Làng hoa lớn nhất Hà Nội ủ rũ vì dịch Covid-19

VOV.VN - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chợ hoa lớn nhất của Hà Nội đang tạm đóng cửa, khiến làng hoa Tây Tựu gần như bị chặn đứng bởi không có đầu ra.

Làng hoa Tây Tựu được biết đến là một trong những làng hoa lớn nhất của miền Bắc, chuyên cung ứng hoa tươi cho Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh thành miền Bắc. Tuy nhiên, trong những ngày này, dù đang bước vào thời điểm cuối vụ nhưng không khí thu hoạch hoa tại đây rất ảm đạm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chợ hoa lớn nhất của Hà Nội cũng đang tạm đóng cửa khiến thị trường tiêu thụ hoa của Tây Tựu gần như bị chặn đứng bởi không tìm được đầu ra. Cuộc sống của dân làng thêm chật vật với gánh nặng mưu sinh.

hoa2_sflt.jpg
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chợ hoa lớn nhất của Hà Nội cũng đang tạm đóng cửa khiến thị trường tiêu thụ hoa của Tây Tựu gần như bị chặn đứng bởi không tìm được đầu ra.

Về làng hoa Tây Tựu trong những ngày cuối tháng 3, ai đó sẽ cảm thấy trong lòng thêm bồi hồi xao xuyến khi nghe được những câu hát ngợi ca vẻ đẹp của ngôi làng này. “Nắng ấm xuân về vui cùng hoa lá. Ngàn hoa khoe sắc năm cánh nở thơm hương, rực rỡ lung linh mộng mơ huyền diệu”.

Vậy nhưng không khí mùa thu hoạch năm nay của làng hoa Tây Tựu khác hoàn toàn so với mọi năm. Trên cánh đồng, ngàn hoa đua nhau khoe sắc nhưng người nông dân không mấy ai nở được nụ cười. Dù đa số các loại hoa như hoa cúc, hồng, hoa ly, hoa loa kèn đều đã vào vụ nhưng không khí trên các cánh đồng hoa vẫn vô cùng ảm đạm.

Tại một vườn hoa nằm sát một con mương, ông Đinh Duy Thành ở tổ dân phố Trung 6, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm đang cần mẫn phun thuốc tưới luống hoa nhưng mặt buồn rười rượi: “Hoa không bán được nhưng vẫn phải phun thuốc trừ sâu”.

Theo ông Thành, tùy theo nhà làm nhiều hoa thì mất nhiều, nhà làm ít mất ít. Nhà ông Thành có 3 sào đất trồng hoa Cúc. Gia đình ông bỏ bao công sức chăm sóc, tưới trồng, trông chờ từng ngày hoa nở để được cắt luống đem bán nhưng nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hoa đẹp mấy cũng chẳng có khách mua. Giờ ông chỉ biết ngồi ngắm hoa mà thở dài.

“3 sào ăn hết 2 sào rồi, không bán được, vứt đi hỏng hết rồi. Cấm chợ thì có đi chợ đâu mà bán. Thu cố được gốc là cùng thôi, mất công làm. Thu lại tiền thuốc, tiền phân bón, cây giống thôi. Chỉ đưa được ít hàng đẹp cho ô tô về lấy được đâu thì được còn không hỏng vứt đi”, ông Thành than thở.

hoa3_itkg.jpg
Hoa không bán được nhưng vẫn phải phun thuốc trừ sâu không cây hoa sẽ bị hỏng hết.

Cách đó không xa, bên luống hoa cúc đang hé nụ chờ đơm bông, bà Nguyễn Thị Nhung ở thôn 2 chậm rãi đi tỉa lá cho từng búp hoa. Dù tuổi đã cao, đôi mắt không còn tinh tường nhưng bà Nhung vẫn cố gắng làm việc.

Với 5 sào hoa cúc, gia đình bà Nhung đã phải chi trả hơn 50 triệu đồng chi phí tiền phân bón, thuốc trừ sâu, chưa kể công sức bỏ ra rất lớn. Thế nhưng với giá hoa xuống thấp như hiện nay, nếu không bán được, gia đình bà sẽ lỗ nặng.

“Giá nếu không có dịch thì được nghìn rưởi, hai nghìn chứ có dịch như này thì được 500, 600, 10 nghìn một mớ cũng có. Đi bán nhưng bây giờ không có người đi chợ thì không có người mua, đi bán lẻ thì họ đuổi chợ thì bán sao được, đi bán buôn cũng không được. Bây giờ cứ bỏ vốn ra chăm bón, thuốc men, 3 hôm lại bơm thuốc 1 lần, mưa gió thế này không bơm thuốc nó cũng hỏng. Vì cây giống này nó cũng đắt, bỏ ra hơn mấy triệu tiền cây giống lại tiền nứa, tiền lưới, phân bón các thứ, thuốc men mất gần chục triệu rồi, làm ra không biết có bán được không, làm là làm tù mù thôi”, bà Nhung buồn bã nói.

Thay vì đi bán ở chợ hoa Quảng Bá như mọi khi, những đơn hàng hoa được chị Hà Thu Hương ở thôn 2, làng hoa Tây Tựu giao buôn cho một thương lái trong làng. Theo chị Hương, chị phải đổi mối buôn hoa vì hiện tại xe cộ vận chuyển khó khăn, hoa rớt giá nên việc buôn bán cũng không mấy thuận lợi.

“Bây giờ thì rẻ lắm em ạ. Bây giờ loại hoa đẹp như thế này cũng chỉ mấy chục thôi, độ 8 chục một mớ thôi. Mà còn không có người mua, hoa vứt đi nhiều. Người đi buôn không có người thu mua vì các chợ cấm hết, chẳng có người mua mấy, chợ vắng lắm. họ đi túc tắc được vài mớ hoa thôi. Ai mà trồng loại đắt tiền thì thiệt nhiều mà ai trồng loại rẻ tiền thì thiệt hại ít”, chị Hương cho hay.

Thời điểm hiện tại, hầu hết người trồng hoa ở Tây Tựu rơi vào tình cảnh bán không ai mua. Tại chợ hoa Quảng An - chợ hoa đầu mối lớn nhất Hà Nội, hàng trăm gian hàng đã đồng loạt đóng cửa vì dịch Covid-19. Điều đó càng khiến cho việc giao thương của người buôn bán hoa trở nên khó khăn.

“Giờ mùa dịch là người đi chợ không có người mua, toàn người bán mà không có người mua, rất khó khăn cho người nông dân ở thời điểm bây giờ. Cũng mong là nhà nước hỗ trợ cho người nông dân như chúng tôi để bước qua thời kỳ khó khăn này…”, anh Nguyễn Thanh Hải ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội buồn rầu nói.

Theo nhiều người dân làng hoa Tây Tựu, việc trồng hoa đem lại nguồn thu nhập chính cho dân làng. Nghề trồng hoa từ trước đến nay vốn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, do đó khi đã đầu tư trồng hoa, ai nấy đều xác định sẵn tinh thần cho mọi “sự cố” có thể xảy ra và đón nhận nó.

hoa4_dsdb.jpg
Hoa không bán được nhưng vẫn phải phun thuốc trừ sâu không cây hoa sẽ bị hỏng hết.

Ông Đặng Trần Thi – Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tây Tựu mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ để người dân có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

“Do ảnh hưởng của dịch Covid 19 diễn ra mấy tháng nay thì về kinh tế, không riêng gì làng nông nghiệp trồng hoa của Tây Tựu mà cả các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ cũng ảnh hưởng đến cuộc sống, đời sống sinh hoạt và kinh tế của các hộ gia đình. Và vừa rồi chính phủ cũng có chủ trương hỗ trợ thì chúng tôi mong muốn sau này có các văn bản, chính sách cụ thể đối với từng trường hợp hỗ trợ, cũng mong muốn các cấp các ngành quan tâm để hỗ trợ cho người nông dân không bị ảnh hưởng lớn về kinh tế, thu nhập gia đình và sau đợt dịch sớm đi vào ổn định sinh hoạt bình thường”, ông Thi mong muốn.

Trong khi dịch bệnh đang có những diễn biến khó lường, người dân làng Tây Tựu không thể bán được hoa mà vẫn đang phải gồng mình chống dịch. Thậm chí, nhiều gia đình trong làng còn đang trăn trở tìm phương pháp chăm sóc hoa sao cho hợp lý để đảm bảo nguồn cung cho thị trường sau mùa dịch.

Hy vọng rằng khi dịch bệnh qua đi, những người nông dân ở làng hoa Tây Tựu sẽ sớm quay trở lại được nhịp sống như bình thường và tiêu thụ được nhiều hoa hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cập nhật Covid-19: Thế giới có hơn 2,3 triệu ca mắc, 160.421 ca tử vong
Cập nhật Covid-19: Thế giới có hơn 2,3 triệu ca mắc, 160.421 ca tử vong

VOV.VN - Trong vòng 24h qua, thế giới ghi nhận thêm hơn 75.686 ca mắc Covid-19 và 6.276 ca tử vong do Covid-19.

Cập nhật Covid-19: Thế giới có hơn 2,3 triệu ca mắc, 160.421 ca tử vong

Cập nhật Covid-19: Thế giới có hơn 2,3 triệu ca mắc, 160.421 ca tử vong

VOV.VN - Trong vòng 24h qua, thế giới ghi nhận thêm hơn 75.686 ca mắc Covid-19 và 6.276 ca tử vong do Covid-19.

Món quà tiếp sức các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19
Món quà tiếp sức các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19

VOV.VN -Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ cơ sở 2 vừa nhận món quà tiếp sức “WEWELL” để giữ vững tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.

Món quà tiếp sức các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19

Món quà tiếp sức các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19

VOV.VN -Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ cơ sở 2 vừa nhận món quà tiếp sức “WEWELL” để giữ vững tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.

Mùa dịch Covid-19, nông dân Quảng Nam phấn khởi nhờ bội thu dưa hấu
Mùa dịch Covid-19, nông dân Quảng Nam phấn khởi nhờ bội thu dưa hấu

VOV.VN - Trong khi nông sản nhiều nơi rơi vào tình cảnh tồn đọng do dịch Covid-19, nông dân Quảng Nam đang rất phấn khởi nhờ dưa hấu được mùa, giá cao.

Mùa dịch Covid-19, nông dân Quảng Nam phấn khởi nhờ bội thu dưa hấu

Mùa dịch Covid-19, nông dân Quảng Nam phấn khởi nhờ bội thu dưa hấu

VOV.VN - Trong khi nông sản nhiều nơi rơi vào tình cảnh tồn đọng do dịch Covid-19, nông dân Quảng Nam đang rất phấn khởi nhờ dưa hấu được mùa, giá cao.