Làn đường dành cho xe đạp, cần làm gì?
VOV.VN - Trước tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ngày càng có xu hướng tăng tại các đô thị. Sử dụng phương tiện giao thông phi cơ giới, đặc biệt là xe đạp sẽ giúp người dân tăng cường sức khỏe, giảm thiểu phát thải ra môi trường và ùn tắc giao thông.
Làm thế nào để thúc đẩy người dân tại các đô thị lớn sử dụng xe đạp? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Daniel Hermann, Cố vấn trưởng Dự án “Hỗ trợ Việt Nam Thực hiện Thỏa thuận Paris, Giai đoạn II” (VN-SIPA II), G-I-Z xung quanh nội dung này.
PV: Sau thời gian sống ở Hà Nội, ông nhìn nhận như thế nào về hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông dành cho xe đạp của Thủ đô?
Ông Daniel Hermann: Theo tôi, Hà Nội có tương đối ít cơ sở hạ tầng dành riêng cho xe đạp. Tôi hiểu rằng đây là một vấn đề khó vì Hà Nội có nhiều làn đường rất nhỏ và không có chỗ trống. Nhưng nếu chúng ta nhìn về tương lai, về việc người Hà Nội mong muốn thành phố của họ sẽ phát triển như thế nào trong những năm tới, tôi nghĩ việc thúc đẩy xe đạp đóng một vai trò rất quan trọng.
Tình trạng kẹt xe và ùn tắc hiện nay xảy ra khá phổ biến, chúng ta có thể thấy việc phát triển ô tô làm phương tiện di chuyển chính trong thành phố trong tương lai sẽ không phù hợp. Vì vậy, cần phải có các giải pháp thay thế.
Giao thông công cộng là một khía cạnh rất quan trọng, nhưng các hình thức giao thông phi cơ giới khác như đạp xe hoặc đi bộ cũng quan trọng không kém. Trong bối cảnh ô nhiễm không khí ở Hà Nội ngày càng trở thành vấn đề đáng báo động, việc đạp xe không những góp phần giảm ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khoẻ của người dân mà còn tốt cho quy hoạch giao thông nữa.
Tôi thấy có khá nhiều người Việt Nam sử dụng xe đạp, có thể số lượng không nhiều như trước nhưng vẫn đủ để tạo nên văn hóa xe đạp. Điều này cần được ủng hộ và khuyến khích hơn nữa.
PV: Kinh nghiệm thúc đẩy người dân sử dụng xe đạp ở các nước Châu Âu là gì thưa ông?
Ông Daniel Hermann: Tôi nghĩ mỗi một đất nước ở Châu Âu sẽ có một kinh nghiệm khác nhau. Ví dụ như ở Đức (quê hương của tôi), từ nhiều năm trước, Chính phủ quyết định thúc đẩy, khuyến khích người dân đi xe đạp. Ở cả hai góc độ môi trường và góc độ quy hoạch đô thị, việc khuyến khích đạp xe giúp giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và tạo nên một thành phố đáng sống hơn.
Bài học thật sự quan trọng mà chúng tôi rút ra được trong suốt quá trình này, đó là phải có một môi trường đạp xe an toàn, thuận tiện. Mọi người sẽ không chỉ đơn thuần là di chuyển trên chiếc xe đạp của họ, mà họ còn cần một cơ sở hạ tầng an toàn, giúp tách biệt khỏi các phương tiện giao thông khác.
Cùng với đó, chúng ta cũng cần phát triển nền văn hóa đi xe đạp. Đây cũng là điều đang dần thay đổi ở Đức. 30 năm trước, những người đi xe đạp có thể bị cười nhạo. Tuy nhiên ngày nay họ lại được xem là đang đóng góp và giúp ích cho cộng đồng, và những người đi ô tô thì bắt đầu phải biện minh cho việc tại sao họ cần lái xe vào thành phố.
Tôi nghĩ chúng ta có thể có nhiều biện pháp để tạo nên môi trường thuận lợi này, ví dụ như cung cấp cơ sở hạ tầng phù hợp. Ngoài ra, các công ty tư nhân có thể cân nhắc lắp đặt phòng tắm tại không gian văn phòng. Đây là một biện pháp đã được thực hiện thành công nhằm thuyết phục mọi người di chuyển đến chỗ làm bằng xe đạp.
PV: Với điều kiện của Việt Nam hiện nay, ông có khuyến nghị nào cho việc thiết kế và phát triển cơ sở hạ tầng dành cho người đi xe đạp?
Ông Daniel Hermann: Tôi nghĩ thực trạng ở Việt Nam khá giống với những gì đang diễn ra ở châu Âu, đó là cơ sở hạ tầng được phát triển theo hướng thân thiện với ô tô. Và tôi nghĩ rằng nhu cầu phát triển cũng dựa trên tầm nhìn chính trị ở Việt Nam.
Nếu bạn muốn tạo không gian cho xe đạp, bạn phải bắt đầu thực hiện các yêu cầu đối với phát triển đường bộ, đồng thời cũng phải coi xe đạp như một phương thức vận tải.
Có rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng đang trong quá trình triển khai, vậy nên tôi cho rằng có rất nhiều cơ hội để bắt đầu phát triển giao thông xe đạp.
PV: Xin cảm ơn ông!
Để hiện thực hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế làn đường dành cho xe đạp, ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng (Bộ Xây dựng) khuyến nghị: "Khi chúng ta thực hiện xây dựng làn đường dành cho xe đạp, ngay từ công tác quy hoạch, các chính quyền địa phương, các bộ, ngành chúng ta phải đưa vào công tác quy hoạch, công tác quy hoạch công tác khởi đầu cho tất cả mọi việc xảy ra, kể cả cho cho đường cho xe đạp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như giảm thiểu ùn tắc giao thông"./.