Liên kết vùng, kiểm soát khai thác cát để cứu ĐBSCL

VOV.VN - Thách thức lớn nhất với ĐBSCL là sạt lở nghiêm trọng không chỉ khiến nhà cửa, đường giao thông trôi sông mà còn ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.

Ở hai bài viết trước, nhóm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, khu vực ĐBSCL đã đề cập về nguyên nhân dẫn tới sạt lở tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua. Trong đó, tình trạng sạt lở được các chuyên gia, chính quyền địa phương chỉ rõ là tình trạng khai thác cát thiếu quy hoạch và nạn khai thác cát trái phép đang diễn ra phức tạp tại các tỉnh, thành là nguyên nhân dẫn tới các vụ sạt lở kinh hoàng vừa qua. Cùng với đó là tình trạng xâm nhập mặn, triều cường diễn ra thường xuyên làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất chung của toàn vùng.

Vậy, vấn đề cấp bách hiện nay các tỉnh, thành ĐBSCL phải làm gì để cứu lấy vùng đất châu thổ cửu long đang đóng góp lớn về xuất khẩu, nông thủy sản của cả nước. 

Các giải phép kè hiệu quả tại Cà Mau đã giúp tạo bãi bồi để trồng rừng.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi trong trồng trọt, nuôi trồng thủy hải sản đóng góp mỗi năm hàng chục tỷ USD vào xuất khẩu chung của cả nước những năm gần đây. Con số này còn nhiều hơn nữa khi một số hiệp định đối tác quốc tế và khu vực có hiệu lực thời gian tới sẽ tạo đà thúc đẩy chung cho toàn vùng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đặt ra cho vùng ĐBSCL hiện nay là tình trạng sạt lở diễn ra khốc liệt tại các địa phương, không chỉ nhà cửa, đường giao thông trôi sông mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút đầu tư vào các tỉnh.

Đã có nhiều cuộc họp, bàn luận xuyên suốt từ Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương để đưa ra giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng sạt lở vùng ĐBSCL. Từ việc đóng cửa một số mỏ cát, cho đến giải pháp kè chống sạt lở; hay như gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu tái diễn tình trạng lấn, chiếm bờ sông kênh rạch, nhưng sạt lở chưa dừng lại vẫn nuốt chửng nhà cửa, đất đai và mức độ ngày càng rộng, tần suất năm sau nhiều hơn năm trước.

Giải pháp tổng thể cứu ĐBSCL

Đã có giải pháp tổng thể, cũng như tìm biết nguyên nhân, nhưng vấn đề đặt ra là thực hiện đồng bộ. Bờ biển ĐBSCL dài khoảng 736km, trong đó có đoạn ở vùng cửa sông Cửu Long dài 250km từ Tiền Giang tới Sóc Trăng là bờ biển cát, còn đoạn còn lại từ Bạc Liêu xuống Mũi Cà Mau ở phía Biển đông và từ Mũi Cà Mau qua Hà Tiên ở phía biển Tây là bờ biển bùn. Bùn cát này là do sông Cửu Long, tức là sông Mekông mang ra bồi đắp, và khi thiếu cát thì sạt lở đoạn bờ biển cát và khi thiếu bùn thì sạt lở đoạn bờ biển bùn, đây là những nguyên nhân chính gây ra các vụ sạt lở bờ biển thời gian qua.

Không chỉ hàng chục km bờ sông có nguy cơ sạt lở làm ảnh hưởng tới hàng ngàn hộ dân thì trạng sạt lờ biển cũng đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Cà Mau, hiện nay địa phương có 65km bờ biển sạt lở ở mức độ nguy hiểm. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết, ngoài sạt lở ven sông, thì hằng năm biển lấn vào đất liền từ 20 đến 50 mét cả biển Đông lẫn biển Tây.

Trong 10 năm qua, địa phương đã thực hiện hơn 28 km kè bê tông, trong đó khoảng 20 km là kè ngầm tạo bãi. Vấn đề cấp bách của địa phương hiện nay còn 26 km sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, cần xử lý khẩn cấp bảo vệ đê biển và nhiều khu, tuyến dân cư. Ngoài triển khai giải pháp công trình tại vị trí cấp thiết, địa phương coi trọng giải pháp phi công trình để khắc phục tình trạng sạt lở và tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về rừng.

"Giải pháp phi công trình là khôi phục, quản lý chặt chẽ lại rừng phòng hộ. Có những quan trắc, những thông tin dự báo kịp thời đến cho cộng đồng. Tập trung tuyên truyền cho cộng đồng biết hiểm nguy của vấn đề sạt lở, tác hại của việc phá rừng gây ra sạt lở, ảnh hưởng đê biển", ông Hoai nói.

Bố trí cụm, tuyến dân cư và gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để phát sinh nhà ven sông, đây là việc làm được Cần Thơ triển khai quyết liệt để hạn chế sạt lở và trả lại sự thông thoáng bờ sông, kênh rạch trên địa bàn. Đồng thời, sử dụng giải pháp phi công trình bằng cách trồng cây để hạn chế sạt lở.

Ông Nguyễn Quý Ninh, Chánh văn Phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho rằng: "Đối với những vùng nông thôn hoặc là những vùng tốc độ dòng chảy không lớn thì cũng áp dụng các giải pháp dân gian truyền thống để tạo sự lan tỏa, như sử dụng các vật liệu có sẵn tại địa phương như là cừ dừa, cừ tràm…hoặc trồng thêm cây để bảo vệ bờ như cây bần hiện nay cũng đã triển khai được trên 2.000 mét, còn dưới địa phương làm rất nhiều".

Giải pháp kè ngầm tạo bãi đã giúp tạo bãi bồi, cây rừng tự tái sinh trong kè.

Giải pháp phi công trình đang được huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang triển khai, trong đó hơn 5km kè sinh thái bằng các loại cây bần, cà na và tràm mang lại hiệu quả sau 2 năm thực hiện, với kinh phí đầu tư khoảng 750 triệu đồng, tức trung bình một 1m kè chỉ tốn khoảng 150 ngàn đồng, bằng 1/10 so với chi phí xây kè bêtông. Giải pháp này tạo bãi bồi chống sạt lở, giúp tăng độ che phủ cây xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Nêu ý kiến về vấn đề chống sạt lở vùng ĐBSCL, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: "Bây giờ chúng ta phải căn cứ vào bản đồ sạt lở để biết những nơi nào có nguy cơ bị sạt lở nhiều để tránh bố trí các công trình, thay vào đó có thể bố trí một số đê kè, các loại cây trồng hoặc các vật liệu để chống sạt lở. Chúng ta cũng phải kiểm soát kỹ sự khai thác cát, đồng thời cảnh báo các tàu thuyền qua lại hạn chế tốc độ để tránh sạt lở gia tăng".

Triển khai dự án nghiên cứu địa hình, thủy văn ở sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao làm cơ sở đánh giá và quy hoạch lại hoạt động khai thác cát sông đang được tỉnh An Giang thực hiện. Về lâu dài, để chủ động ứng phó với sạt lở đất bờ sông, người dân cần thay đổi tập quán sinh sống ven sông hoặc kênh rạch, để hạn chế tải trọng, tránh nguy cơ sạt lở. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, trước tình trạng sạt lở vùng ĐBSCL cần phải nâng cao công tác cảnh báo, dự báo những vùng nguy hiểm để hạn chế thiệt hại tài sản của người dân.

"Sắp tới cần có những nghiên cứu cơ bản để xác định một cách đầy đủ, phân ra các khu vực nguy hiểm mức độ khác nhau, nguyên nhân khác nhau và từ đó ta có những kế hoạch song song với việc di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời tiếp tục duy trì hệ thông quan trắc. Và đặc biệt có thể tiến hành một số biện pháp điều chỉnh các dòng chảy để có thể phòng tránh được tác hại như thế này", ông Hà nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đi kiểm tra, khảo sát sạt lở tại địa bàn tỉnh An Giang.

Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân gốc rễ của vấn đề sạt lở vùng  ĐBSCL là thiếu hụt phù sa và cát. Tình trạng sạt lở vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, bờ sông sẽ bị sạt lở cho đến khi lòng sông mở rộng và đạt trạng thái cân bằng mới. Còn bờ biển, sạt lở sẽ liên tục diễn ra và ngày càng gia tăng tốc độ.  Như dự báo thì tình trạng sạt lở vẫn diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL trong thời gian tới và các giải pháp hiện nay chỉ là ứng phó, chưa có giải pháp thực sự căn cơ, lâu dài với vấn đề sạt lở cho toàn vùng.

Muốn hạn chế được vấn đề sạt lở thì cần có sự chung tay của các nước khu vực sông Mekông, cần sử dụng hợp lý tài nguyên trên dòng sông này và phải coi đây là tài sản chung của các nước, tránh can thiệp quá mức để ảnh hưởng tới hạ lưu.

Để ứng phó với Biến đổi khí hậu, nhất là phòng chống sạt lở cần phải có cả những giải pháp công trình và phi công trình, trong giải pháp công trình sẽ được ưu tiên để bảo vệ ở những nơi xung yếu như thành phố, nơi tập trung dân cư đông đúc. Còn lại sử dụng giải pháp phi công trình, cần chủ động di dời người dân khỏi những nơi có nguy cơ cao về sạt lở, quản lý và quy hoạch khai thác cát theo tinh thần liên kết vùng, liên tỉnh. Đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành trong quản lý, khắc phục vấn đề sạt lở vùng ĐBSCL, khi đó mới thực sự là giải pháp căn cơ, lâu dài để cứu ĐBSCL tránh khỏi sạt lở khốc liệt hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Doanh nghiệp thủy sản ĐBSCL sẽ hưởng lợi từ EVFTA
Doanh nghiệp thủy sản ĐBSCL sẽ hưởng lợi từ EVFTA

VOV.VN - Kim ngạch xuất khẩu 2018 của ĐBSCL đạt hơn 17 tỷ USD, trong đó mặt hàng nông, thủy sản chiếm hơn 60%.

Doanh nghiệp thủy sản ĐBSCL sẽ hưởng lợi từ EVFTA

Doanh nghiệp thủy sản ĐBSCL sẽ hưởng lợi từ EVFTA

VOV.VN - Kim ngạch xuất khẩu 2018 của ĐBSCL đạt hơn 17 tỷ USD, trong đó mặt hàng nông, thủy sản chiếm hơn 60%.

Sạt lở bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long
Sạt lở bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long

VOV.VN -ĐBSCL đang đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng trở nên khốc liệt và bất thường.

Sạt lở bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long

Sạt lở bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long

VOV.VN -ĐBSCL đang đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng trở nên khốc liệt và bất thường.

Khai thác cát thiếu kiểm soát khiến sạt lở trở nên trầm trọng
Khai thác cát thiếu kiểm soát khiến sạt lở trở nên trầm trọng

VOV.VN - Liệu rằng tình trạng thiếu hụt phù sa và khai thác cát thiếu kiểm soát là nguyên nhân chính gây ra sạt lở trầm trọng ở Đồng bằng Sông Cửu Long?

Khai thác cát thiếu kiểm soát khiến sạt lở trở nên trầm trọng

Khai thác cát thiếu kiểm soát khiến sạt lở trở nên trầm trọng

VOV.VN - Liệu rằng tình trạng thiếu hụt phù sa và khai thác cát thiếu kiểm soát là nguyên nhân chính gây ra sạt lở trầm trọng ở Đồng bằng Sông Cửu Long?