Lối thoát hiểm ở nhà dạng ống, nhà có chuồng cọp không đảm bảo
VOV.VN - Theo chuyên gia, những vụ hỏa hoạn, làm chết nhiều người gần đây xảy ra nhiều tại các ngôi nhà dạng ống, dạng chuồng cọp. Nguyên nhân là các lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp tại các tầng của những ngôi nhà này không đảm bảo.
Những vụ hỏa hoạn, chết người xảy ra tại các ngôi nhà dạng ống
Trong thời gian trở lại đây, trên cả nước xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Đáng chú ý, số vụ cháy nghiêm trọng xuất hiện nhiều tại các công trình nhà kết hợp kinh doanh dạng ống, thiếu lối thoát nạn đang là vấn đề được nhiều người rất lo ngại.
Liên quan đến nội dung này, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Bộ Công an cho biết, theo thống kê 6 tháng đầu năm 2023, trên toàn quốc xảy ra 881 vụ cháy, làm chết 45 người và khiến 43 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 88 tỷ đồng. Trong đó cháy nhà dân là 320 vụ, khiến 27 người chết. Số lượng nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh bị cháy là 82 vụ, làm chết 19 người.
“Qua quá trình nghiên cứu và xác định nguyên nhân gây ra các vụ cháy, chúng tôi thấy rằng có 455/880 vụ cháy đã được làm rõ nguyên nhân. Ngoài ra, trong số 455 vụ cháy thì có đến 65% vụ việc liên quan đến sự cố hệ thống thiết bị điện, dẫn đến chập cháy. Từ việc phân tích các vụ cháy chúng tôi thấy rằng, hầu như những vụ cháy làm chết nhiều người đều xảy ra tại nhà riêng lẻ và nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh. Các vụ cháy này thường xảy ra vào ban đêm, nên người dân phát hiện đám cháy bị chậm (bị động trong phát hiện cháy do đang trong trạng thái ngủ say). Dẫn đến, thời gian để đám cháy phát triển kéo dài, khi người dân phát hiện ra thì đám cháy đã bùng phát lớn”, Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, nguyên nhân đầu tiên là khi đám cháy đã phát triển lớn sẽ sinh ra nhiệt độ cao, lửa lan truyền lên nhiều tầng nhà kèm theo khói và khí độc tác động mạnh đến các nạn nhân, dẫn tới những thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Tiếp đến là, trong các nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh thường có rất nhiều hàng hóa, vật dụng… được sắp xếp ở nhiều nơi trong nhà. Thậm chí, đồ dùng, hàng hóa này còn bao trùm lên những khu vực có thiết bị điện, đặc biệt là thiết bị điện có khả năng sinh nhiệt...Chính vì vậy, khi xảy ra sự cố ngọn lửa sẽ nhanh chóng lan truyền vào các vật liệu, thiết bị dễ cháy. Từ đó đám cháy lan nhanh và phát triển thành đám cháy lớn.
Nhiều trường hợp hàng hóa sắp xếp tràn lan, chặn cửa thoát nạn, cầu thang thoát nạn... dẫn đến khi xảy ra sự cố, người bị nạn rất khó khăn trong việc vượt qua khu vực nguy hiểm để tới nơi an toàn.
“Nguyên nhân nữa là, các lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp tại các tầng của những ngôi nhà dạng ống, nhà có chuồng cọp không đảm bảo. Khi có cháy xảy ra, cầu thang bộ trở thành một ống khói, nạn nhân khi ra khỏi phòng lập tức sẽ hít phải khói độc, rất khó khăn cho việc thoát nạn. Vì vậy, nếu tại các tầng nhà không có lối thoát nạn, không có ban công hay lối ra khẩn cấp... và nếu người bị nạn không có kỹ năng thoát hiểm cơ bản thì sẽ rất khó có thể thoát khỏi đám cháy một cách an toàn. Nguyên nhân nữa là kỹ năng thoát nạn của nhiều người dân còn rất hạn chế. Nếu như đám cháy mới phát sinh thì người dân có thể thoát được, nhưng khi đám cháy đã phát triển lớn, kỹ năng thoát hiểm của người dân không tốt, thì cơ hội để nạn nhân thoát ra khỏi đám cháy gần như không có. Trong các hộ gia đình đơn lẻ hay các hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh ở nước ta hiện nay, hầu hết chưa lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy. Chính vì chưa có các thiết bị báo cháy sớm, nên khi cháy xảy ra vào ban đêm thì gần như người dân không thể phát hiện ra, cho đến khi đám cháy đã bùng phát lớn”, Đại tá Nguyễn Minh Khương nhấn mạnh.
