"Linh hồn sống” của xóm ngụ cư trên bãi giữa sông Hồng

VOV.VN - Không chỉ giúp người dân có kế sinh nhai, ông Được “đen” còn góp phần mang “con chữ” đến với những đứa trẻ tại xóm Phao, khu bãi giữa sông Hồng.

Người mệnh danh là “linh hồn” của xóm

 Cách trung tâm thành phố khoảng 1,5km, men theo con đường nhỏ, sâu hút dẫn từ cầu Long Biên xuống, chúng tôi tìm đến xóm Phao, khu bãi giữa sông Hồng. Hỏi thăm đến nhà ông Được “đen” thì ai cũng biết, bởi đây là người đàn ông đầu tiên đặt thuyền mưu sinh trên bãi sông này.

Ông Được "đen" (70 tuổi), người được coi là linh hồn của xóm ngụ cư.

Là người Bố Trạch (Quảng Bình) nhưng sinh ra ở Thái Lan, ông Nguyễn Đăng Được (Được “đen”) lưu lạc và sinh sống ở Hà Nội đã gần 40 năm. Gần 10 năm làm đủ các thứ nghề từ làm thuê đến bốc vác để mưu sinh… rồi ông thuê được đất ở bãi giữa để chăn nuôi, trồng trọt và sống luôn tại đó. Sau này, thêm nhiều người đến ở mới tạo thành xóm ngụ cư giữa sông Hồng. Người dân trong xóm quý mến bầu ông làm “trưởng xóm”.

Trước kia, ông Được từng nhận nuôi những đứa trẻ lang thang, cho chúng chỗ ăn ở rồi tìm công việc. Còn hiện tại, ông cho cụ bà Phạm Thị Lan, gần 80 tuổi quê ở Hưng Yên sống tại nhà mình. Bà Lan cho biết: “ Bao năm nay, tôi sống vạ vật ở nhiều nơi. Ban đêm, tôi đi nhặt rác rồi ngủ luôn ở khu Hàng Quạt, may ông Được cho về đây ở, có chỗ trú mưa nắng qua ngày”. Ông cũng cẩn thận làm giấy tờ xác minh thân phận cho bà cụ để cơ quan chức năng có thể quản lý.

Những nhà nổi ở khu xóm Phao bãi giữa sông Hồng (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên).
Khi thuê được mảnh đất ở khu bãi giữa sông Hồng, ông Được để lại cho những người dân trong khu với chi phí thấp. Ông cho biết: “Hoàn cảnh mỗi người ở đây đã khốn khổ rồi, giúp được họ phần nào tôi cũng thấy an tâm. Chứ bây giờ mà cho thuê đất lấy tiền cao thì khác nào làm khó họ”. Cũng tại khu đất này, ông Được muốn xây dựng một trang trại nhỏ, giống như một công viên xanh mát cho bọn trẻ vui chơi. Người ta bảo ông giàu nhất khu xóm nhưng ông cười rồi nói: “Ai bảo tôi giàu, tôi không dám nhận, có chăng chỉ là giàu tình cảm thôi”.

Người góp phần mang “con chữ” đến xóm nghèo

 Xóm Phao có tất cả 26 hộ gia đình với hơn 100 người, mỗi nhà có một hoàn cảnh khác nhau, họ “dạt” về đây để kiếm sống. Nhiều người đã sống ở đây đến 3 thế hệ, bị địa phương cắt khẩu từ bao giờ không hay.

Những đứa trẻ được sinh ra tại xóm không được đăng ký giấy khai sinh. Đồng nghĩa với việc sẽ không có ngôi trường nào nhận dám trẻ vào học. Lo lắng cho tương lai mù mịt của chúng, ông Được lặn lội tìm về quê mẹ của chúng, xác minh lý lịch từng người, để làm giấy khai sinh để trường. Chị Nguyễn Thị Giang, quê ở Vĩnh Phúc cho biết:  “Những đứa trẻ ở đây giờ được khai sinh ở Ngọc Thụy, Long Biên rồi chứ ngày trước, một mình ông Được về tận quê Vĩnh Phúc làm giấy tờ cho tôi, rồi khai sinh cho con tôi. Thật không biết thế nào để cảm ơn ông ấy”. Tính tới thời điểm hiện tại, 32 đứa trẻ sinh sống tại đây đã có giấy tờ và cơ hội học hành.

Thư viện sách nhỏ được ông Được xây dựng.
Không chỉ lặn lội lo chuyện giấy tờ, năm 2002, ông Được đã mở ra những lớp học đầu tiên trên bờ, nhờ sinh viên các trường đại học về dạy cho đám trẻ trong xóm. Việc mở lớp xuất phát từ việc những đứa con của ông ngày trước thiệt thòi, không được đi học, nên giờ nhìn đám trẻ con trong xóm, ông muốn chúng có một tương lai tươi sáng hơn. Lớp học của ông được mở vào dịp hè, dạy vào 2 ngày cuối tuần tại căn nhà nhỏ trong khu xóm. Ở lớp học đó, ông cũng sưu tầm, đi xin sách cũng như nhận sự ủng hộ của người dân để tạo nên thư viện nhỏ, tạo điều kiện cho lũ trẻ học tập.

Gánh trên vai những công việc liên quan đến toàn bộ cuộc sống của những người dân trong xóm, ông Được nói rằng đó là niềm vui lúc tuổi già của mình. Ông nhớ từng hộ, nhà mấy người hay đi làm gì ông cũng nắm được. Ông nhiều lần tìm đến cơ quan chức năng để xin xác nhận cư trú. Bằng nỗ lực của mình, UBND Ngọc Thụy đã cho phép người dân được sống tạm trú ở khu vực này, 26 hộ dân ở đây có thể yên tâm làm ăn, kiếm sống.

 Bằng những hành động tốt đẹp của mình, người đàn ông hơn 70 tuổi này trở thành “linh hồn” của xóm ngụ cư, giúp đỡ làm ăn cũng như bảo vệ an toàn cho những người sống tại khu bãi giữa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cận cảnh: Cầu Long Biên trước kế hoạch phục hồi của Hà Nội
Cận cảnh: Cầu Long Biên trước kế hoạch phục hồi của Hà Nội

VOV.VN - Hà Nội đang có chủ trương nghiên cứu khôi phục cầu Long Biên - một trong những công trình tiêu biểu của Thủ đô.

Cận cảnh: Cầu Long Biên trước kế hoạch phục hồi của Hà Nội

Cận cảnh: Cầu Long Biên trước kế hoạch phục hồi của Hà Nội

VOV.VN - Hà Nội đang có chủ trương nghiên cứu khôi phục cầu Long Biên - một trong những công trình tiêu biểu của Thủ đô.

Ảnh: “Chốn ngủ” của những lao động nghèo dưới gầm cầu Long Biên
Ảnh: “Chốn ngủ” của những lao động nghèo dưới gầm cầu Long Biên

VOV.VN - Sáng ra, khi mọi hoạt động phố phường trở lại bình thường thì họ lại chui về chỗ trọ ở dưới gầm cầu Long Biên, Hà Nội để ngủ...

Ảnh: “Chốn ngủ” của những lao động nghèo dưới gầm cầu Long Biên

Ảnh: “Chốn ngủ” của những lao động nghèo dưới gầm cầu Long Biên

VOV.VN - Sáng ra, khi mọi hoạt động phố phường trở lại bình thường thì họ lại chui về chỗ trọ ở dưới gầm cầu Long Biên, Hà Nội để ngủ...