Làm gì để thu hút nguồn nhân lực khu vực Nhà nước?

Trong nền kinh tế tri thức, trọng dụng nhân tài, quản lý và sử dụng chất xám là một khoa học, thậm chí một kế sách. Một nước muốn phát triển cũng cần có chiến lược, chính sách nguồn nhân lực khôn khéo của mình. Chất xám chảy đi, nhưng cũng có thể chảy lại

Mấy năm gần đây, có khá nhiều người đang làm việc tại các cơ quan Nhà nước, công ty, xí nghiệp quốc doanh bỏ việc để “làm ngoài”, mong đóng góp được nhiều hơn và cũng là để có mức thu nhập cao hơn. Có người đã an cư ở thành thị, bỗng nhiên về vùng đồi, vùng đất hoang xa xôi, hẻo lánh để “xây lại cuộc sống”. Một số người từ các cơ quan, công ty, xí nghiệp quốc doanh xin thôi việc ngang chừng, chuyển sang làm ở các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, các công ty liên doanh với nước ngoài, hoặc tự mở doanh nghiệp tư nhân…Tại sao vậy?

Xuất hiện “làn sóng” xin thôi việc

Đó là trường hợp của vợ chồng anh chị Nguyễn Đình Trung và Lê Thị Thuận với con đường “tự bứt phá” để phát triển kinh tế gia đình. Anh Trung làm ở một nhà máy sữa quốc doanh tại thành phố Hồ Chí Minh, tiền lương và tiền thưởng hàng tháng khá cao. Chị Thuận là giáo viên dạy tiếng Anh ở một trường PTTH. Ngoài lương, với kiến thức tiếng Anh, chị Thuận còn dạy thêm, thu nhập cũng khá. Nhưng đột nhiên, cả hai vợ chồng xin thôi việc. Họ đã bán căn nhà chung cư tại quận 4 (TP. Hồ Chí Minh) được 70 triệu đồng, về huyện Củ Chi lập nghiệp. Vợ chồng anh mua 700m2 đất với giá 50 triệu đồng; 20 triệu đồng còn lại đầu tư vào việc xây dựng nhà nuôi giun và cất tạm căn nhà lá để vợ chồng lấy chỗ tránh nắng, che mưa. Anh vay ngân hàng thêm 10 triệu đồng để mua giun giống.

Sau 6 năm theo đuổi nghề nuôi giun quế, vợ chồng anh Trung bắt đầu có chút tiếng tăm về khả năng nuôi giun quế. Nhiều gia đình từ Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Phú Yên, Bến Tre, Cà Mau đã tìm đến trang trại của anh mua giun về nuôi tôm, cá.

“Cung” không đủ “cầu” nên hễ có tiền là anh lại mua thêm đất để mở rộng trang trại. Đến nay, diện tích nuôi giun của gia đình anh Trung đã lên tới 5.000m2 mang lại thu nhập trên 50 triệu đồng/tháng. Nhờ nuôi giun, gia đình anh Trung đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi sinh hoạt sang trọng. Chuyện bỏ việc Nhà nước ra làm ăn tư nhân như vợ chồng anh Trung, chị Thuận có căn nguyên từ sự tính toán kỹ càng, thăm dò thị trường để sản xuất-kinh doanh có hiệu quả cao.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và nhiều nơi khác, nhiều bác sĩ giỏi chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm, kể cả một số người đã có chức vụ trong bệnh viện, Sở y tế, giảng viên đại học y dược cũng xin thôi việc để đến làm việc cho các bệnh viện tư nhân như: Hoàn Mỹ, Cửu Long, Tâm Đức, Tây Đô, An Sinh, Triều An… Cán bộ, công chức là người làm trong bộ máy công quyền, bộ máy hành chính Nhà nước ở các Bộ, ngành, các trường học, các viện nghiên cứu, công ty, xí nghiệp, cả cán bộ, chuyên viên trong ngành Ngân hàng Nhà nước bỏ việc ngày càng nhiều. Có những cán bộ cấp lãnh đạo ngành, công ty xin nghỉ việc cũng bởi nhiều lý do như: Không lo nổi lương cho công nhân, bất đồng chính kiến, buộc phải từ chức vì những bê bối trong đơn vị mình phụ trách, việc làm nơi khác phù hợp hơn, thu nhập cao hơn...

Cần xem lại cơ chế, chính sách

Trong một lần trả lời trực tuyến mới đây, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển thừa nhận rằng, một số công chức trẻ mới tuyển vào công tác tại Bộ, khi được cử đi học nước ngoài họ không quay lại Bộ làm việc, nhưng ông cũng không thể làm gì hơn. Lý do chính là với đồng lương công chức mới tuyển dụng chưa được 100 USD/tháng sẽ không đủ sức “kéo chân” họ, trong khi đó ở lại làm cho các công ty tư doanh, dân doanh và cả nước ngoài, họ được trả lương ưu đãi và sẵn sàng tiếp nhận, được giao việc theo trình độ, nguyện vọng. 

