Loay hoay chuyện đăng ký xe máy điện

VOV.VN -Chủ xe thường không đủ chứng từ hóa đơn, giấy kiểm định hoặc chứng từ chuyển nhượng bị thất lạc.

Kể từ ngày 1/6, Thông tư số 15/2014/TT-BCA, của Bộ Công an sẽ có hiệu lực. Như vậy, xe máy điện và các loại xe có kết cấu tương tự phải đăng ký biển kiểm soát mới được phép lưu thông. Tuy nhiên, số lượng người đến đăng ký bảng số cho xe máy chạy bằng điện tại công an 24 quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh hiện không tăng đột biến. Phần lớn người dân còn khá mơ hồ khi phân biệt giữa xe đạp điện và xe máy điện, hoặc không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xe để có thể đăng ký bảng số.

Theo quan sát của phóng viên, tại trụ sở đăng ký bảng số xe, người dân mang xe máy điện đến để đăng ký và nhận bảng số rất thưa thớt. Những người dân sử dụng xe điện cho biết: xe họ mua sử dụng trước ngày 1/7/2009 nên không đủ chứng từ hóa đơn, giấy kiểm định đánh giá chất lượng hoặc chứng từ chuyển nhượng bị thất lạc.

Theo quy định thì xe cũng có thể  đăng ký nhận bảng số nếu được xác nhận bảo lãnh của chính quyền địa phương. Nhưng để có được chữ ký là rất khó khăn bởi lãnh đạo của phường, xã cũng không đủ khả năng để xác nhận thẩm định nguồn gốc của xe. Và phần đông người dân cũng chưa phân biệt rõ xe đạp điện và xe máy chạy điện. Riêng với những người biết rõ là mình đang sử dụng xe máy điện và phải đi đăng ký thì đều đồng tình với quy định này.

Ông Phạm Hồng Thái, một người dân đang đăng ký bảng số cho xe máy điện tại Công an quận Bình Thạnh cho biết: “Hy vọng khâu cấp bảng số xe cho người dân cũng nên linh hoạt, bởi vì như trường hợp của tôi, ngoài hóa đơn mua xe thì những giấy tờ khác không có, do mua hàng giá rẻ ở 1 đại lý. Như vậy tôi cũng rất băn khoăn không hiểu khi đăng ký thủ tục có phức tạp hay không và nhiều người đi xe điện như tôi hiện cũng đang rất lo lắng về vấn đề này”.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hàng trăm ngàn chiếc xe máy chạy bằng điện. Như vậy, nếu không đủ thủ tục, không thể đăng ký bảng số xe thì người điều khiển số xe này sẽ đành phải chấp nhận bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng mỗi lần bị cơ quan chức năng thổi phạt.

Với nhiều người, giá trị một chiếc xe máy điện không lớn, nhưng vứt thì… không biết vứt đi đâu. Thế là, chủ xe đành phải đi năn nỉ xin chữ ký xác nhận của chính quyền địa phương và chạy đôn chạy đáo khắp các cửa hàng để mua khống hóa đơn chứng từ.

Ông Huỳnh Văn Thành, chủ cửa hàng bán xe trên đường Hậu Giang, quận 6 cho biết: “Trước giờ toàn bán theo kiểu hàng trao tay. Nếu ai có giấy chứng nhận mua xe tại cửa hàng thì chúng tôi sẽ bổ sung giấy tờ cho họ. Nhưng tôi cũng mong muốn cơ quan chức năng có sự hỗ trợ, hướng dẫn để giải quyết vấn đề xe máy điện, để các cửa hàng có thể buôn bán thuận tiện hơn cũng như những người mua xe trước đây không bị thiệt thòi”.

Ý kiến trên cũng  là mong muốn của người tiêu dùng. Căn cứ vào tình hình thực tế, ngành chức năng cần có thêm hướng giải quyết đơn giản, hiệu quả để chủ các xe máy điện có thể hợp thức hóa phương tiện đang sử dụng của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên