Loạn khai thác cát vùng giáp ranh giữa Đồng Nai và Lâm Đồng
VOV.VN - Trên sông Đồng Nai - đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, tình trạng khai thác cát đang diễn ra một cách tràn lan, thiếu kiểm soát.
Mỗi ngày, hàng chục tàu hút cát công suất lớn cắm vòi xuống hút cạn đáy sông. Nghiêm trọng hơn, khi cát dưới lòng sông đã cạn kiệt, những chiếc vòi khổng lồ tiếp tục xoáy vào bờ, rút luôn cả đất canh tác của người dân, thậm chí uy hiếp cả Vườn quốc gia Cát Tiên.
Vốn là khu vực giáp ranh, thuộc quản lý của các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, song mỗi địa phương cấp phép, quản lý một kiểu khiến tình hình khai thác cát tại đây càng trở nên phức tạp, mất kiểm soát, để lại những hậu quả khôn lường.
Tàu của doanh nghiệp vẫn hút cát bất chấp sạt lở nghiêm trọng |
Tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông Đồng Nai đang diễn ra tại 2 xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng và xã Đắc Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Tại đây, nhiều diện tích đất canh tác của hàng trăm hộ dân bị lôi tuột xuống lòng sông mà nguyên nhân không gì khác là hàng chục tàu cát ngày ngày chọc vòi xuống hút cạn đáy sông.
Sáng 16/3, phóng viên VOV trực tiếp chứng kiến cảnh khai thác cát rầm rộ. Chỉ một khúc sông ngắn khoảng hơn trăm mét, nhưng có tới 8 tàu hút cát đang làm việc hết công suất, tiếng động cơ nổ rầm rầm. Cũng không có bất cứ vật gì như phao hay cọc tiêu để đánh dấu phạm vi được phép hút. Đang hút bên bờ Lâm Đồng, thấy phóng viên chụp ảnh, các tàu này rời đi, chỉ ít phút sau lại quay lại hút tiếp nhưng vòi hút đã chuyển sang bờ phía Đồng Nai.
Cả hai bên bờ sông nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng mà dấu vết vẫn còn nguyên vẹn. Bờ sông đáng lẽ phải thoai thoải, nhưng ở đây, bờ sông dựng đứng như những bức tường cao hàng chục mét. Những cây sao vốn được trồng sâu trong ruộng để giữ đất cho nông dân, khi đất sạt xuống cũng bị kéo theo, giờ chỉ còn nhô lên phần ngọn giữa dòng nước.
Những rẫy cà phê vài trăm gốc sắp được thu hoạch, nông dân cũng đành bỏ mặc vì canh tác làm gì khi sớm muộn cũng bị “nuốt chửng”. Hơn 3 sào đất nuôi sống cả gia đình đã trôi xuống sông, của đau, con xót – ông Đặng Tấn Mạnh, thôn 2, xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng nói: “Riêng đất của chú với đất liền kề của hai bên là lở quá nhiều. Bà con bức xúc lắm. Dọc mé sông là nuôi con bò, con nghé mà lở quá nhiều, mất đất canh tác”.
Hơn 30 năm vào mảnh đất Cát Tiên khai khẩn đất đai làm kinh tế, bà Đặng Thị Chiều ở thôn 2, xã Quảng Ngãi cho hay, nhiều đoạn sông Đồng Nai đã bị biến dạng so với trước đây. Điền hình là khúc “cua” sông - đoạn qua rẫy nhà bà chỉ rộng khoảng 20 mét, nhưng nay đã bị khoét rộng ra bảy, tám chục mét. Đáy sông đã hết cát, vòi hút chọc vào bờ, rỗng chân ắt đất sẽ sụp xuống. Những thửa ruộng trước đây của bà Đặng Thị Chiều rộng vài sào, nay chỉ còn là một dải đất hẹp với ít cây cà phê đã bị bỏ cháy.
Quá uất ức, nhiều người đã mang cả gạch, ngói, vỏ chai để sẵn bên bờ sông, khi tàu hút chọc vòi vào đất nhà mình thì mang ra ném đá, xua đuổi.
Uy hiếp Vườn quốc gia Cát Tiên
Không chỉ gây sạt lở đất canh tác của nông dân, tình trạng khai thác cát tràn lan còn uy hiếp cả môi sinh của Vườn quốc gia Cát Tiên. Xác nhận vấn đề này, ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên cho rằng, tình trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai - đoạn đi ngang vườn quốc gia đã diễn ra nhiều năm nay, kể cả khai thác có phép và hút trộm gây sạt lở 2 bên bờ, cực kỳ nguy hiểm đối với công tác bảo tồn của vườn quốc gia.
Nhiều tàu cùng hút cát tại một vị trí
Ông Nguyễn Văn Diện nói: “Sạt lở ở những chỗ khác thì ảnh hưởng lớn tới môi trường. Tuy nhiên, đối với vườn quốc gia thì cực kỳ nguy hiểm vì đây là hệ sinh thái chuẩn của quốc gia, có rất nhiều động thực vật, cho nên khi sạt lở làm thay đổi môi trường sống, làm ảnh hưởng lớn đến công tác bảo tồn”.
Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên khẳng định, các đơn vị được cấp phép khai thác theo quy định phải cắm phao để xác định ranh giới khai thác, nhưng thực tế các tàu hút cát ở những đoạn sông giáp ranh với vườn quốc gia hoàn toàn phớt lờ các quy định này.
Trước đó vào năm 2015, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên đã thống kê được 57 vị trí bờ sông Đồng Nai - đoạn qua Vườn quốc gia bị sạt lở với diện tích ước tính 16.737m2; đồng thời chỉ rõ, tình trạng khai thác cát đã làm thay đổi tốc độ dòng chảy, gây sạt lở nghiêm trọng 2 bên bờ sông của khu vườn này và của người dân sinh sống ven sông. Động cơ hoạt động tạo tiếng ồn, thải ra môi trường nhiều khói bụi đen làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường xung quanh, hệ sinh thái rừng, nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý bảo tồn các loài động vật hoang dã khu vực phía Bắc của Vườn quốc gia Cát Tiên.
Sông Đồng Nai đoạn giáp ranh chịu sự quản lý của cả Vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng. Vậy công tác phối hợp quản lý của các địa phương, đơn vị này như thế nào, tại sao lại để tình trạng khai thác cát diễn ra công khai, rầm rộ trong khi hậu quả thì đã thấy rõ?./.
Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra tàu hút cát ven sông Dinh
Bà Rịa-Vũng Tàu: Tàu hút cát gây sạt lở nhà dân