Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nói gì về tuyến du lịch Đà Nẵng - Cù Lao Chàm?
VOV.VN -TP Đà Nẵng có chủ trương đưa khách từ sông Hàn ra thẳng đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Thành phố Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa giai đoạn 2019-2021. Theo đó, thành phố có chủ trương đưa khách từ sông Hàn ra thẳng đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
Cù Lao Chàm nhìn từ trên cao. |
PV: Thưa ông, mấy ngày qua, dư luận rất quan tâm về việc thành phố Đà Nẵng lên kế hoạch mở tuyến du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng - Cù Lao Chàm. Lãnh đạo thành phố Hội An và ngành chức năng ở tỉnh Quảng Nam cho rằng, kế hoạch này chưa nhận được sự đồng thuận giữa 2 địa phương. Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng, việc mở tuyến du lịch đường biển này đã được lãnh đạo 2 địa phương bàn bạc và thống nhất. Ông giải thích như thế nào về vấn đề này?
Ông Lê Trí Thanh: Ban Thường vụ 2 bên đưa ra chủ trương là đúng, hợp tác phát triển du lịch Cù Lao Chàm - Sơn Trà là chuyện bình thường. Trong cuộc họp giao ban của UBND tỉnh cũng đề cập vấn đề này, có 1 chương trình làm việc giữa Ban Thường vụ 2 địa phương để đánh giá 1 năm về phối hợp giữa 2 Ban Thường vụ Quảng Nam với Đà Nẵng.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. |
Dù Ban Thường vụ giữa 2 bên có thống nhất nhưng đó là thống nhất về quan điểm khai thác. Cụ thể, cần phải thống nhất tàu đóng như thế nào? Địa điểm ở đâu? Thời gian...
PV: Mở tuyến du lịch đường thủy từ Đà Nẵng đi Cù Lao Chàm và ngược lại thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Cù Lam Chàm, một Khu dự trữ sinh quyển thế giới, thưa ông?
Ông Lê Trí Thanh: Cù Lao Chàm là Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới thì việc đến tham quan nơi này là quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, không phải chỉ riêng của bất kỳ ai. Nhưng cần phải được quản lý để phát triển du lịch không gây xâm hại, không gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái của Cù Lao Chàm.
Vẻ hoang sơ ở đảo Cù Lao Chàm. |
Đối với khu vực Cù Lao Chàm đã trải qua thời gian dài về phát triển du lịch, giữ ở mức 3.000 khách/ngày là hợp lý. Chỉ tiêu này hoàn toàn đảm bảo tính bền vững của Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm. Và lượng tàu ra ngoài đó cũng phải được quản lý một cách nghiêm ngặt hơn. Do đó, nếu bây giờ mà “thả” cho tự phát, các địa phương đưa khách đến khu vực này thì tất nhiên sẽ bị phá vỡ, không kiểm soát được.
PV: Thưa ông, thực tế trong thời gian vừa qua, hoạt động tham quan du lịch ở Cù Lao Chàm đã có những tác động gì đến hệ sinh thái khu vực này? Vấn đề ở đây là cách quản lý thế nào chứ không phải lượng khách nhiều hay ít?
Ông Lê Trí Thanh: Trong thời gian vừa qua đã có tình trạng rất nhiều du khách đến đó và không kiểm soát được, dẫn đến việc khách ăn uống, xả chất thải xuống, vứt rác bừa bãi xuống biển, ảnh hưởng đến rạn san hô. Vì vậy, cần phải có sự bàn bạc giữa các địa phương. Bởi, Cù Lao Chàm, Lý Sơn hay Sơn Trà cũng đều nằm trong 1 quần thể bán đảo và đảo, phục vụ cho phát triển du lịch và dự trữ sinh quyển. Các địa phương cần thống nhất bàn cách khai thác như thế nào. Ngay cả Lý Sơn cũng đến một lúc nào đó phải hạn chế lượng khách ở mức hợp lý. Hay Sơn Trà cũng vậy, cũng phải tính đến việc tổ chức khai thác loại hình du lịch gì, ở mức độ nào cho phép?
Giếng cổ ở Cù Lao Chàm. |
Quảng Nam hiện nay đang quy hoạch phát triển du lịch Cù Lao Chàm. Do đó cần phải khống chế số lượng khách, vị trí đưa khách đến, những công trình phục vụ du khách như vui chơi giải trí, đi xe ở những khu vực nào, tắm, vệ sinh môi trường thực hiện ra sao… Tất cả phải được tính toán để quản lý phát triển bền vững, vì giữa Đà Nẵng và Quảng Nam lâu nay đã có hợp tác phát triển du lịch rồi.
PV: Điều mà nhiều người lo ngại là việc mở tuyến du lịch đường biển Đà Nẵng - Cù Lao Chàm sẽ ảnh hưởng xấu đến rạn san hô vừa mới được nuôi cấy. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Lượng khách đến tham quan Cù Lao Chàm đạt khoảng 3.000 người/ngày. |
Ông Lê Trí Thanh: Hiện nay khu bảo tồn đang phát triển rạn san hô ở xung quanh đó. Vì vậy, việc mở tuyến đi phải xác định là tàu đó công suất bao nhiêu. Nếu tàu quá lớn đi vào đó cũng sẽ gây ảnh hưởng đến san hô phía dưới. Hướng tuyến đi như thế nào, cập bến ở đâu? Tất cả những nội dung này phải được thống nhất, chứ không phải cứ xuất phát từ sông Hàn rồi chạy đi mọi chỗ, cày nát hết rạn san hô ở phía dưới là không được.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Siết chặt kinh doanh du lịch tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm
Chính thức đấu nối lưới điện quốc gia với đảo Cù lao Chàm