Trong thời gian tới sẽ ban hành tiêu chuẩn PCCC với nhà nhà ở riêng lẻ
Đại tá Nguyễn Minh Khương cho biết thêm, một điểm chung dễ nhận thấy trong những vụ hỏa hoạn, làm chết nhiều người gần đây đó là đều xảy ra tại các ngôi nhà dạng ống, dạng chuồng cọp. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định của pháp luật, đối với những nhà ở riêng lẻ cao từ 7 tầng trở lên và những dạng nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, mà tổng diện tích sàn phục vụ cho mục đích kinh doanh chiếm 30% trên tổng số diện tích sàn của công trình đó, mới thuộc diện phải chấp hành các quy định về PCCC, theo Quy chuẩn 06/2022.
Ngoài ra, những công trình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh mà tổng diện tích phục vụ mục đích kinh doanh nhỏ hơn 30% tổng diện tích sàn, thì sẽ được khuyến cáo về việc trang bị phương tiện PCCC theo tiêu chuẩn 3890/2023.
“Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Công an đang dự thảo tiêu chuẩn đối với nhà ở riêng lẻ và sẽ ban hành trong thời gian tới. Khi đó, chúng tôi sẽ phối hợp cùng các đơn vị chức năng để hướng dẫn, áp dụng, thống nhất các quy định đối với những dạng nhà ở kể trên, trên phạm vi toàn quốc. Từ đó, sẽ có điều kiện cụ thể trong việc thiết kế, lắp đặt thiết bị PCCC đối với các ngôi nhà dạng ống, dạng chuồng cọp nêu trên. Qua đó sẽ giảm thiểu được nguy cơ phát sinh cháy và có thể phát hiện ra sớm các vụ cháy, để xử lý ngay từ giai đoạn ban đầu”, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho hay.
Đại tá Nguyễn Minh Khương khẳng định, trong những năm qua, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cũng đã chỉ đạo công an các địa phương hướng dẫn, khuyến cáo người dân về việc PCCC liên quan đến nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh.
Cụ thể, như việc hướng dẫn người dân mở lối thoát nạn thứ hai, việc hướng bố trí, sắp xếp thiết bị, vật dụng, hàng hóa trong nhà để bảo đảm an toàn, tránh nguy cơ phát sinh cháy và nếu phát sinh cháy thì hướng dẫn người dân cách xử lý.
Tiếp đó, lực lượng cảnh sát PCCC đã tổ chức chiến dịch "đi từng ngõ, gõ từng nhà", để tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC cho các hộ gia đình. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị các hộ gia đình có cam kết về việc đảm bảo an toàn PCCC, trong các hộ gia đình của mình.
“Hiện nay, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đang tiếp tục chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, công an các địa phương thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, để trong năm 2023 này, 100% các hộ gia đình đều có ít nhất một người được trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC, để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra trong hộ gia đình mình. Ngoài ra, tất cả các kiến thức, kỹ năng về PCCC trong hộ gia đình như việc sử dụng điện, kỹ năng sử dụng bình chữa cháy xách tay, kỹ năng di chuyển thoát nạn trong PCCC như thế nào, thì đều được chúng tôi xây dựng thành những clip, những bài khuyến cáo… đăng tải rất cụ thể trên trang web của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH. Mọi người dân đều có thể truy cập trang web của đơn vị để tìm hiểu và học tập các kỹ năng này”, Đại tá Nguyễn Minh Khương nhấn mạnh.