Lắp camera trên xe kinh doanh vận tải: Tiện quản lý nhưng doanh nghiệp vẫn nghe ngóng
VOV.VN - Hạn chót cho việc lắp đặt camera giám sát trong xe kinh doanh vận tải đã cận kề, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn chưa thực hiện, với tâm lý còn nghe ngóng...
Theo quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (có hiệu lực thi hành từ 1/4/2020), trước ngày 1/7/2021, xe chở khách trên 9 chỗ và xe đầu kéo bắt buộc phải lắp camera giám sát trong xe.
Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa, xử lý xe chở quá tải, nhồi nhét khách, chạy sai hành trình, luồng tuyến.
Việc lắp camera giám sát trong xe kinh doanh được cho là thuận tiện cho việc quản lý của doanh nghiệp và cơ quan chức năng cũng dễ dàng giám sát thông qua việc kết nối về máy chủ. Thế nhưng, dù chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến thời hạn trên, Bộ GTVT đã có nhiều công văn “đốc thúc” việc lắp đặt đúng thời hạn, nhưng các Hiệp hội vận tải và doanh nghiệp vẫn còn tâm lý nghe ngóng...
Viện cớ dịch COVID-19 để xin trì hoãn
Ông Hoàng Thế Hanh, Trưởng phòng Vận tải và Quản lý phương tiện, người lái Sở GTVT Bắc Giang cho rằng, có camera rất tốt để kiểm soát người đeo khẩu trang, giãn cách trên xe, hơn hẳn việc giám sát bằng con người. "Chính phủ quy định hạn cuối đến 1/7/2021 các doanh nghiệp mới phải lắp, chúng tôi sẽ giám sát các đơn vị thực hiện".
“Bắc Giang là điểm nóng nhất về COVID-19, nhiều doanh nghiệp có xe chở công nhân cũng đã lắp đặt camera giám sát trong xe và phát huy hiệu quả. Hiện nay, Bắc Giang bắt đầu cho phép một số lượng xe chở công nhân hoạt động trở lại và nhờ hệ thống này chúng tôi giám sát từ xa xe chở công nhân có giãn cách trên xe không, có thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng không…”, ông Hanh cho biết.
Bên cạnh việc tự giác chấp hành lắp đặt camera giám sát trong xe của một số doanh nghiệp vận tải, đa số chủ doanh nghiệp vẫn còn chần chừ chưa thực hiện. Nguyên nhân chính các đơn vị “nại” ra do dịch bệnh, nhiều xe đang “đắp chiếu và kiến nghị lùi thời gian thực hiện.
Công ty cổ phần Vận tải - Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng là một doanh nghiệp vận tải lớn ở Hải Phòng với hàng trăm xe, nhưng đến nay số xe lắp đặt camera giám sát trong xe rất ít.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc công ty thừa nhận, chủ trương lắp camera hành trình là đúng và các Hiệp hội và doanh nghiệp vận tải đều đồng tình song cho biết doanh nghiệp phải chi phí rất lớn để lắp các camera giám sát theo đúng lộ trình của Bộ GTVT quy định vào ngày 1/7 tới đây. Điều này đã khiến khó khăn thêm chồng chất giữa đại dịch COVID-19.
“Do đó, các đơn vị vận tải kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước lùi thời hạn lắp đặt và triển khai để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị hệ thống, nguồn lực cũng như vượt qua khó khăn ở giai đoạn hiện tại”, ông Hải nói.
Còn ông Nguyễn Tuấn Hùng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn vận tải Hiền Phước, kiến nghị Bộ GTVT cho lùi thời gian lắp camera trên xe khách để các doanh nghiệp khi phục hồi kinh doanh hòa vốn sẽ triển khai theo đúng quy định.
Mới đây, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng đã có kiến nghị lên Chính phủ, Bộ GTVT cho phép lùi thời hạn lắp camera đến cuối tháng 7/2023 để khâu chuẩn bị kỹ càng và đạt hiệu quả.
