Lan tỏa việc học và làm theo gương Bác
VOV.VN - Tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống giản dị, trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân ta một di sản tư tưởng vô cùng quý báu. Tại TP.HCM, học và làm theo gương Bác, mỗi tập thể và cá nhân đã có những cách làm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của mình bằng những việc làm giản dị nhưng thấm đẫm nghĩa tình
Học Bác trong nhà trường
Qua 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị, tại TP.HCM ngày càng xuất hiện nhiều hoạt động, mô hình sáng tạo trong việc làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các khu phố xanh - sạch - đẹp - an toàn ngày càng nhiều hơn, công tác an sinh xã hội ngày càng thiết thực và hiệu quả, hỗ trợ, giúp đỡ các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đặc biệt quan tâm bồi dưỡng cho thế hệ trẻ, sinh viên và các em học sinh.
Bà Đặng Thị Mỹ Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền cho biết ở Phường 2, quận Tân Bình cho biết: học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những năm qua, thầy cô luôn học hỏi, nghiên cứu đưa ra những sáng kiến để khi lên lớp học sinh tiểu học cảm thấy hứng thú hơn, nhất là khi tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông 2018:
"Đối với tiểu học, các em hiểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có nghĩa là 5 điều Bác Hồ dạy. Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, các em tham gia đóng góp khi miền Trung có lũ lụt đó là tấm lòng yêu nước. Học tập tốt, lao động tốt nghĩa là vào trong lớp các con thuộc bài, ra lớp hiểu bài, giơ tay phát biểu và tham gia các hoạt động phong trào của nhà trường. Khi có lỗi thì phải dũng cảm nhận lỗi, khiêm tốn khi được khen và phải biết giúp đỡ bạn. Ở trường Nguyễn Thanh Tuyền, các em được tuyên dương trong buổi sinh hoạt đầu tuần, tự lồng ghép trong 5 điều Bác Hồ dạy, rất thiết thực, cụ thể và nó lan tỏa"- bà Dung nói.
Thiết thực học tập theo lời Bác, với nhà trường luôn là hướng mới, đáp ứng yêu cầu đối với người giáo viên hiện nay. mỗi thầy cô giáo luôn nỗ lực là một tấm gương tự học, sáng tạo, qua những việc làm thiết thực, giáo dục học sinh từ những bài học đơn giản.
Cô Dung cho biết thêm, nhà trường đang cho học sinh thi kể chuyện về Bác Hồ, các em sẽ vào không gian văn hóa tại thư viện, lựa chọn kể những câu chuyện về Bác, Ban giám khảo đặt câu hỏi liên hệ “qua những mẩu chuyện đó, con học được điều gì, làm điều gì để xứng đáng là Cháu ngoan Bác Hồ?”.
Làm theo trong đời sống
Với Thượng tọa Thích Minh Lộc – Trưởng Ban Pháp chế Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM, trụ trì chùa Phước Huệ thì việc học tập và làm theo Bác được trụ trì cùng các tăng ni, Phật tử lồng ghép trong việc tu tập và cuộc sống thường nhật, rất bình dị nhưng tạo sức lan tỏa.
Đó là việc thành lập phòng khám bệnh hơn 30 năm qua để chăm lo cho những hộ nghèo, bệnh nhân nghèo, khó khăn, đến hốt thuốc về uống, châm cứu, vật lý trị liệu. Có 18 vị lương y và nhân viên phục vụ tại phòng khám hoàn toàn miễn phí.
Ngay tại chùa cũng xây dựng một không gian văn hóa Hồ Chí Minh để nghiên cứu học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, qua đó mọi người đến đây được tìm hiểu về cuộc đời của Bác và học hỏi, áp dụng trong việc làm hàng ngày. Thượng tọa Thích Minh Lộc nói: "Vấn đề học Bác thì hiện tại chúng tôi có một không gian văn hóa Hồ Chí Minh và luôn luôn đến để nghiên cứu và học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để ứng dụng trong cuộc sống và làm nhiều việc thiện nguyện, giúp đỡ cho hộ nghèo. Bác Hồ là vị lãnh đạo nhưng cũng lặn lội xuống những hộ nghèo, hộ khó khăn, thăm các em thiếu nhi, quan tâm việc học hành, và đặc biệt là tình yêu thương của Bác Hồ đối với các hộ khó khăn nghèo khó, không để họ thiếu thốn trong cuộc sống".
Những hình ảnh cảm động đó là động lực thôi thúc để tăng ni Phật tử chùa Phước Huệ nói riêng và nhiều người dân ở TP.HCM nói chung làm từ thiện rất nhiều không riêng ở TP.HCM mà các tỉnh từ miền Bắc, Trung, Nam mỗi khi có thiên tai, bão lũ... Chùa Phước Huệ có chuyến từ thiện tặng 1.000 phần quà cho các hộ gặp hạn hán tại huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang đúng ngày 19/5/2024 – kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Bác Hồ.
Nói về sự chuyển biến trong nhận thức của người dân trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM nhận định, dần dần điều đó đã trở thành một công việc mà người ta nghĩ rằng là cần phải làm thường xuyên và liên tục, như là cơm ăn nước uống hàng ngày, như một sự tự rèn luyện để mình trở nên tốt hơn chính mình ngày hôm qua.
Chính vì vậy, trong từng phong trào thi đua, trong từng cuộc vận động hay những công việc hàng ngày, đội ngũ cán bộ Mặt trận, đoàn thể ở TP.HCM cũng thấy được trách nhiệm của mình trong việc gắn các phong trào thi đua với việc học tập và làm theo Bác Hồ.
Bà Trần Kim Yến nói: "Chính từ mẩu chuyện hàng ngày về Bác và nhận thức của mỗi cá nhân qua mỗi câu chuyện đó đã chuyển tải thành hành động của mỗi người trong việc làm đi là hàng ngày, qua giao tiếp, qua việc tổ chức cuộc sống cá nhân. Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cũng đang lan tỏa rất lớn, không chỉ trong trụ sở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mà còn lan tỏa đến trường học, cơ sở tôn giáo, trong các chung cư.... Từ đó chúng ta thấy được tư tưởng, đạo đức, văn hóa phong cách của Bác trở nên rất thân quen trong đời sống hàng ngày của người dân".
Hàng trăm tập thể và cá nhân tiêu biểu, tích cực trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tuyên dương trong những năm qua cho thấy có rất nhiều mô hình hiện hữu, rất đời thường trong cuộc sống. Muôn màu muôn vẻ nhưng tất cả toát lên niềm tự tin, tôn kính với Bác Hồ luôn muốn bản thân mình tốt hơn, hoàn thiện hơn. Tuy có khi chỉ là những việc làm nhỏ nhưng giúp được cho người xung quanh có hoàn cảnh khó khăn hơn được hạnh phúc, thì đó là sự đóng góp thầm lặng, chân tình và ý nghĩa.