Lời giải cho những bức xúc tại Nhà máy đường An Khê

Nhà máy đường An Khê đang phối hợp với chính quyền địa phương chấn chỉnh tình trạng “cò” nhập mía, đầu tư xây dựng hệ thống nước xả thải…

Thời gian qua, VOV đã liên tục phản ánh tình trạng, hàng trăm nghìn tấn mía của nông dân của các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai vẫn đang “nằm đồng”. Người dân phản ánh việc nhà máy xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Ba, hơn 5km tuyến đường tỉnh lộ vào nhà máy bị cày nát bởi hàng trăm xe chở mía “quá khổ, quá tải” đi qua mỗi ngày.

Chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo Nhà máy đường An Khê để thông tin thêm về  những sự việc này và được biết: Nhà máy đường An Khê đang phối hợp với chính quyền địa phương để có những giải pháp tích cực.

Chấn chỉnh tình trạng “cò” nhập mía

Tình hình nhập mía của nông dân tại Nhà máy đường An Khê không còn “nóng” như hồi đầu mùa. Nhưng hàng ngày vẫn có hơn 500 xe ô tô chờ được nhập hàng. Tình trạng này đã gây ra nhiều tiêu cực trong việc lấy phiếu nhập hàng, tạo điều kiện cho một nhóm người xấu tiến hành “bảo kê” để xe mía được nhập sớm, gây bức xúc cho người dân. Trong khi người dân phải chờ 2-3 ngày mới nhập được 1 xe mía, thì những đối tượng được “bảo kê” nhập đến 8 xe ô tô mía mỗi ngày.

Hàng trăm xe mía chờ nhập vào Nhà máy

Ông Nguyễn Văn Hòe, quyền Giám đốc Nhà máy đường An Khê trần tình: “Hiện nay vùng nguyên liệu mía của Nhà máy còn tồn hơn 400.000 ha mía của người dân vẫn chưa thu hoạch được. Mỗi ngày Nhà máy nhập khoảng 350 xe ôtô. Chúng tôi đã cam kết với UBND tỉnh Gia Lai sẽ tiến hành thu mua hết mía cho nông dân và sẽ nhập hết trong thời gian gần 2 tháng, tức khoảng giữa tháng 5 là hoàn thành, tạo điều kiện cho người dân giải phóng đất sản xuất và bắt đầu vụ mới. Riêng việc tiêu cực mà phóng viên đề cập, chúng tôi đang tiến hành theo dõi, nắm chứng cứ và tiến hành xử lý đuổi việc ngay bất kỳ trường trường hợp nào được phát hiện”.

Đại tá Bùi Văn Lại, Trưởng công an thị xã An Khê cũng khẳng định: Hiện nay, cơ quan chức năng cũng được huy động để tiến hành kiểm tra, ngăn chặn tình trạng “bảo kê”, “cò nhập mía” để tạo sự công bằng cho mọi người nông dân khi đến bán mía ở nhà máy.

Ông Nguyễn Văn Hòe trả lời phỏng vấn PV Đài TNVN

Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải

Gần đây, việc Nhà máy đường An Khê xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Ba khiến dòng sông bốc mùi hôi thối nồng nặc, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân sống dọc theo hạ lưu sông Ba của các huyện Kon Chro, Ia Pa, Thị xã An Khê. Tuyến đường từ Quốc lộ 19 vào Nhà máy cũng bị cày xới nham nhở, đầy “ổ trâu, ổ voi”.

Ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì đường lầy lội trơn trượt… UBND tỉnh Gia Lai đã có những cuộc làm việc với lãnh đạo Nhà máy, yêu cầu có giải pháp giải quyết dứt điểm sự viêc.  

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hòe cho biết, Nhà máy đã đầu tư xây dựng hồ bioga chứa nước thải để xử lý, công trình tuần hoàn nước có giá trị gần 50 tỷ đồng, để chấm dứt tình trạng xả chất thải trực tiếp ra sông Ba gây ô nhiễm môi trường.

Hồ bioga chứa nước thải

Theo thiết kế, công suất của Nhà máy là 10.000 tấn mía/ngày, Nhà máy xả nước thải với tốc độ 100m3/h. Hiện nay, do Nhà máy chỉ chạy công suất 7.000 tấn mía/ngày nên đang xả với tốc độ hơn 80m3/h. Sau khi nước thải qua xử lý, chất lượng nước thải ra môi trường đã đạt tiêu chuẩn.

Làm lại đường giao thông xuống cấp

Về việc tình trạng đường giao thông bị xuống cấp nghiêm trọng, do hàng trăm xe chở mía “quá khổ, quá tải” cày nát đường mỗi ngày, Nhà máy đường An Khê đã chấp nhận hỗ trợ 30% giá trị thi công con đường, có chiều dài 5,7km từ Quốc lộ 19 vào Nhà máy. UBND thị xã An Khê đang tiến hành thuê đơn vị tư vấn thiết kế và lập dự toán công trình.

Được biết, con đường này sẽ được đổ bê tông trị giá 7 tỷ đồng/km. Như vậy, Nhà máy đường An Khê sẽ đầu tư khoảng 14 tỷ đồng để triển khai bê tông hóa tuyến đường này, nhằm ổn định tình hình và tạo thuận lợi về giao thông cho người dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên