Loạn các dự án “ăn"... rừng
VOV.VN - Để phát triển kinh tế làm thủy điện, trồng cây công nghiệp, xây dựng khu du lịch 7 – 8 năm lại đây, 360 nghìn ha rừng ở Tây Nguyên bị cao trọc
Hậu quả là thiên tai, lũ lụt, hạn hán liên tiếp diễn ra với mức độ ngày càng trầm trọng. Làm gì để trả lại màu xanh cho rừng là vấn đề đặt ra bức thiết, là sự sống còn của tương lai.
Từng vạt rừng đổ rạp, trống hoác. Một số gốc cây còn ứa nhựa. Phần thân gỗ lâm tặc đã chuyển đi, chỉ còn lại những vệt mạt cưa rải rác, ngọn và cành lá chỏng chơ. Đó là thảm cảnh dọc theo con đường mòn trong Khu du lịch sinh thái Bản Đôn, ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc. 10 năm trước, hơn 1.300 ha rừng khu vực này được giao cho Công ty cao su Đắc Lắc làm du lịch sinh thái. 3 năm gần đây, việc kinh doanh không hiệu quả, khu du lịch bỏ hoang, rừng có chủ mà như không, lâm tặc ngang nhiên hoành hành.
Ông Nguyễn Ngọc Sanh, Phó Tổng giám đốc Công ty cao su Đắc Lắc, giãi bày: “Rừng ở Bản Đôn thì năm 2012 chúng tôi đã bàn giao cho Công ty cổ phần du lịch Bản Đôn, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa giải quyết xong, cũng không biết ách tắc chỗ nào. Trên giấy tờ vẫn chưa xong nên công ty cao su Đắc Lắc phải vào giữ rừng đó theo ý kiến của UBND tỉnh, hiện nay công ty đã rất khó khăn nhưng hàng tháng vẫn phải cử 10 bảo vệ vào ở trong đó để giữ rừng”.
Rừng ở khu du lịch sinh thái Bản Đôn bị đốn hạ. |
Cả nghìn ha rừng sinh thái Bản Đôn mà lực lượng bảo vệ đếm trên đầu ngón tay, việc mất rừng là điều khó tránh. Đây cũng là tình cảnh của nhiều dự án khác trong số hơn 100 dự án được giao đất giao rừng để phát triển kinh tế xã hội ở tỉnh Đắc Lắc. Hiện nay, Đắc Lắc có gần 30 nghìn ha đất rừng bị người dân xâm chiếm, tranh chấp. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng chi cục lâm nghiệp Đắc Lắc, nói: “Mục đích của họ là vào lấy đất để kinh doanh, ít nhiều họ cũng phải bỏ chi phí ra để quản lý bảo vệ rừng, tuy nhiên cái lực lượng của các doanh nghiệp này không chuyên trách bằng các công ty lâm nghiệp nên rất khó, bị dân vào xâm chiếm, khai thác trộm gỗ, mà thực ra bây giờ gỗ cũng không còn đâu”.
Giao rừng cho doanh nghiệp và để mất rừng là thực trạng chung ở các tỉnh Tây Nguyên. Điển hình cho các dự án “ăn rừng” ở vùng này phải kể đến chương trình chuyển đổi 50 nghìn ha rừng nghèo sang trồng cao su của tỉnh Gia Lai. Đến nay các doanh nghiệp đã phá trắng hơn 27 nghìn ha, thậm chí cố tình phá cả những diện tích rừng ngoài quy hoạch. Rừng mất, cao su thì đang lao đao, cái còn lại là đất được doanh nghiệp tìm đủ cách xà xẻo, bất chấp quy định của pháp luật.
Ông Phạm Đình Thu, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai, cho biết: “Việc triển khai thực hiện nóng vội, làm ồ ạt, cho nên diện tích cao su trồng trên đất rừng nghèo đã có biểu hiện chết dần, một số vườn cây đã trồng lại nhưng phát triển rất kém. Hiện nay các doanh nghiệp họ tự động chuyển đổi sang trồng cây khác mà chúng tôi không kiểm soát nổi, vừa qua chỉ khi đoàn giám sát đi mới phát hiện được”.
Tại tỉnh Đắc Nông, bằng chính sách miễn tiền thuê đất, mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư, chỉ trong vài năm, địa phương này đã giao hơn 30 nghìn ha đất và rừng để thực hiện các dự án nông lâm nghiệp. Mục tiêu phát triển chưa đạt được, chỉ thấy hậu quả trước mắt là các dự án này đang gây sức ép đến việc hoạch định chính sách, tạo ra thêm nhiều bất ổn xã hội. Tình trạng phá rừng, buôn bán, tranh chấp đất rừng diễn ra tràn lan. Tỉnh đã phải thu hồi 13 dự án nông lâm nghiệp, đang xem xét thu hồi 17 dự án nữa. Ngành chức năng đã khởi tố hàng trăm vụ mua bán đất rừng hoặc để phá rừng trái phép, xử lý hình sự một loạt đối tượng, từ đầu nậu bảo kê phá rừng bán đất đến lãnh đạo doanh nghiệp được giao rừng, và cả một số cán bộ liên quan.
Việc cho thuê đất thuê rừng là vậy, việc liên doanh liên kết trồng rừng, trồng cây công nghiệp còn phức tạp hơn. Tại Công ty lâm nghiệp Quảng Tín, tỉnh Đắc Nông, hàng ngàn ha rừng bị phá trắng. Nhiều cán bộ đi tù, công ty chờ giải thể, đất thì người dân tranh giành tự lập làng lập ấp thành điểm “nóng” nhức nhối Đắc Ngo. Ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắc Nông nói về việc mất rừng tại Đắc Ngo: “9 công ty vào liên doanh liên kết tổng diện tích là 1.984ha trong đó có khoảng 1.200 ha rừn đã để mất rừng hơn 1.000 ha. Còn với hai doanh nghiệp mới có chủ trương vào khảo sát lập dự án thôi, nhưng mà đã thực hiện trồng cao su và trồng cây công nghiệp rồi. Thì tất cả các dự án vào mục đích chủ yếu chỉ là để lấy đất”.
Những dự án có sai phạm thì bị thu hồi. Dự án gặp khó khăn thì doanh nghiệp lại xin trả rừng cho nhà nước. Hậu quả chung đều là rừng mất đất bị xâm chiếm. 5 năm trước, khi giải thể các lâm trường Quảng Tân, Cư Jút, tỉnh Đắc Nông đã bàn giao nguyên trạng hàng chục nghìn ha cho các công ty cao su Phú Riềng, Đồng Phú (thuộc Tập đoàn cao su Việt Nam) thực hiện trồng cao su và khoanh nuôi bảo vệ rừng. Nay cao su đã trồng xong, doanh nghiệp xin trả tỉnh những vạt rừng sót lại vì không đủ sức quản lý bảo vệ. Cũng xin trả rừng cho tỉnh Đắc Nông còn có Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt (ở huyện Đắc Song), rừng trồng thì ít mà rừng mất đến 900 ha.
Trong thời gian chờ thực hiện thủ tục rừng tiếp tục mất với tốc độ nhanh hơn. Ông Nguyễn Tiến Sơn, Chi cục trưởng Chi cục lâm nghiệp Đắc Nông, nói: “Các dự án này được tỉnh Đắc Nông cho thuê rừng thuê đất, nhưng quá trình triển khai thì rừng không quản lý bảo vệ được, để mất rừng rồi mất luôn đất vì người dân xâm canh. Vướng mắc nên họ trả lại, thì tỉnh đang xem xét đánh giá lại trách nhiệm để biến động lớn về rừng, họ trả nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh về thủ tục”.
Phá rừng ở Gia Nghĩa, tháng 8 năm 2015. |
Chỉ trong 7 năm (từ 2006 đến 2013), toàn vùng Tây Nguyên có 700 dự án được cấp phép đầu tư với tổng diện tích rừng hơn 215 nghìn ha, thì tới nay già nửa số diện tích này đã không còn rừng. Hiệu quả về phát triển kinh tế xã hội chưa thấy rõ, nhưng hậu quả là thiên tai lũ lụt, hạn hán liên tiếp hoành hành. Nạn phá rừng tranh phần sử dụng đất diễn ra ở khắp các địa phương.
Doanh nghiệp được giao hàng trăm nghìn ha rừng, trong khi đó vẫn còn nhiều dân nghèo thiếu đất, thiếu việc làm. Ông Lê Trọng Trinh, Chủ tịch UBND xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắc Lắc, nói: “Trên 7.000 ha thực hiện các dự án mong muốn đầu tiên là tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương thì chưa thực hiện được. Bây giờ những diện tích đất có thể sản xuất được họ đã cho doanh nghiệp thuê, số còn lại muốn phát triển kinh tế được chỉ có phương án là trồng rừng liên kết với người dân hoặc là giao rừng cho dân”.
Từ cuối năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng, đình chỉ các dự án nông lâm nghiệp trên đất có rừng, tình trạng loạn các dự án “ăn rừng” tại Tây Nguyên mới tạm lắng. Thế nhưng, hiện các tỉnh Tây Nguyên đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ chủ trương đình chỉ các dự án trên đất có rừng, cho phép địa phương tiếp tục triển khai các đề án nông lâm nghiệp để khai thác tiềm năng đất đai. Hậu quả từ những dự án cũ chưa giải quyết ổn thỏa, rừng Tây Nguyên lại đang đối mặt với những nguy cơ chuyển mục đích mới./.
Áp lực phát triển kinh tế xã hội buộc các tỉnh Tây Nguyên cho phép chuyển đổi nhiều diện rừng để thực hiện các dự án trồng cao su, trồng cây công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy điện, thủy lợi… Theo quy định của pháp luật, khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì chủ đầu tư buộc phải trồng bù lại số rừng đã mất, nhưng hầu hết các dự án đều không tuân thủ quy định này, khiến Tây Nguyên mất hàng trăm nghìn ha rừng chỉ trong thời gian ngắn./.