Thuận tiện cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý giám sát
Cũng phải nhấn mạnh lợi ích khi lắp camera, đó là doanh nghiệp và cơ quan chức năng giám sát được trạng thái của lái xe như nghe điện thoại, mất tập trung và các hành vi mất an toàn giao thông khác.
Đặc biệt, trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát như hiện nay, camera là giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch từ xa, nhắc nhở từ lái xe, hành khách tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang sẽ góp sức cùng xã hội đẩy lùi đại dịch. Có camera cũng rất thuận lợi cho việc truy vết nếu không may trên xe có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Giám đốc Công ty Cổ phần HC, cho hay nhiều doanh nghiệp tìm hiểu và đã chuẩn bị kinh phí lắp camera nhưng vẫn ở trạng thái "nghe ngóng" quyết định của cơ quan quản lý nhà nước trước động thái đề xuất lùi thời hạn của doanh nghiệp.
Theo ông Chiến, lùi thời hạn gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải cũng đông nghĩa đẩy nhiều doanh nghiệp cung ứng thiết bị camera gặp khó khăn, vì họ đã sản xuất và nhập số lượng lớn thiết bị vật tư hàng hoá.
Không ít doanh nghiệp cho rằng nên chăng chỉ lắp những xe lưu thông trên đường, lùi thời hạn lắp xe ngừng hoạt động do dịch. Điều này sẽ đảm bảo được các yêu cầu như lắp đúng thời hạn, giảm gánh nặng cho đơn vị vận tải và nhà cung cấp camera đồng thời chung sức đẩy lùi dịch COVID-19 khi dễ dàng kiểm soát người không đeo khẩu trang trên xe, truy vết và dập dịch nhanh chóng.
Mặt khác, những xe kinh doanh vận tải đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 10-20% thì chi phí đầu tư sẽ thấp. Giả sử một doanh nghiệp có 100 xe, do dịch có 10 xe hoạt động, thì trước 1/7/2021 doanh nghiệp chỉ phải đầu tư khoảng 50 triệu đồng thay vì 500 triệu đồng nên khá "dễ thở".
Không bàn lùi
Mới đây, trả lời kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về đề nghị lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính đối với việc lắp camera theo quy định của Nghị định 10 đến hết năm 2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam không đồng thuận và yêu cầu các doanh nghiệp vận tải vẫn triển khai lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải đúng thời hạn quy định.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, quy định lắp đặt camera giám sát trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo là điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm mục tiêu giám sát hành vi của người lái xe, giám sát tình hình an ninh, trật tự trên xe và bảo đảm ATGT.
“Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cần tiếp tục tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện theo đúng lộ trình quy định tại Nghị định 10/2020. Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19", đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện trên thị trường, giá thiết bị lắp camera góc rộng lắp cho mọi loại xe dao động khoảng 4-5,5 triệu đồng đã bao gồm trọn gói simcard và máy chủ đầu năm. Các năm tiếp theo, đơn vị chỉ cần trả trọn gói 100.000 đồng/tháng cho mỗi xe để duy trì phí dịch vụ đường truyền và máy chủ. Trong trường hợp doanh nghiệp vận tải yêu cầu bổ sung các tính năng riêng như lắp thêm mắt camera, lắp cảm biến đo nhiên liệu, sử dụng ổ cứng lưu trữ... giá thành thiết bị sẽ nhích lên khoảng 6-7 triệu đồng/thiết bị.
Đề cập đến các băn khoăn của đơn vị vận tải trong việc lựa chọn thiết bị do chưa có quy chuẩn, tính bảo mật, chất lượng hình ảnh của camera, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, camera sẽ không có quy chuẩn bởi thiết bị này đã theo chuẩn quốc tế. Tổng cục Đường bộ chỉ yêu cầu chuẩn đầu ra đảm bảo giảm chi phí thấp nhất cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp vận tải truyền hình ảnh chuẩn theo đầu ra, cơ quan này sẽ tiếp nhận dữ liệu và xác nhận./.