Liệu có xảy ra hỗn loạn khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển?

VOV.VN - Nhiều chuyên gia cho rằng năm nay sẽ không còn tình trạng hỗn loạn trong việc nộp hồ sơ như năm ngoái.

Ngày 1/8, các trường đại học, cao đẳng bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1 của thí sinh. Năm nay, thí sinh không được rút hồ sơ trong thời gian xét tuyển nên nhiều chuyên gia tuyển sinh và lãnh đạo các trường cho rằng, sẽ không xảy ra tình trạng hỗn loạn trong việc nộp hồ sơ mà nhiều người ví von như “chơi chứng khoán” của năm ngoái. Tuy nhiên thí sinh cần cân nhắc kỹ khi chọn trường, chọn ngành vì nếu không thận trọng sẽ trượt ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên.  

Sẽ không còn tình trạng “chơi chứng khoán”?

Theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đợt nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đầu tiên, thí sinh được nộp hồ sơ vào 2 trường, mỗi trường được đăng ký 2 nguyện vọng vào 2 ngành khác nhau. Thí sinh không được rút hồ sơ, hoặc thay đổi nguyện vọng xét tuyển như năm 2015. Việc nộp hồ sơ được thực hiện theo hình thức trực tuyến qua internet, qua bưu điện, hoặc theo phương thức riêng của từng trường. Như vậy, nhiều khả năng sẽ không xảy ra tình trạng hỗn loạn khi thí sinh nộp hồ sơ như đợt 1 năm ngoái.

Các chuyên gia dự đoán, năm nay sẽ không còn tình trạng hỗ loạn khi nộp hồ sơ xét tuyển cao đẳng, đại học (Ảnh minh họa).

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Sẽ không có tình trạng như vậy bởi vì các em cần phải quyết định một lần và sau đó thì sau khi các em đã đăng ký xét tuyển thành công rồi thì sẽ không có quyền được thay đổi nguyện vọng của mình nữa. Chỉ có 1 điều e ngại là thí sinh sẽ chờ đợi đến tầm ngày 10, 11 tháng 8 mới đăng ký xét tuyển, khi đó thì sẽ có một số lượng lớn thí sinh truy cập vào hệ thống đăng ký xét tuyển trực tuyến hoặc đến các trường thì gây khó khăn cho bộ phận tiếp nhận, chứ không tái diễn lại tình trạng hỗn loạn như năm ngoái”.

Cần cân nhắc kỹ khi chọn trường

Dù khẳng định sẽ không xảy ra tình trạng hỗn loạn trong việc nộp hồ sơ như năm ngoái, nhưng các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh nên cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vì rất dễ xảy ra tình trạng thí sinh điểm thấp thì trúng tuyển, thí sinh điểm cao vẫn trượt ngay trong đợt 1. Lý do là những trường top đầu, những ngành, nghề hấp dẫn chắc chắn sẽ có lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đông. Trong khi đó, các trường đều xét trúng tuyển theo hình thức lấy từ điểm cao xuống thấp đến khi hết chỉ tiêu. Vì vậy, điểm trúng tuyển của từng trường, từng ngành cao hay thấp hơn so với năm ngoái còn phụ thuộc vào mức điểm và số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển thực tế.

 Ông Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho biết: “Năm nay khả năng cũng sẽ quay lại gần giống như thời thi “3 chung” trước đây. Tức là các em không có cơ hội chuyển từ trường này sang trường kia, từ ngành này sang ngành kia dẫn đến có thể có những ngành thì cao hơn nhưng có những ngành thì thấp hơn. Những ngành hot, trường hot thì điểm cao, những ngành thí sinh chưa quan tâm lắm thì điểm thấp hơn một chút. Tổng thể lại thì cũng không có gì biến động nhiều so với năm trước, tương đương hoặc thấp hơn một chút xíu”.

 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cũng cho rằng, dù điểm thi của thí sinh năm nay thấp hơn so với năm ngoái, nhưng điểm trúng tuyển của các trường sẽ không có nhiều biến động so với năm 2015, nhất là nhóm trường top đầu.

Do không được rút hồ sơ, nên thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng dựa vào kết quả thi của mình và điểm trúng tuyển vào các ngành của từng trường trong năm 2015 để dự đoán khả năng trúng tuyển rồi mới nộp hồ sơ: “Trong quá trình xét tuyển, việc đầu tiên các em phải xác định được ngành mình yêu thích. Thứ hai là các em phải căn cứ trên kết quả học tập, kết quả thi của mình rồi so sánh với kết quả tuyển sinh năm ngoái của các trường, để các em nộp vào trường, nhóm trường nào phù hợp. Sau khi nộp xong rồi, các em chờ kết quả, bởi vì năm nay các em cũng hoàn toàn không biết được thứ tự của mình ở từng trường. Khi có kết quả xét tuyển vào các trường, các em phải nộp giấy báo kết quả thi đúng thời hạn để khẳng định mình học trường đó. Bởi vì quá thời hạn quy định của trường mà em không nộp hồ sơ có nghĩa là em không chấp nhận học ở trường này và họ sẽ tuyển bổ sung. Đây là điểm mới mà các em cần lưu ý”.

Các chuyên gia dự báo, nếu điểm thi của thí sinh bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển năm 2015 vào ngành học của các trường mà mình đăng ký thì khả năng trúng tuyển rất cao. Theo quy định, các trường sẽ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1 trong 12 ngày, từ ngày 1/8 đến ngày 12/8. Các trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 14/08. Trong vòng 5 ngày (đến hết ngày 19/08), thí sinh trúng tuyển phải nộp Giấy chứng nhận kết quả thi cho trường mà mình nhập học./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên