Lên đồng - bảo tàng sống của văn hóa Việt

Thực tế hiện nay, nhiều khi Lên đồng bị biến tướng, lợi dụng vào mục đích xấu.

Chiều 23/2, tại Trung tâm văn hóa Pháp L’espace đã diễn ra hội thảo “Lên đồng, bảo tàng sống của văn hóa Việt” với mục đích nghiên cứu, nâng cao nhận thức của chủ thể văn hóa về tín ngưỡng Lên đồng.

Giáo sư, TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng dân gian, hiện là Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia và là nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này tham gia thuyết trình tại hội thảo.

Lên đồng là hình thức tín ngưỡng dân gian, rất phổ biến ở Việt Nam, châu Á và nhiều nước trên thế giới. Tại một số quốc gia, những giá trị của hình thức tín ngưỡng dân gian này là di sản văn hóa phi vật thể như Kut ở Hàn Quốc, Shaman ở Indonesia và Shaman ở Mông Cổ. Lên đồng của Việt Nam chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử, đã được nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế nghiên cứu, giới thiệu và bảo tồn. 

Theo GS. TS Ngô Đức Thịnh: “Lên đồng là một nghi thức tôn giáo của đạo Mẫu - một tôn giáo mang đậm bản sắc Việt Nam. Nó vừa ẩn chứa các giá trị văn hóa, vừa đậm chất tín ngưỡng. Hiện nay hình thức này rất phổ biến ở Việt Nam và ngày càng phát triển mạnh. Lên đồng là bảo tàng sống của văn hóa Việt, bởi hình thức diễn xướng của Lên đồng tích hợp những giá trị văn hóa rất lớn. Đây không phải là một tín ngưỡng độc lập mà là một nghi lễ của Đạo Mẫu”. 

Lên đồng bên cạnh là một hình thức văn hóa, còn là nhu cầu tâm linh, là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của một bộ phận người Việt. Các nghi lễ này thường được tổ chức nhiều lần trong một năm vào các dịp lễ Tết, thường là tại các lễ hội đền thánh, phủ Mẫu...

Nhưng hiện nay hoạt động Lên đồng vẫn gặp phải sự phản đối của nhiều người trong xã hội, thậm chí bị xem là hoạt động mê tín dị đoan. Giải thích về điều này, GS. TS Ngô Đức Thịnh cũng đã thừa nhận rằng: “Hiện nay, Lên đồng đã xuất hiện nhiều biến tướng và bị nhiều đối tượng lợi dụng vào mục đích xấu” .

“Hơn bất kỳ một quyển sách khô cứng, một bức tranh hay một bức tượng nào, Lên đồng là một bảo tàng sống động. Người Việt đã triển lãm nền văn hóa Việt Nam cho người Việt và người nước ngoài. Những người tham gia hầu đồng chính là những người quản lý nhà bảo tàng, những người bảo vệ cho văn hóa Việt Nam. Việc làm của họ đảm bảo cho các thế hệ tương lai vẫn sẽ tiếp tục có cơ hội được chiêm ngưỡng những khía cạnh khác nhau của văn hóa Việt Nam, khi mà chúng đang dần bị nhạt nhòa đi trong đời sống xã hội hàng ngày, chỉ còn hiện diện trong điện thần của đạo Mẫu”.(TS. Frank Proschan -một chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc - UNESCO)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên