Lần đầu vào Sài Gòn

Tháng 4 này, tôi lại có dịp hồi hương trở về với những tháng ngày xa, cách đây cũng đã 34 năm. Một quãng dài của đời người, năm tháng. Vậy mà lạ thế, chẳng dễ nào quên, và cứ hiển hiện mọi chuyện như thể mới hôm qua, hôm kia mà thôi.

Ấy là tháng 3 năm 1976, tôi và Trần Nhật Lam được anh Phạm Tuân, Trưởng Ban Văn nghệ, giao nhiệm vụ vào Sài Gòn và các tỉnh phía Nam theo quyết định mà Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Lâm đã ký. Tờ quyết định được đánh máy trên giấy pô-luya mỏng tang này, giờ may mắn làm sao tôi vẫn còn giữ được. Cũng như tôi vẫn còn giữ được chiếc bi đông hồi đi mặt trận Quảng Trị 1972. Và với tôi, mấy thứ này có ý nghĩa và cũng quý lắm.

Cũng cần nói thêm, khi ấy cả nước vẫn chưa sử dụng chung một loại tiền. Chúng tôi phải ra kho bạc đổi tiền. Cụ thể là bao nhiêu không nhớ. Nhưng khoảng 3 - 4 tháng lương gì đó.

Không biết Nhuận (vợ Trần Nhật Lam) chuẩn bị, có giống như vợ tôi khâu thêm cho tôi 2 cái túi ở 2 cái quần đùi bạc phếch có kim băng gài cẩn thận để đựng tiền cho ông chồng “Nam tiến” khỏi bị mất cắp không? Chắc là có. Nói vậy để thấy rằng năm 1976 ấy, cả trước đó, cả sau này nhiều năm nữa, cán bộ nhà Đài, cán bộ nhân viên Nhà nước còn cơ khổ lắm lắm. Chỉ cậy vào đồng lương còm, vào tem phiếu, sổ gạo cũng còm. Hồi ấy, Lam, Nhuận mới có 2 con (Thùy Dương, Nhật Minh) còn con út (con thứ 3) của vợ chồng tôi, cháu Quỳnh Vân còn trong bụng mẹ, tháng thứ 3.

Xe tốc hành xuyên Việt nêm chặt hành khách chạy một lèo hai ngày hai đêm thì tới Sài Gòn. Khác với anh em thời sự, chuyên đề... thường phải tác chiến nhanh, có yêu cầu, điểm đến cụ thể. Còn Văn nghệ Đài, đề tài được mở rộng, được phản ánh theo cách lựa chọn, chắt lọc của người viết. Đây cũng là lý do để sau này bằng sự đam mê, một chút năng khiếu và đặc biệt là những chuyến thâm nhập thực tế mà Ban, Đài cử đi tới mọi nẻo xa gần của đất nước, hầu hết anh em chúng tôi đều có sách in, là tác giả và mãi là những phóng viên quen thuộc của Đài...

Hồi ấy, tôi có quen biết với nhà văn Lê Tri Kỷ công tác bên Cục chính trị (Bộ Công an). Dịp đó, Bộ đang chuẩn bị “Đại hội tuyên dương Anh hùng lực lượng an ninh Miền Nam lần thứ nhất”. Tôi đề nghị anh Lê Tri Kỷ tạo điều kiện để chúng tôi thâm nhập. Khi ấy anh là trung tá, tác giả của nhiều truyện ngắn viết về công an. Sau này anh là Giám đốc Nhà xuất bản Công an nhân dân một thời gian dài. Vậy là cùng với quyết định do anh Trần Lâm ký, chúng tôi còn có thêm một giấy giới thiệu của Bộ Công an.

Sài Gòn ngày giải phóng

Suốt cuộc hành trình dài dằng dặc hơn nghìn cây số, xe chạy rất nhanh, rất hối hả. Ngay cả những chặng nghỉ ăn uống cũng vậy. Rất ít thời gian dành cho khách. Tiếng của hai lơ xe giọng Sài Gòn luôn luôn cất lên “Lẹ lên, cô bác ơi, lẹ lên dùm cho...”. Âm sắc nặng, tiết tấu nhanh mà lại lễ phép, chu đáo của lái xe, lơ xe trong chuyến xe đầu tiên xuyên Việt cùng với những khung cảnh bên đường vùn vụt lướt nhanh qua ô cửa, nhất là khi xe qua đèo Hải Vân đã khiến tôi có thêm nhiều cảm xúc, không chỉ ban ngày, ngay cả đêm cũng vậy. Tôi vẫn thức mà no nê nhìn ngắm, ngẫm nghĩ, gắng vượt qua những khó khăn, thiếu thốn để mà tin, hy vọng những tốt lành sẽ đến với gia đình, cũng như mọi người.

Xe tới Sài Gòn vào tầm trưa. Giờ tôi cũng quên, không nhớ xe đổ khách ở bến xe nào. Nhưng chuyện này thì tôi nhớ, hỏi đường đến Trụ sở An ninh miền không mấy ai biết. Sau nhớ ra hỏi Tổng nha Cảnh sát chúng tôi mới hay. Từ bến xe tới đường Phạm Ngũ Lão cũng xa lắm, dễ cũng 6, 7 cây số nhưng chúng tôi quyết định thả bộ. Được đi trên đường phố Sài Gòn, được thấy một phần của Sài Gòn hối hả, yên bình và cả âu lo trong nắng trưa quả là một hạnh phúc, khó quên lắm. Và với tôi lúc ấy, Sài Gòn đúng là “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Cũng từ trưa ngày 25/3/1976, tôi và Trần Nhật Lam khi thì cùng đi với nhau xuống cơ sở, khi thì tách đi riêng nhưng chúng tôi đã có dịp được thấy bao cảnh và người với những câu chuyện kể, bao cảnh ngộ, bao thân phận của đời người, lẽ đời khiến chúng tôi đồng cảm, chia sẻ, khâm phục... Sau chuyến công tác dài ngày, cũng khoảng 3 tháng ấy, cả hai chúng tôi đều có những trang viết kịp thời phục vụ cho yêu cầu tuyên truyền của Đài.

Chị Nguyễn Thị Minh Châu, chiến sĩ biệt động nổi tiếng Sài Gòn được bổ nhiệm
làm Chủ tịch UBND Cách mạng Quận 10 sau ngày giải phóng.

Phần tôi, cũng trong 3 tháng ấy, những ngày đi các tỉnh, các cơ sở của An ninh Miền Nam ở Bến Tre, Mỹ Tho, Bà Rịa, Tiền Giang, Hậu Giang... Về lại Sài Gòn tôi thường tá túc tại nhà riêng của mấy người bạn hoặc ở trụ sở của Báo Lao động. Cũng chỉ ngủ thôi. Bạn cũng nghèo, cũng khó khăn lắm. Dẫu bạn nhiệt tình, thật lòng vẫn phải tìm cách từ chối. Được cái hồi ấy tôi còn trẻ, cũng quen chịu khổ, quen với việc bỏ bữa rồi. Với ba tháng lương được đổi thành tiền mới mà vợ tôi phải khâu thêm túi ở hai chiếc quần đùi bạc phếch để khỏi bị mất cắp ấy, tôi dùng phần lớn số tiền ấy để mua sách. Mà sách văn học dịch hồi đó Sài Gòn nhiều lắm.

Còn quà cho gia đình vợ con ư, dĩ nhiên cũng có. ấy là mấy cái rá, cái làn bằng nhựa. Còn con trai Việt Hưng 8 tuổi là những hòn bi ve đủ màu sắc, với con gái đầu lòng Vĩnh Quyên 11 tuổi là những chiếc cặp tóc bằng nhựa cũng đủ màu sắc. Cùng với những viên bi ve, những cái cặp tóc ấy tôi còn mua cho con trai, con gái hai cuốn truyện “Tâm hồn cao thượng” do Hà Mai Anh dịch và cuốn “Hoàng tử bé” của nhà văn phi công Pháp Antoine Desaint - Exupéry với những dòng mà tôi và hẳn là hai con cũng đã thuộc cho đến giờ: “Bố mua tặng con gái, con trai của bố mẹ”, Sài Gòn tháng 4/1976, cùng chữ ký và tên tôi. Riêng cuốn “Tâm hồn cao thượng”, hồi tôi còn nhỏ thi thoảng bố tôi vẫn đọc nguyên bản và giảng cho tôi mỗi khi ông rỗi rãi, có hứng.

Cũng từ chuyến đi Sài Gòn đầu tiên tháng 3/1976 cho tới cả bây giờ, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vẫn là nơi chốn để tôi đi đi về về. Sài Gòn đã là một phần của tuổi trẻ, của cuộc đời tôi.

TP. Hồ Chí Minh với tôi, hẳn vẫn là “Hòn ngọc Viễn Đông”, không thể khác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên