Lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường “lên tiếng” về mũ bảo hiểm rởm

Cục phó Cục Quản lý Thị trường cho rằng rất khó để quản lý, kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm và việc này thuộc trách nhiệm của nhiều đơn vị liên quan.

Trước sự nhốn nháo của thị trường mũ bảo hiểm hiện nay, trong dự thảo thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy mà liên Bộ Khoa học công nghệ, Công thương, Giao thông vận tải và Công an đang xây dựng có quy định: “Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm thời trang, mũ nhái mà không có tem CR hợp chuẩn sẽ bị xử phạt như mức không đội mũ bảo hiểm”.

Đây là điểm không được dư luận đồng tình, bởi xử lý người đội mũ bảo hiểm mới chỉ là “phần ngọn” tình trạng lộn xộn, nhốn nháo của thị trường mũ bảo hiểm hiện nay. Cái gốc phải là xử lý các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, mũ bảo hiểm giả và những người phân phối sản phẩm thiếu chất lượng này.

Mũ bảo hiểm rởm được bày bán công khai trên hè phố mà chẳng thấy lực lượng chức năng nào "hỏi thăm" (Ảnh: M.Dương)

Tuy nhiên, ông Đỗ Thanh Lam, Cục phó Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương) lại cho rằng, “rất khó” để quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm hiện nay. Cục Quản lý thị trường có “khá nhiều việc phải làm khác” và việc quản lý mũ bảo hiểm rởm thuộc trách nhiệm của nhiều đơn vị liên quan, chứ không riêng của Cục này!

Trao đổi với phóng viên VOV trong chương trình Theo dòng thời sự sáng 20/3, ông Đỗ Thanh Lam cho biết, số lượng người bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, kể cả trong trường hợp đã đội mũ bảo hiểm, không giảm là bao so với trước khi có quy định người tham giao giao thông phải đội mũ bảo hiểm, nguyên nhân do chất lượng mũ bảo hiểm chưa được quản lý chặt chẽ.

Điều không khó nhận ra là mũ bảo hiểm rởm được bán tràn lan khắp phố. Khi được hỏi, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào? Ông Lam khẳng định, vấn đề kiểm tra, kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm, Nhà nước quy định cơ quan quản lý về chất lượng là Bộ Khoa học và công nghệ, mà vai trò chính là của thanh tra bộ Khoa học và công nghệ. “Tuy nhiên, vẫn đề kiểm tra, kiểm soát xử lý tội phạm liên quan đến nhiều lực lượng”, ông Lam nói.

Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng không ý thức được việc đội mũ đảm bảo chất lượng cần thiết như thế nào, cho nên cứ thấy mũ giá rẻ là mua; thậm chí biết đội mũ “rởm” là nguy hiểm nhưng vẫn nhắm mắt mua liều.

Song theo ông Lam, việc kiểm tra xác định mũ bảo hiểm thật, mũ bảo hiểm giả cũng là một quá trình tốn kém rất nhiều tiền bạc và thời gian. Do phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng rất tinh vi, thậm chí có cả sự móc ngoặc với nước ngoài. Do vậy, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng gặp rất nhiều khó khăn.

“Với tư cách là lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), trong thời gian sớm nhất chúng tôi sẽ xây dựng một chuyên đề về kiểm tra kiểm soát các hành vi vi phạm về sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, ông Lam cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên