Liên tiếp 2 vụ phá rừng phòng hộ tại Quảng Nam: Do buông lỏng quản lý?
VOV.VN - Công an huyện Đông Giang và Nam Giang phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện 2 vụ phá rừng có quy mô lớn.
Liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ tại khu vực giáp ranh giữa 2 xã Jơ Ngây với xã Za Hung, huyện Đông Giang, ngày 30/3, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra khu vực xảy ra vụ phá rừng này.
Ông Lê Trí Thanh, PCT UBND tỉnh Quảng Nam cùng lực lượng kiểm lâm đến hiện trường vụ phá rừng. |
Đây được xem là một trong những vụ phá rừng có quy mô lớn xảy ra tại địa bàn tỉnh Quảng Nam trong vài năm trở lại đây.
Tại Tiểu khu 41, thuộc địa bàn xã Tà Lu, Tiểu khu 140, xã Zà Hung, thuộc huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, 33 gốc cây rừng bị các đối tượng khai thác gỗ trái phép đốn hạ nằm ngổn ngang.
Theo xác định ban đầu, số cây gỗ bị đốn hạ gồm: chò, chuồn chuồn, xoan đào... thuộc nhóm III và nhóm IV, khối lượng ước tính trên 72 m3. Trong đó có một số gỗ sau khi khai thác, các đối tượng đã vận chuyển khỏi hiện trường, số còn lại chưa kịp tẩu tán thì bị Công an huyện Đông Giang phát hiện.
5 đối tượng được xác định có liên quan đến vụ phá rừng tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam gồm: Vũ Văn Trứng, Vũ Văn Cưng cùng trú tại xã Zơ Ngây; Nguyễn Hồng, Bhnước Hồng và A Ting Bnóc cùng trú tại xã A ting, huyện Đông Giang.
Đây là vụ phá rừng đã được cơ quan Công an huyện Đông Giang lập chuyên án và theo dõi trên 2 tháng trời mới phát hiện và xử lý đối tượng.
Những phách gỗ nằm ngổn ngang tại hiện trường. |
Cùng thời điểm này tại huyện Nam Giang, lực lượng công an cũng đã bắt quả tang 6 đối tượng tham gia khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 335, thuộc địa bàn thôn Cần Đôn, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, thuộc lâm phận quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung.
Đối tượng chủ mưu là Tăng Tấn Dịp, 37 tuổi, quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bỏ trốn khỏi hiện trường và sau đó ra đầu thú.
Nhiều cây rừng người ôm không xuể. |
Một khi nguồn lợi từ việc phá rừng đem lại quá lớn thì không ai dám chắc sẽ không còn xảy ra những vụ phá rừng quy mô lớn như đã từng xảy ra ở tỉnh Quảng Nam.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Lực lượng Ban Quản lý rừng chưa phát huy hết trách nhiệm của mình, nhất là trong việc cùng với chính quyền địa phương, cùng với lực lượng công an và đặc biệt là cùng với các nhóm hộ nhận giao khoán, bảo vệ rừng, để tổ chức thường xuyên tuần tra, phát hiện các hành vi phá rừng. Việc thiếu tinh thần trách nhiệm, hoặc phối hợp không chặt chẽ với các lực lượng, với chính quyền địa phương và theo dõi, giám sát các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, chúng tôi sẽ có các biện pháp xử lý phù hợp"./.
Vụ phá rừng ở Quảng Nam: Khởi tố vụ án, xác định 5 đối tượng