Lãnh đạo Hà Nội đề nghị không để tái diễn tình trạng chặn xe vào bãi rác Nam Sơn
VOV.VN - Theo ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội: “Cực chẳng đã người dân mới chặn xe rác nhưng đó là hành vi phạm pháp luật và đề nghị không được tái diễn”.
Chiều 30/10, tại trụ sở UBND huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, diễn ra Hội nghị đối thoại của Thường trực Thành ủy Hà Nội với nhân dân 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn thuộc huyện Sóc Sơn liên quan đến các vấn đề tại khu xử lý rác Nam Sơn.
Sau khi tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của người dân 3 xã, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch TP Hà Nội cho biết, thay mặt UBND TP xin tiếp thu 14 ý kiến bà con đã nêu, những ai chưa phát biểu sẽ gửi ý kiến, huyện và TP tiếp tục thu nhận ý kiến.
Quan điểm của TP Hà Nội là vận dụng để giải quyết. Những gì TP Hà Nội không giải quyết được thì tiếp nhận và báo cáo lên cấp trên.
“Đề nghị huyện Sóc Sơn hằng ngày thường xuyên kiểm tra, xử lý việc vận chuyển, thực hiện, xử lý quá trình xử lý rác tại bãi rác Nam Sơn để hạn chế tối đa những ảnh hưởng từ bãi rác đến bà con nhân dân. Ví dụ như phun khử khuẩn một lần không được thì hai lần,… TP Hà Nội sẵn sàng bỏ kinh phí ra để làm việc này”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng đề nghị, tuyệt đối giữ an toàn trong quá trình xử lý không để rò rỉ rác ra bên ngoài. Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, vùng ảnh hưởng, hỗ trợ đời sống nhân dân,… mức hộ trợ cho người dân thấp quá thì phải nâng lên nhưng phải làm theo quy trình, quy định sẵn có. Cấp bảo hiểm y tế cho toàn thể nhân dân 3 xã trên.
“Huyện Sóc Sơn cần rút kinh nghiệm để thống nhất với xã và nhân dân về khu tái định cư, TP Hà Nội đâu có hẹp hòi bắt nhân dân ở chỗ này hay ở chỗ kia. Đất nông nghiệp 78.000 đồng theo đề xuất của nhân dân và huyện là thấp quá vì vậy TP Hà Nội quyết định đền bù và hỗ trợ theo đất nông nghiệp QĐ 64 không được vượt quá quy định đất nông nghiệp QĐ 103. Đề nghị bà con, đây là nhà nước pháp quyền, hãy ngồi giải quyết với nhau trên cơ sở pháp luật. Thành phố không gây khó khăn cho bà con, vì vậy bà con cũng lưu ý, ranh giới của đấu tranh và vi phạm pháp luật rất gần”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng đề nghị, phải lập điều tra hiện trạng từng gia đình một, hoàn cảnh cuộc sống,…để đền bù theo đúng quy định của pháp luật. Những trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Đề nghị huyện Sóc Sơn đôn đốc thực hiện, phối hợp với các cơ quan của thành phố Hà Nội để giải quyết dứt điểm.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết: “Mọi việc dù có khó khăn, phức tạp đến đâu nếu chúng ta cùng chia sẻ, cởi lòng với tinh thần chia sẻ khó khăn, đối thoại với nhau trên cơ sở luật pháp thì chắc chắn sẽ giải quyết được vấn đề. Chúng tôi lên đây lắng nghe những khó khăn của bà con, những vấn đề gì có thể giải quyết được sẽ công bố ngay trong chiều hôm nay. Những vấn đề nào cần phải xin ý kiến ở Trung ương thì chúng tôi sẽ ghi nhận, báo cáo. Những gì pháp luật hiện hành không thể giải quyết được thì thông tin luôn cho bà con hiểu”.
“Tôi biết việc chặn xe rác này của bà con là cực chẳng đã nhưng đó là vi phạm pháp luật. Chúng ta đang sống trong một đất nước pháp quyền, có kỷ cương phép nước thì không thể để tái diễn tình trạng này. Chúng tôi cố gắng đảm bảo lợi ích cao nhất cho bà con nhưng trên cơ sở pháp luật. Xử lý nghiêm những người lợi dụng chính sách để trục lợi, không đánh đồng những đối tượng này với những người khác”, ông Phong nói.
