Lao động tại Lào lương cao nhưng vẫn ít người biết
VOV.VN - Nhu cầu lao động ở Lào lớn, mức lương khá cao nhưng tiềm năng về thị trường xuất khẩu lao động sang Lào vẫn chưa được nhiều người biết đến
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, thị trường Lào có nhu cầu khá lớn với mức thu nhập lên đến 23 triệu đồng/tháng đặc biệt trong lĩnh vực lao động kỹ thuật và quản lý các ngành xây dựng, kỹ sư công trình.
Ông Hà Văn Cảnh- Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Xiêng Khoảng. |
Mức thu nhập bình quân đối với lao động phổ thông đạt khoảng 250 USD/tháng, lao động kỹ thuật khoảng 500 USD/tháng.
Ngoài ra, người lao động cũng được hưởng đầy đủ các chế độ về bảo hiểm, nghỉ phép, lễ, tết theo quy định của pháp luật Việt Nam và Lào.
Anh Phạm Mạnh Tuấn, quê ở Nam Định, là thợ đồ gỗ cao cấp, đã sang lao động, sinh sống tại Lào nhiều năm cho biết: “Ở bên này làm lao động thoải mái ôn hòa hơn, thợ xây trên dưới chục triệu, thợ mỹ nghệ thu nhập cao hơn. Nếu những người thu nhập cao thì muốn ở lại lao động hơn”.
Bên cạnh số lao động Việt Nam đi làm việc tại Lào theo các kênh chính thống như công trình trúng thầu, đầu tư, thực hiện dự án.. còn một số lượng lớn lao động Việt Nam đi làm việc tự do theo đường tiểu ngạch, thời vụ, chủ yếu là lao động ở các tỉnh có chung đường biên giới với Lào như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình...
Anh Vũ Quyết Chiến, là lao động thời vụ mới sang Lào được khoảng một tháng cho hay: “Nói chung công việc bên này thoải mái, thu nhập ổn định. Tìm việc cũng qua bạn bè giới thiệu. Cũng chỉ muốn ổn định gia đình nên chỉ sang làm việc một thời gian rồi về. Thu nhập cao hơn, chi tiêu đắt hơn nhưng thoải mái hơn ở nhà”.
Anh Vũ Quyết Chiến - lao động thời vụ tại Lào. |
Hàng tháng những lao động này phải ra cửa khẩu đóng lại dấu xuất nhập cảnh một lần. Đối với lao động tự do thì vẫn có những rủi ro về tiền lương, bảo hiểm.
Ông Hà Văn Cảnh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Xiêng Khoảng cho biết, hiện có khoảng 2000 người Việt sang lao động thời vụ tại Xiêng Khoảng, chủ yếu là do người thân, người quen giới thiệu sang.
Người Việt cũng thích sang lao động tại đây theo thời vụ vì khi có việc về nhà cũng tiện.
“Chính phủ Lào cũng biết được giá trị của lao động Việt khi làm các dự án, chưa hề phạt trường hợp lao động phổ thông nào. Hiện chưa có đơn vị nào của Việt Nam làm xuất khẩu sang đây, chỉ có các ông chủ tuyển người sang. Có trường hợp tuyển lao động sang làm dự án thủy điện, xe lửa nhưng cũng nhiều rủi ro”, ông Cảnh cho biết thêm.
Tháng 7/2013, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đã ký kết Hiệp định hợp tác lao động Việt – Lào, đã điều chỉnh được các hình thức lao động phù hợp với tình hình thực tế, quy định cụ thể về thủ tục xin cấp giấy phép lao động, đăng ký lưu trú, các loại phí liên quan, chế độ bảo hiểm, y tế, xử lý tranh chấp... đảm bảo được yêu cầu quản lý và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Đây cũng là căn cứ để các doanh nghiệp dịch vụ của hai quốc gia tiến hành đưa lao động của nước này sang làm việc tại nước kia và cũng là những chuẩn mực để người sử dụng lao động phải tuân theo khi sử dụng lao động của nước bạn tới làm việc.
“Hiện nay Cục cũng thông qua các cuộc họp đề xuất tạo điều kiện cho người Việt Nam sang lao động về mặt thủ tục. Phí đăng ký cư trú cao khoảng 800 nghìn đồng/ tháng là khá cao, chúng tôi đang đề xuất giảm cho người lao động”, ông Phạm Viết Hương nói thêm.
Với vị trí địa lý là quốc gia láng giềng, điều kiện phát triển kinh tế xã hội, nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán khá tương đồng, cùng với đó có khoảng 30 nghìn Việt Kiều đang sinh sống tại Lào nên đây là điều kiện khá lý tưởng cho người lao động Việt Nam sang công tác, làm việc tại Lào.
Dự báo thị trường lao động: Khó khăn do doanh nghiệp ngại nói?
Thị trường lao động năm 2017 sẽ như thế nào?
Thị trường lao động dịp Tết Đinh Dậu đang “nóng” dần