Làm gì để ngăn ngừa học sinh vi phạm giao thông?
VOV.VN - Nếu bỏ qua nguyên nhân thiếu sự quản lý của nhà trường và gia đình thì ý thức chưa tự giác chấp hành luật giao thông đường bộ của chính các em học sinh là nguyên nhân chính gây nên các vụ TNGT trong thời gian gần đây.
7h sáng, Đội CSGT số 10, Phòng CSGT (Công an TP. Hà Nội) tổ chức ra quân xử lý nghiêm các vi phạm là học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông đường bộ tại khu vực quận Hà Đông (Hà Nội).
Chưa đầy 20 phút, lực lượng CSGT đã xử lý 4 trường hợp vi phạm luật giao thông. Trong đó, không khó để bắt gặp trường hợp sẵn sàng tăng ga hoặc quay đầu bỏ chạy khi thấy lực lượng chức năng, nhiều trường hợp gọi điện thoại báo cho bạn bè để né tránh sự kiểm tra của CSGT.
Phần lớn lý do các em đưa ra là "vội đến trường cho kịp giờ học", "bị mất mũ bảo hiểm", "chỉ đi đoạn ngắn nên nghĩ không cần đội mũ”…
PV: Vì sao cháu không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông?
NV: Tại vì cháu đi học vội quá nên không mang mũ, cháu đang bị muộn học rồi, cháu biêt là cháu sai nhưng do vội quá khi đi cháu quên mất chứ hôm nào đi cháu cũng đội mũ.
Hôm nay cháu dậy muộn, cháu vội nên cháu quên không đội mũ bảo hiểm.
PV: Tại sao hôm nay 2 bố con anh không đội mũ bảo hiểm?
NV: Hôm nay bố con tôi dậy muộn, 7h15 cháu phải vào trường, hai bố con vội vàng đi nên đã quên đội mũ.
Theo Thiếu tá Quách Anh Tuấn, cán bộ Đội CSGT số 10, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết: Một số học sinh cá biệt có xu hướng thích thể hiện bản thân bằng những hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao mất ATGT như không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, chạy quá tốc độ quy định, thậm chí tụ tập dàn hàng trên đường. Từ những hành vi vi phạm này, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông và cho chính bản thân các em.
“Tại các cổng trường, hiện tượng học sinh - sinh viên tham gia giao thông không đội mũ rất nhiều nên chúng tôi đang kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm này, đặc biệt chúng tôi tập chung vào các nhóm đối tượng là học sinh vì hiện nay nhiều học sinh chưa đến tuổi điều khiển xe moto nhưng gia đình đã giao xe để các cháu đi lại gây nguy hiểm.
Khi gia đình giao phương tiện cho các cháu cần đúng quy định nếu các cháu chưa đủ tuổi để điều khiển xe moto thì chỉ nên giao cho các cháu đi xe máy điện và xe dưới 50CC để các cháu tham gia giao thông đúng quy định của pháp luật”, Thiếu tá Quách Anh Tuấn cho biết.
Theo Thiếu tá Đào Việt Long, phó Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội, lực lượng CSGT đã phối hợp với Công an các quận huyện và Thành đoàn Hà Nội để tuyên truyền, đảm bảo ATGT giao thông tại các cổng trường học. Đặc biệt, trong quá trình xử lý, lực lượng CSGT sẽ đảm bảo không gây ảnh hưởng giờ đến trường của các em cũng như không dừng phương tiện để xử phạt ngay trước cổng trường, tránh gây ảnh hưởng đến tình hình TTATGT. Khi tiến hành kiểm tra, xử lý, CSGT sẽ ghi nhận đầy đủ những thông tin về người vi phạm như: họ tên, năm sinh, tên trường học, địa bàn trường học trú đóng... để phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu các trường học trong việc quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên.
Thiếu tá Đào Việt Long cho biết thêm: “Từ giờ đến cuối năm, phòng CSGT Hà Nội sẽ tham mưu cho CA TP để triển khai các kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT cổng trường học, đặc biệt trường học trên tuyến đường giao thông chính sẽ bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm trường hợp là nguyên nhân chính gây nên ùn tắc và TNGT.
Bên cạnh đó phối hợp với nhà trường làm công tác tuyên truyền để giúp cho người tham gia giao thông, đặc biệt là các bậc phụ huynh khi đưa con em đến trường cũng sẽ chấp hành luật lệ ATGT, đảm bảo an toàn cho chính mình và con em minh khi đến trường”.
Theo thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an, chỉ tính riêng trong tháng 9 có 77 vụ TNGT liên quan đến thanh thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi. Đây là con số đáng báo động cho thấy tình trạng vi phạm luật giao thông đường bộ trong lứa tuổi thanh thiếu niên đang là vấn đề nhức nhối và là nỗi lo của toàn xã hội.
Thông qua công tác tuyên truyền, sự hiểu biết về ATGT của thanh thiếu niên đã có chuyển biến tích cực, thế nhưng vẫn còn 1 bộ phận thanh thiếu niên vẫn còn chưa chấp hành tốt pháp luật về ATGT dẫn đến không ít vụ TNGT nghiêm trọng.
Thực tế cho thấy, việc bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh đến trường phải là việc làm thường xuyên, liên tục. Để làm tốt công tác này, vấn đề cần quan tâm và cần thực hiện sớm nhất là tạo ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong mỗi học sinh. Muốn vậy, giải pháp cốt lõi vẫn là tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục học sinh.
Trong đó, lực lượng Cảnh sát giao thông cần thường xuyên kiểm tra, xử lý, cập nhật, lưu giữ thông tin những trường hợp học sinh vi phạm giao thông, duy trì thông báo định kỳ danh sách này đến nhà trường để cùng phối hợp quản lý, giáo dục.
Với các nhà trường, cần coi trọng công tác giáo dục ý thức công dân, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh; đa dạng hóa các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông, sát với tâm lý, lứa tuổi của học sinh.