Ông Phong mong bà con chủ động tích cực phối hợp với các cơ quan chính quyền để kê khai, kiểm đếm, phối hợp thực hiện. Công việc tiến triển chậm, tuyên truyền chính sách pháp luật còn chưa đầy đủ đó là lỗi của Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn. Đề nghị huyện Sóc Sơn rút kinh nghiệm về vấn đề này.
Đề nghị UBND TP Hà Nội tăng cường thêm cán bộ từ các sở xuống phối hợp với huyện Sóc Sơn giải quyết sớm những vướng mắc của bà con nhân.
Đề nghị huyện Sóc Sơn ngoài việc tăng cường, đẩy mạnh tiến độ thống kê, đền bù, giải phóng mặt bằng. Phối hợp với các cơ quan rà soát lại để điều chỉnh, xử lý cho kịp thời.
“Việc chặn xe rác này là vi phạm pháp luật, chính quyền cũng không muốn người dân vi phạm pháp luật như vậy. Hy vọng rằng, việc làm này không tái diễn nữa. Chúng ta có thể dùng đơn thư, tránh tiếp diễn những việc này vì có những đối tượng có thể lợi dụng việc này vì những mục đích khác. Chỉ mong người dân khiếu nại đúng luật, các cấp chính quyền phải tập trung giải quyết cho kịp thời”.
Sau khi lắng nghe ý kiến kiến nghị của người dân 3 xã, tiếp thu những chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, lãnh đạo huyện Sóc Sơn nhận trách nhiệm về những tồn tại trên. Qua đó, lãnh đạo huyện Sóc Sơn cũng mong muốn trong thời gian tới người dân 3 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền huyện xã. Đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo tăng cường thêm cán bộ chuyên môn để đẩy nhanh giải quyết những ý kiến nguời dân đề xuất./.
Giá bồi thường
Đất nông nghiệp trồng cây lâu năm: 500.000 đồng/m2 (bao gồm cả bồi thường và hỗ trợ).
Đất ở: khu vực nông thôn: 866.040 đồng/m2; Vị trí 1,2,3,4 đường 35 đi Bắc Sơn đoạn xã Hồng Kỳ: Từ 2.539.508 đến 4.086.120 đồng/m2 (tăng 1,2 lần so với giá đất TP Hà Nội quy định QĐ 96); Vị trí 1,2,3,4 đường 35 đi Bắc Sơn đoạn xã Bắc Sơn: Từ 2.126.678 đến 3.360.280 đồng/m2 (tăng 1,2 lần so với giá đất TP Hà Nội quy định QĐ 96).
Bãi rác Nam Sơn quy hoạch đến năm 2020 có quy mô 157ha, đến năm 2030: 257ha, đến năm 2050 là 280ha tại các xã Bắc Sơn, Hồng Kỳ và Nam Sơn. Giai đoạn 1 được bầu tư xây dựng và hoạt động từ năm 1999 với quy mô 83,83ha.
Giai đoạn 2 với diện tích 73,73ha, đến nay đã hoành thành GPMB khu phía Nam (xã Hồng Kỳ, Nam Sơn 36,26ha), còn 37,47ha thuộc xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn đang tiếp tục thực hiện công tác GPMB.
Tháng 10/2016, khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 1 được phủ vải bạt đóng bãi, bắt đầu đổ rác sang ô chôn lấp của giai đoạn 2, thiết kế đổ cao độ cos +35m đối với ô 1.6, các ô còn lại nở cos +23m, ô hợp nhất cao độ cos+32m.
Sau hơn 20 năm hoạt động khu xử lý Nam Sơn hiện nay tiếp nhận khoảng 5000 tấn/ ngày đêm. Xử lý chất thải sinh hoạt cho 17/31 quận huyện, chiếm 77% lượng rác của toàn TP Hà Nội.
Lượng nước rỉ rác thu được từ các ô chôn lấp rác hiện nay khoảng 2000m3/ngày đêm và lượng nước tồn đọng chưa xử lý vẫn còn. Hàng ngày có khoảng 550 xe chở rác lên khu xử lý