đông Pao, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đào trộm hàng trăm tấn quặng đất hiếm. Đã có người phải bỏ mạng khi đào trộm đất hiếm trong đêm tối.

Mỏ khoáng sản đất hiếm Đông Pao đã được đại diện Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu và Công ty Phát triển đất hiếm Đông Pao - Nhật Bản ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác, chế biến.

Trong khi 2 Công ty đang tiến hành nghiên cứu lập dự án khai thác chế biến, với mục tiêu sản xuất khoảng 10.000 tấn mỗi năm, thì người dân địa phương công khai ồ ạt vào mỏ đào bới lấy đất hiếm đem bán.

Người dân ngang nhiên đào bới tại mỏ quặng

Lạ thay mỏ quặng đất hiếm Đông Pao chỉ cách Trụ sở UBND xã Bản Hon chừng khoảng 7km, nhưng trung bình mỗi ngày có từ 100 đến 200 xe máy và hàng trăm người dân đào trộm quặng ngang nhiên qua mặt UBND xã.

Theo lời lý giải của ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Hon, cấm ngày thì dân đi đào đêm, chính quyền xã không có người để cắt cử bảo vệ. "Công an viên của chúng tôi có 8 đồng chí ở thôn bản và 2 đồng chí công an xã. Để thường xuyên trực liên tục nhiều tháng trời như thế thì anh em rất vất vả. Thứ hai là kinh phí cho anh em về công an viên thì một tháng được hơn 300.000 đồng, mà đi suốt 24/24h như thế thì rất khó khăn", ông Thuận phân trần.

Lợi dụng sự bất lực của chính quyền xã và đánh vào lòng tham của một số người dân thiếu việc làm, nên đầu nậu, lái buôn đã đến bản Nà Bỏ, xã Bản Giang, huyện Tam Đường và xã San Thàng, Thị xã Lai Châu “đóng trụ sở” để thu mua đất hiếm.

Với giá mua như hiện tại 50 triệu đồng/tấn đất hiếm, các đầu nậu bằng mọi cách đã đưa quặng thu mua được qua đường Lào Cai bán sang phía Trung Quốc. Được biết, chỉ cần một chuyến xe chở từ 130-180 kg quặng trót lọt, người dân đã bỏ túi gần 1 triệu đồng.

Việc kiếm tiền dễ dàng  đã thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia, gây mất an ninh trật tự và đã từng xảy ra tai nạn khi đào bới quặng. Tuy nhiên, lực lượng công an huyện cũng không thể làm gì.

Thượng tá Hoàng Thọ Trung, Trưởng Công an huyện Tam Đường nói: "Biết rằng nếu xử lý triệt để các đối tượng thu mua số lượng lớn thì chắc chắn tình trạng này sẽ ngăn chặn được, nhưng đòi hỏi phải huy động được sức mạnh của các ngành, đặc biệt là các ngành cấp tỉnh".

Ông Nguyễn Tiến Tăng, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết, để ngăn chặn việc trộm quặng, UBND huyện đã chỉ đạo thành lập chốt chặn trên đường vào mỏ quặng và có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân. "Chúng tôi tuyên truyền tới đồng bào và nhân dân rằng các hành vi trên là vi phạm pháp luật; Tăng cường tuần tra canh gác, đồng thời theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh chúng tôi đang xúc tiến thành lập tổ công tác để xử lý việc nhân dân lén lút vào khai thác trộm khoáng sản", ông Tăng cho biết. 

Tuy nhiên, những giải pháp mà UBND huyện Tam Đường đang triển khai chỉ là hình thức. Bởi nếu chỉ tuyên truyền, ngăn chặn người dân thì mới chỉ giải quyết được phần ngọn, còn phần gốc là cần xử lý triệt để các đầu nậu thì huyện lại chưa làm được.

Câu hỏi đặt ra là lý do thực sự là gì khiến chính quyền địa phương không thể kiên quyết ra tay xử lý?

Hàng trăm bao đất hiếm được người dân tập kết ngay trên đường vào mỏ quặng

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/1/2012 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản nói rất rõ việc khai thác, chế biến, xuất khẩu đất hiếm phải được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy huyện Tam Đường không thực hiện nghiêm chỉ thị trên.

Quản lý khai thác khoáng sản đất hiếm theo kiểu "đá bóng", đùn đẩy trách nhiệm của chính quyền các cấp ở tỉnh Lai Châu hiện nay đã và đang gây thất thoát lớn tài nguyên đất hiếm của đất nước và kèm theo đó là nhiều hệ lụy. 

Dư luận đặt câu hỏi đến bao giờ nguồn khoáng sản quý hiếm này mới được quản lý chặt chẽ, không bị đào bới khai thác trộm như hiện nay? Câu trả lời xin dành cho các ngành chức năng tỉnh Lai Châu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên