50 năm ngày Hải quân Nhân dân Việt Nam đánh thắng trận đầu (Phần 1)

Lời cảnh báo với Hải quân, Không quân Mỹ

Sau 9 năm xây dựng, ngay trận đầu ra quân, Hải quân Việt Nam đã chiến đấu với tàu chiến lớn và máy bay hiện đại của đế quốc Mỹ.

Cuối năm 1963, vấn đề Việt Nam ngày càng trở nên nóng bỏng đối với giới cầm quyền Mỹ. Sau cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm (ngày 1/11/1963), cách mạng miền Nam được củng cố, phát triển và giành được nhiều thắng lợi trên các chiến trường. Bị thua đau ở miền Nam, đế quốc Mỹ quyết định mở cuộc “chiến tranh phá hoại” ở miền Bắc Việt Nam, nơi mà chúng cho là “gốc rễ” của cách mạng, là hậu thuẫn của cách mạng miền Nam.

 

Ngày 2/8/1964, tàu khu trục USS Maddox (ảnh) đã xâm nhập sâu vào vùng Vịnh Bắc Bộ và đụng độ với ba tàu phóng ngư lôi của hải quân miền Bắc Việt Nam. Biến cố này được biết đến như sự kiện Vịnh Bắc Bộ lần thứ nhất.

Để thực hiện kế hoạch đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, đế quốc Mỹ xác định, phải “có một chiến dịch khiêu khích Bắc Việt Nam” để tạo cớ. Với ý đồ đó, ngay từ ngày 2/3/1964, Mỹ cho tàu khu trục tuần tiễu ven biển miền Bắc Việt Nam vừa trinh sát vừa thăm dò ta và hậu thuẫn cho hải quân Ngụy đánh phá các đảo vùng dân cư ven biển các tỉnh khu 4; cho máy bay do thám vùng trời, cho tàu thả biệt kích… gây hoang mang trong nhân dân. Đến tháng 7/1964, các hoạt động khiêu khích của Mỹ ngày càng gia tăng. Chúng vừa đẩy mạnh các hoạt động trên biển, trên trời và phá hoại trên đất liền, vừa rêu rao sẽ oanh tạc miền Bắc Việt Nam để gây chú ý của dư luận.

Về phía ta, thực hiện chủ trương của Đảng, để chủ động bảo vệ miền Bắc, ngày 9/1/1964, Bộ Tổng tham mưu tổ chức hội nghị phòng không nhân dân toàn miền Bắc lần thứ nhất để bàn các biện pháp đánh bại các cuộc tập kích của máy bay địch. Tháng 6/1964, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Chỉ thị: “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu, phá tan âm mưu khiêu khích đánh phá miền Bắc của Không quân địch”.

Thực hiện Chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Quân chủng Hải quân chuyển sang trạng thái thời chiến từ ngày 6/7/1964. Trước các hành động khiêu khích phá hoại ngày càng tăng của Mỹ - Ngụy ở vùng biển khu 4, Bộ Tư lệnh Quân chủng quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương ở sông Gianh do Đại tá Nguyễn Bá Phát, Phó Tư lệnh Quân chủng phụ trách; điều động một số tàu tuần tiễu của Khu tuần phòng 1 và tăng cường hoạt động ở vùng biển Khu 4 và lệnh cho các phân đội tàu tuần tiễu của Khu tuần phòng 2 rời cảng sơ tán ra các khu neo, vừa tăng cường huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, vừa nâng cao cảnh giác, ngụy trang chu đáo đề phòng địch tập kích bằng đường không và biệt kích người nhái. Các tàu phóng lôi ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Các đơn vị pháo bờ biển chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 2. Các cơ quan, đơn vị trên bờ khẩn trương xây dựng hầm hào, công sự phòng tránh và đánh địch. Đến cuối tháng 7/1964, mọi công tác chuẩn bị chiến đấu của Quân chủng đã cơ bản được hoàn thành.

Đánh đuổi tàu khu trục Maddox Mỹ trong ngày 2/8

Đêm 31/7 rạng sáng 1/8/1964, tàu khu trục Maddox của Mỹ xâm phạm vào vùng biển Quảng Bình, sau đó tiến lên phía Bắc, điều tra các mạng lưới bố phòng của ta ở khu vực đèo Ngang, Hòn Mát, Hòn Mê, Lạch Trường. Có nơi tàu này đi cách bờ chỉ khoảng 6 hải lý, vòng đi, vòng lại nhiều lần để quan sát, thăm dò lực lượng và sự bố phòng của ta. Tất cả các hành động trên của tàu Maddox đều bị các đơn vị rada quan sát theo dõi chặt chẽ và kịp thời báo cáo lên cấp trên.

Căn cứ vào chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu và tình hình hoạt động của tàu khu trục Maddox, Bộ Tư lệnh Hải quân đã giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 135 khẩn trương làm công tác chuẩn bị, đảm bảo mọi mặt và tiến hành lắp ngư lôi cho Phân đội 3 để sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu. Đến 23h ngày 1/8, Phân đội 3 lắp xong ngư lôi và hoàn tất mọi công tác chuẩn bị.

0h15 phút ngày 2/8, Phân đội 3 được lệnh rời Cảng Vạn Hoa (Quảng Ninh), bí mật hành quân vào Hòn Nẹ (Thanh Hóa) để phục kích, đón đánh tàu khu trục của địch. Vì gió đông bắc sóng cấp 4, cấp 5 nên đến 8h30 phút ngày 2/8, Phân đội 3 mới tới Hòn Nẹ. Tại đây đã có 2 tầu tuần tiễu T146 và T142 của Khu Tuần phòng 1 do đồng chí Trần Đình Chỉ, Phân đội trưởng Phân đội 4 chỉ huy, đang neo ở tây  nam đảo. Phân đội tàu phóng lôi vào thả neo theo đội hình phòng không ở phía Nam Hòn Nẹ 1 hải lý. Cả 3 tàu cho hạ cột angten rada và tổ chức ngụy trang. Đến 10h30 phút, chỉ huy biên đội tàu tuần tiễu ở tàu T146 thông báo cho tàu 333 biết cấp trên cho phân đội tàu phóng lôi hành quân vào Hòn Mê ngay. Chỉ huy Phân đội 3 đã chỉ đạo các tàu nhanh chóng thu neo và cơ động vào Hòn Mê. 2 tàu tuần tiễu T146 và T142 cũng được lệnh cùng đi với Phân đội 3 tàu phóng lôi, nhưng do tốc độ của tàu tuần tiễu thấp hơn nên thống nhất các tàu phóng lôi cứ vào trước. Phân đội 3 vào đến Hòn Mê lúc 12h30 phút, thả neo ở vị trí tây bắc đảo và tiến hành ngụy trang chờ cơ. 40 phút sau thì biên độ tàu tuần tiễu cũng vào đến Hòn Mê.

13h30 phút ngày 2/8, Tàu khu trục Maddox Mỹ xâm phạm vào khu vực Hòn Mê - Lạch Trường, cách Hòn Mê 9 hải lý. Sở chỉ huy tiền phương lệnh cho biên đội tàu tuần tiễu xuất kích. Hai tàu T142 và T146 đi theo hướng đông bắc nhằm đến khu biển đang có tàu của địch hoạt động. 20 phút sau, Phân đội 3 tàu phóng lôi được lệnh xuất kích theo hướng hai tàu tuần tiễu, đến 14h10 thì đuổi kịp biên đội tàu tuần tiễu, sau đó các tàu phóng lôi tăng tốc độ vượt lên trước tìm tàu Maddox của địch.

Do tốc độ chậm hơn và thông tin liên lạc không bảo đảm nên các tàu tuần tiễu sau đó đã không đến kịp để phối hợp chiến đấu cùng tàu phóng lôi.

Trong lúc này, tàu Maddox Mỹ đã ở phía Đông Hòn Nẹ, phương vị 115o, cự ly 27 hải lý (1 hải lý = 1.852 mét), và Phân đội 3 cách tàu Maddox 13,7 hải lý. Khi phát hiện được tàu địch, cả 3 tàu phóng lôi tăng vận tốc tiếp cận mục tiêu. Tàu khu trục địch thấy có 3 tàu tốc độ cao đang tiếp cận thì cũng tăng vận tốc chạy ra xa. Phân đội 3 vẫn nhằm hướng mục tiêu tiến tới. Khi các tàu của ta còn cách 6 hải lý thì tàu địch dùng pháo lớn bắn dồn dập về phía đội hình tàu phóng lôi. Mặc cho địch bắn pháo ngăn chặn, các tàu của ta vẫn dũng cảm tiến lên phía trước, vừa vận động chữ chi tránh đạn vừa nhanh chóng rút ngắn cự ly chiếm lĩnh vị trí có lợi để công kích ngư lôi. Chỉ huy trưởng phân đội lệnh cho tàu 333 tăng vận tốc chặn tàu địch lại, tạo điều kiện thuận lợi để hai tàu 336 và 339 tấn công. Khi tàu 339 tiếp cận được góc 110o mạn phải tàu khu trục, cự ly 10 liên (1 liên = 185,2 mét), pháo thủ 14,5mm bắt đầu phát hỏa về phía tàu địch trong khi tàu tiếp tục rút ngắn khoảng cách. Vào đến cự ly 7 - 8 liên, thuyền trưởng Nguyễn Văn Giản hạ lệnh phóng ngư lôi để tiêu diệt địch và chuyển hướng rời khỏi khu vực tác chiến. Lúc này, trên trời xuất hiện 5 máy bay địch tập kích, một trái rốc két bắn trúng khoang máy chính; pháo thủ 14,5mm và chiến sỹ máy bay hy sinh; tàu 339 phải thả trôi cách tàu địch khoảng 3 hải lý vừa tập trung dập lửa, sửa chữa hỏng hóc trên tàu vừa ngoan cường chiến đấu đánh trả máy bay địch bằng súng 14,5mm và súng trung liên.

Sau khi tàu 339 phóng ngư lôi, tàu 336 tiếp tục tiếp cận ở góc mạn phải tàu địch 110o đến 120o, cự ly 6 - 7 liên thì phóng ngư lôi, sau đó giảm tốc độ chuyển hướng rời khỏi khu vực tác chiến. Ngay lúc đó, đạn pháo tàu địch bắn trúng tàu 336. Thuyền trưởng Phạm Văn Tự hy sinh. Mặc dù đang bị thương nhưng không để chậm trễ, thuyền phó Nguyễn Văn Chuẩn từ boong tàu chạy lên đài chỉ huy vừa chỉ huy chiến đấu vừa điều khiển tàu tàu cơ động ra khu vực tàu 339 đang thả trôi.

Hình ảnh ba tàu chiến của miền Bắc Việt Nam do hải quân Mỹ ghi lại từ tàu Maddox (Ảnh tư liệu)

Tiếp theo tàu 336, tàu 333 tiếp cận vào vị trí công kích ngư lôi. Với tinh thần quyết tâm chiến đấu đến cùng, Phân đội trưởng kiêm Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Bột đã chỉ đạo pháo thủ 14,5mm bắn quét lên mặt boong tàu địch và tiếp tục cho tàu cơ động rút ngắn khoảng cách, khi vào đến vị trí công kích ở góc mạn phải tàu địch 80o, cư ly 6 liên thì phóng ngư lôi; sau đó vừa rời khu vực tác chiến vừa tiếp tục bắn quét lên mặt boong tàu địch. Tàu khu trục của địch bốc khói, không phát hỏa nữa và chuyển hướng tháo chạy ra vùng biển quốc tế.

Ngay lúc đó, 4 máy bay của địch tiếp tục lao đến tấn công vào các tàu của Phân đội 3. Tàu 333 và 336 vừa cơ động vừa nổ súng đánh trả. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, cán bộ, chiến sỹ các tàu đã tập trung hỏa lực bắn cháy 1 máy bay rơi ngay xuống biển và bắn hỏng 1 chiếc; 2 chiếc còn lại vội vã rời khỏi khu vực chiến đấu.

Trong trận chiến đấu này, tàu Maddox của địch đã bị trúng đạn, hỏng một số trang thiết bị, phải rút chạy ra khơi xa, 1 máy bay bị bắn rơi và 1 bị hỏng.

Sau 9 năm xây dựng, đây là trận đầu tiên, Hải quân Nhân dân Việt Nam ra quân chiến đấu trực tiếp với tàu chiến lớn và nhiều máy bay hiện đại của đế quốc Mỹ. Với số lượng tàu ít và nhỏ bé, có nhiều hạn chế về tính năng kỹ thuật, lại trong tình huống chiến đấu hoàn toàn độc lập, không có lực lượng hỗ trợ, nhưng cán bộ, chiến sỹ ta đã anh dũng, kiên cường tấn công tàu khu trục và đánh trả máy bay của địch; khẳng định ý chí dám đánh, quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân dân miền Bắc nói chung và của Hải quân Nhân dân Việt Nam nói riêng. Đó là lời cảnh báo đối với hải quân, không quân Mỹ nếu tiếp tục xâm phạm vào vùng biển, vùng trời của Việt Nam thì nhất định sẽ bị giáng trả đích đáng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khởi công xây Đài chiến thắng trận đầu của Hải quân tại Thanh Hóa
Khởi công xây Đài chiến thắng trận đầu của Hải quân tại Thanh Hóa

VOV.VN - Công trình được đặt tại cửa biển Lạch Trường (Thanh Hóa) nhằm tri ân những hy sinh, đóng góp to lớn của quân dân trong đấu tranh giải phóng dân tộc.

Khởi công xây Đài chiến thắng trận đầu của Hải quân tại Thanh Hóa

Khởi công xây Đài chiến thắng trận đầu của Hải quân tại Thanh Hóa

VOV.VN - Công trình được đặt tại cửa biển Lạch Trường (Thanh Hóa) nhằm tri ân những hy sinh, đóng góp to lớn của quân dân trong đấu tranh giải phóng dân tộc.

Người lính Hải quân và sản phẩm mô hình xe nạp đạn
Người lính Hải quân và sản phẩm mô hình xe nạp đạn

VOV.VN -Sản phẩm mô hình xe nạp đạn và xe bệ phóng tên lửa của trung úy chuyên nghiệp Hoàng Văn Tuấn, đội Hỏa lực thuộc Lữ đoàn 679 được đánh giá cao.

Người lính Hải quân và sản phẩm mô hình xe nạp đạn

Người lính Hải quân và sản phẩm mô hình xe nạp đạn

VOV.VN -Sản phẩm mô hình xe nạp đạn và xe bệ phóng tên lửa của trung úy chuyên nghiệp Hoàng Văn Tuấn, đội Hỏa lực thuộc Lữ đoàn 679 được đánh giá cao.

Hải quân tiếp nhận 2 tàu pháo tên lửa đóng mới tại Việt Nam
Hải quân tiếp nhận 2 tàu pháo tên lửa đóng mới tại Việt Nam

VOV.VN - Loại tàu này có thể hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 7, cấp 8; có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên biển...

Hải quân tiếp nhận 2 tàu pháo tên lửa đóng mới tại Việt Nam

Hải quân tiếp nhận 2 tàu pháo tên lửa đóng mới tại Việt Nam

VOV.VN - Loại tàu này có thể hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 7, cấp 8; có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên biển...

Hình ảnh lính Hải quân luyện tập hiệp đồng chiến đấu
Hình ảnh lính Hải quân luyện tập hiệp đồng chiến đấu

VOV.VN - Lữ đoàn Hải quân 147 có nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cơ động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Hình ảnh lính Hải quân luyện tập hiệp đồng chiến đấu

Hình ảnh lính Hải quân luyện tập hiệp đồng chiến đấu

VOV.VN - Lữ đoàn Hải quân 147 có nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cơ động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.