Lào Cai cần quản lý, khai thác hiệu quả nguồn nước
VOV.VN - PCT Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Lào Cai cần quản lý, khai thác hiệu quả nguồn nước.
Hôm nay 23/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế an ninh nguồn nước tại khu vực thượng nguồn sông Hồng, ở các xã Bản Qua, A Mú Sung, huyện Bát Xát (Lào Cai) và Công ty cổ phần cấp nước Lào Cai.
Phó Chủ tịch Quốc hội khảo sát nguồn nước sông Hồng đầu nguồn biên giới. |
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận, đánh giá cao công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước thượng nguồn sông Hồng; công tác quản lý, bảo vệ hồ, đập thủy lợi và thủy điện ở địa phương; việc cung cấp nước thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sạch phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân trong tỉnh.
Hiện, tại Lào Cai có 17 sông, suối ngoại tỉnh và 62 sông, suối nội tỉnh, với hai tuyến sông chính là sông Hồng và sông Chảy; 14 công trình cấp nước sạch đô thị cùng 1.051 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn, với tổng công suất khoảng 97.000 mét khối/ngày đêm, bảo đảm cho 95% dân số được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 1.143 công trình thủy lợi, bảo đảm tưới cho 45.000 ha đất nông nghiệp; 108 hồ chứa, với tổng dung tích gần 9 triệu mét khối nước; 46 đập và hồ chứa thủy điện, tập trung ở các địa bàn vùng núi cao, địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn.
Phó Chủ tịch Quốc hội thị sát Nhà máy cung cấp nước sạch tại thành phố Lào Cai. |
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Lào Cai, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chia sẻ với Lào Cai những khó khăn do điều kiện phân bố nguồn nước không đều giữa các vùng, hiệu quả kinh tế cho hoạt động cấp nước chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, một số vùng núi cao như huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bát Xát còn thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, gây khó khăn trong đời sống và phát triển sản xuất ở địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Lào Cai cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập; tiến hành rà soát, kiểm tra để có quy hoạch tổng thể liên quan đến thủy lợi, thủy điện. Đồng thời, yêu cầu Lào Cai cần làm tốt khâu quy hoạch hệ thống hồ, đập và công trình thủy lợi, tầm nhìn xa đến 2030; quản lý, vận hành tốt hệ thống hồ đập; bố trí, sắp xếp dân cư phù hợp, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ; quản lý gắn với bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững…/.