Trong cơ chế thị trường hiện nay, với xu hướng cạnh tranh ngày càng gay gắt, “chảy máu chất xám” cũng là hiện tượng bình thường và tất yếu. Trên thị trường lao động, hiện tượng này ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, số lượng ngày càng gia tăng. Nền kinh tế càng phát triển, hiện tượng này càng phổ biến, và thực ra đây cũng là một điều kiện không thể thiếu của sự phát triển lành mạnh. Chính sách "việc làm suốt đời" của các doanh nghiệp, tự nó vô hình trung đã làm triệt tiêu tính năng động, tự chủ, khiến thị trường lao động trở nên cứng nhắc, rập khuôn, trói buộc sáng tạo. Thị trường lao động, không uyển chuyển, không linh động làm cho hoạt động kinh tế kém hiệu quả, gây ra những vấn đề xã hội nghiêm trọng, kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Những người lao động có tri thức là những người có tính di động rất cao (họ làm gì, ở đâu, làm thế nào phần lớn là quyết định của họ, người sử dụng lao động cần họ hơn là ngược lại). Muốn đẩy nhanh sự phát triển kinh tế-xã hội, muốn đất nước làm ra ngày càng nhiều giá trị gia tăng, muốn tiến đến xây dựng nền kinh tế tri thức, thì chúng ta phải biết đối mặt với hiện tượng di chuyển của những người lao động nói chung và người lao động có tri thức nói riêng, có chính sách "trọng dụng" họ, tạo mọi điều kiện (về vật chất nhưng quan trọng hơn là cách ứng xử đối với họ) để họ làm việc có hiệu quả. Các doanh nghiệp, các cơ quan phải tự lo để "giữ" người tài trong một thị trường lao động cạnh tranh.

Trong nền kinh tế toàn cầu, thị trường lao động cũng ngày càng mang tính toàn cầu. Trong nền kinh tế nhiều thành phần, có sự quản lý của Nhà nước, thị trường lao động cũng không ngừng biến động cho phù hợp sự phát triển. Trong nền kinh tế tri thức, trọng dụng nhân tài, quản lý và sử dụng chất xám cũng là một khoa học, một kế sách. Và một nước muốn phát triển cũng cần có chiến lược, chính sách nguồn nhân lực khôn khéo của mình. Như thế đâu cần phải ngăn "chảy máu chất xám". Chất xám chảy đi, nhưng cũng có thể chảy lại, tất cả chỉ phụ thuộc vào sự hiểu biết, vào cách ứng xử của chúng ta.

Không thể ngăn được thực trạng mang tính xã hội cao là sự “chảy máu chất xám” mà nên tìm cách quản lý, sử dụng, khuyến khích lao động, coi đây là việc cần quan tâm thường xuyên. Doanh nghiệp Nhà nước thua tư nhân về thu hút trí thức trẻ và giữ chân cán bộ giàu kinh nghiệm, thu hút lao động giỏi, lao động có tay nghề kỹ thuật cao chắc chắn lực cạnh tranh đang bị suy giảm, cần xem xét lại. Cơ chế thị trường đặt ra “cán cân thanh toán” sòng phẳng giữa cống hiến, đóng góp với hưởng thụ. Không còn những chữ “vì” chung chung dẫn tới thiếu công bằng xã hội và thiệt thòi quá nhiều cho người lao động.

Thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay còn nhiều vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc, mà trong đó cốt tử là công tác cán bộ, môi trường làm việc và tiền lương, tiền công. Môi trường làm việc tốt phải là nơi cán bộ, công chức, viên chức được làm việc theo đúng năng lực, sở trường, bồi dưỡng và phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong công việc, có tiền lương hợp lý; có tương lai, tiền đồ phát triển nghề nghiệp…

Chính sách cần thiết trước hiện tượng xã hội này của thị trường lao động là biết nhìn rõ và chấp nhận sự biến động, có biện pháp hợp lý tạo điều kiện cho sự di chuyển, để nó diễn ra một cách có trật tự hơn, có thể kiểm soát hơn, tất nhiên không để nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước. Tức là ngay với lao động phổ thông, sự di chuyển là rất có ích cho nền kinh tế, thực ra đó là sự biến đổi lớn về cuộc sống, thân phận con người. Đối với lao động có tri thức, sự di chuyển là một hiện tượng cũng không thể tránh khỏi, không thể ngăn cản được. Xét ở khía cạnh tính hiệu quả của thị trường lao động, thậm chí cần biết quan niệm đúng, điều tiết, điều hành thực trạng "chảy máu chất xám", vì nó cũng là động lực của sự phát triển, một hiện tượng xã hội rất có ích đối với nền kinh tế đang trên đà phát triển trong sự nghiệp đổi mới đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên