Làng miến Cự Đà trước nỗi lo thiếu nguồn nhân lực trẻ

VOV.VN - Nghề làm miến Cự Đà có từ xa xưa, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Thế nhưng nghề truyền thống này lại đang đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ không người kế tiếp.

Chẳng ai còn nhớ nghề làm miến của làng Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) có từ bao giờ, nhưng cứ nhắc đến miến dong ngon nức tiếng ở đất Hà Thành người ta lại nghĩ ngay đến thương hiệu miến Cự Đà... Đây là làng nghề làm miến dong truyền thống. Đứng trước những đổi thay của làng quê trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ đô thị hóa nhanh, làng miến Cự Đà đang có những nỗi lo riêng.

Trước đây, thôn Cự Đà có tới 80% hộ dân làm miến. Nghề miến được xem là nghề chính và đem lại thu nhập chủ yếu cho mỗi hộ dân nơi đây. Trước kia khối lượng sản xuất miến chỉ dừng lại 50-70kg/lò/ngày, phục vụ người dân trong vùng và các quận, huyện lân cận thành phố, thế nhưng đây được xem là nghề cha truyền con nối, nhà nhà làm miến, người người làm miến.

Ở nông thôn, nghề làm miến được xem là nghề đem đến lãi suất cao. Mỗi một mẻ tráng, bình quân thu về 5 triệu đồng/ngày. Người dân thôn Cự Đà có ăn, có mặc, con cái được học hành đầy đủ là nhờ nghề làm miến. Không một hộ gia đình nào thuộc diện nghèo.

Mặc dù làm miến dong không phải công việc quá nặng nhọc, nhưng đây là nghề đòi hỏi nhiều công đoạn, luôn tay luôn chân không được nghỉ ngơi, trời nắng cũng như mưa. Mỗi người một việc, từ đốt lò, đánh bột, đưa bột vào máy, điều khiển máy tráng đến người chạy phiên, xếp lên xe, rồi đưa đi phơi, rồi lại chở về… Nhìn thì rất bình thường, nhưng yêu cầu sự tỉ mỉ và chịu khó cao. Thế nên, thanh niên trong làng cũng đang “thoát ly” dần với nghề làm miến.

Hiện tại, thôn Cự Đà có tới 600 hộ, nhưng chỉ có 40 hộ làm miến. Làng miến Cự Đà, số người làm miến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Độ tuổi người làm miến từ 40-60 tuổi. Mỗi xưởng có khoảng 10 nhân công, thì hơn nửa phải thuê từ bên ngoài vào.

Ông Vũ Văn Tuấn – Trưởng thôn Cự Đà chia sẻ: “Bây giờ, lao động trẻ đi làm trong các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hay mở các cửa hàng tại quê nhà. Một số tạo dựng nghề như sửa xe máy, mở các cửa hàng buôn bán, lao động có tuổi đi làm bảo vệ với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng cũng cảm thấy ổn rồi mà lại nhàn nhã, không phải vất vả tay chân. Ngày nay không thiếu việc để làm, không như thế hệ của chúng tôi trước kia, không theo nghề tổ tiên để lại thì biết làm gì đây?”.

Bên cạnh thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, quỹ đất để phát triển làng nghề cũng ngày càng eo hẹp. Một hộ làm nghề miến cần tối thiểu 2000m2, các xưởng làm miến thiếu diện tích sản xuất. Để phơi miến, người dân phải phơi nhờ ở các thửa ruộng, đường đi, gần khu nghĩa trang… “Ngày xưa, mỗi hộ gia đình làm ít có thể tận dụng đất nhà để phơi. Nay áp dụng máy móc, công nghệ, năng suất chế biến lớn, phục vụ nhu cầu lớn mà thiếu diện tích kinh doanh”, ông Tuấn cho biết.

Bà Nguyệt (1950, thôn Cự Đà) đã trải qua hơn 30 năm trong nghề làm miến. Từ ngày được sinh ra, cả gia đình bà đã làm miến. Đến lúc lập gia đình, 6 người con của bà cũng theo cha mẹ học làm nghề. “Ngày trước cha truyền con nối, cả gia đình bám trụ vào nghề làm miến. Bây giờ chân đau không thể theo mãi nghề này được, để cho con cái làm. Nhà tôi bây giờ có 3 đứa con, lập gia đình ở thôn đều là chủ của 3 cơ sở miến khác nhau, còn 3 đứa nữa, lập gia đình xa nhà thì cũng bỏ nghề luôn”.

Tay vừa thoăn thoắt tuốt từng thớ miến, bà Nguyệt vừa thở dài ngao ngán “làng này chả mấy chốc mà mất nghề. Bây giờ lớp trẻ thoát ly, đứa nào cũng đi học nghề riêng, chả có đứa nào theo gia đình làm miến. Mặc dù nghề này cũng lãi lắm đấy nhưng chúng nó khó lòng mà kham nổi”.

Cũng theo ông Vũ Văn Tuấn: “Để khuyến khích thanh niên trẻ bám làng, tiếp tục phát triển nghề miến cũng cần có chính sách về vốn ưu đãi phù hợp. Bởi nghề miến nếu chỉ mua đến đâu làm đến đó sẽ chẳng có lãi, cần có sự đầu để mở xưởng làm miến quy mô và chuyên nghiệp hơn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên