Lớp “cận chuyên” trong trường chuyên: Đáng lẽ phải “xóa sổ” từ lâu
VOV.VN - Theo Thông tư của Bộ GD-ĐT, mục tiêu của trường chuyên là “phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập” cùng thực tế hiện nay thì việc có thêm hệ cận chuyên là không phù hợp.
>> Giải bài toán giáo viên ồ ạt nghỉ việc, cách nào?
>> “Quyền năng” của hội phụ huynh
“Mấy em học sinh chuyên ngố lắm, chỉ biết học còn lại không biết làm gì”, “Học chuyên như ôn gà chọi, chỉ biết mỗi thi đấu”, “Học chuyên đi sâu vào chuyên ngành, một môn giờ không còn phù hợp”…
Đó là rất nhiều ý kiến trên mạng xã hội khi bàn về học chuyên, trường chuyên. Nhưng thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy.
Tôi là học sinh trường chuyên từ cách đây hơn 30 năm, anh chị em, bạn bè và các con, cháu tôi phần lớn đều học trong trường chuyên của tỉnh, thành phố và quốc gia. Kể ra chuyện này không phải để khoe khoang mà chỉ muốn nói là tôi đã có trải nghiệm thực tế, quan sát về việc học chuyên và sự trưởng thành của các thế hệ học sinh chuyên trong hàng chục năm qua.
Ai đã từng học chuyên có lẽ khá “buồn cười” với những câu bình luận như vậy trên mạng xã hội về học chuyên, trường chuyên. Trước hết, học sinh trường chuyên cũng học tập, vui chơi, hoạt động ngoại khóa không khác các trường không chuyên. Từ thời tôi đi học, học sinh chuyên đã tham gia rất nhiều các hoạt động ngoại khóa do nhà trường, lớp hay tự đứng ra tổ chức. Nhiều hoạt động khi công diễn, đã khiến cả trường “cười vỡ bụng” vì nhiều “tình tiết” bất ngờ chỉ có lũ “nhất quỷ nhì ma” mới nghĩ được ra…
Càng ngày, việc “chơi” của học sinh chuyên càng phong phú, đa dạng với rất nhiều hoạt động, câu lạc bộ đủ lĩnh vực từ thể thao, văn hóa, văn nghệ đến câu lạc bộ nghiên cứu khoa học… phù hợp với khả năng và sở thích của từng học sinh. Điển hình là các câu lạc bộ ngoại khóa của các trường chuyên KHTN, Amsterdam, chuyên sư phạm, chuyên ngoại ngữ… có rất nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa, nhiều hoạt động có sức lan tỏa ra cả cộng đồng. Vì thế, nếu khẳng định “học sinh chuyên chỉ biết học” có lẽ là của những người chưa trải nghiệm và không chính xác.
Học sinh chuyên cũng không học theo kiểu “gà chọi”, mà mỗi môn chuyên chỉ lọc ra đội tuyển khoảng 4-6 người có tố chất vượt trội để tham gia thi học sinh giỏi huyện, tỉnh, quốc gia, quốc tế… Số còn lại vẫn học như các học sinh trường không chuyên, chỉ là chương trình nâng cao hơn, có thể vì đây là những em đã được “lọc” đầu vào tốt hơn nên có tố chất và khả năng tiếp thu cao hơn các học sinh trường bình thường.
Người học chuyên thu nhận được gì cho bản thân? Theo tôi, học sinh chuyên thu nhận được rất nhiều lợi ích về tư duy. Nếu những học sinh thi vào chuyên bằng chính khả năng của mình thì việc học ở trường chuyên giúp họ khả năng tư duy vấn đề khó hơn, logic hơn, khả năng sắp xếp tốt để vừa học được chương trình nâng cao, vừa có thời gian hoạt động ngoại khóa.
Theo quan sát và trải nghiệm của bản thân trong hàng chục năm qua, phần lớn những học sinh chuyên “ra đời” đều phát triển tốt, nhiều người là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực họ theo đuổi. Vậy nên, nếu nói học chuyên là chỉ học mỗi môn chuyên kiểu “gà chọi” thì chưa chính xác, phiến diện và có phần chủ quan.
Trong khi xã hội ngày càng phát triển, lĩnh vực nào cũng rất cần người có chuyên môn cao, kỹ thuật cao nên việc có những nhân tố có khả năng tư duy chuyên sâu là rất cần thiết. Nếu giáo dục đại trà mà không có nơi đào tạo con người như ở trường chuyên, có thể sẽ khó khăn hơn nhiều khi cần những người có khả năng chịu áp lực và chuyên môn sâu trong các lĩnh vực.
Cũng phải thừa nhận, trong quá trình phát triển, mô hình trường chuyên có nhiều thay đổi, nhiều trường có thêm hệ không chuyên (cận chuyên) và một số thay đổi mang tính tiêu cực khiến dư luận băn khoăn như hiện tượng không minh bạch trong xét tuyển, thi tuyển, bệnh thành tích hoặc học sinh vào được chuyên chưa phải là những em có tố chất thực sự…
Mới đây, trong dự thảo Thông tư về quy chế và hoạt động của trường THPT chuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất không tổ chức các lớp cận chuyên. Đề xuất này đang có nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận.
Hiện nay, cách tuyển dụng của hầu hết các trường chuyên về hệ cận chuyên là học sinh không đủ điểm vào chuyên được xét tuyển ở mức thấp hơn vào các lớp cận chuyên hay lớp chất lượng cao. Mỗi khóa, các trường chuyên tuyển vài lớp theo kiểu như vậy. Và mọi người đều ngầm hiểu đây là những lớp tăng thêm kinh phí, nguồn thu để giải quyết khó khăn cho trường, bởi những em học hệ này học phí thường cao gấp gần chục lần đối với học sinh chuyên. Chẳng hạn, chuyên PTTH Ngoại ngữ, trong khi học sinh chuyên phải nộp mức học phí khoảng 300.000 đồng/tháng thì học sinh không chuyên phải nộp khoảng trên dưới 3 triệu đồng; trường chuyên KHTN cũng tương tự, mức học phí của học sinh chất lượng cao cũng cao gấp nhiều lần học sinh chuyên…
Theo Thông tư số 20/VBHN-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ngày 30/5/2014, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên quy định, mục tiêu của trường chuyên là phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập và phát triển năng khiếu của các em về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện, giáo dục các em thành người có lòng yêu nước, tinh thần vượt khó, tự hào, tự tôn dân tộc; có khả năng tự học, nghiên cứu khoa học và sáng tạo, có sức khỏe tốt để tiếp tục đào tạo thành nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Rõ ràng, với mục tiêu đề ra như Bộ GD-ĐT thì trường chuyên là “phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập và phát triển năng khiếu của các em…” thì việc có thêm hệ cận chuyên là không phù hợp. Những học sinh không đủ điểm vào chuyên thì theo quy định, các em chưa phải là những học sinh “có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập”, kể cả trường hợp không may mắn trong thi cử, nhưng khi xét tuyển vẫn phải chấp hành quy định.
Hơn nữa, khi trong trường chuyên có thêm hệ không chuyên, nghĩa là phải có 2 chương trình giảng dạy để phù hợp với học sinh chuyên và không chuyên. Khi đó sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bất cập về chương trình, đội ngũ giáo viên, chi phí giảng dạy, cơ sở vật chất… Trong khi đó, ở các trường không chuyên vẫn có các lớp chọn, phân ban, lớp dành cho các học sinh có thành tích tốt, các em này có thể học trong môi trường như vậy. Vì thế, không có lý gì lại có một hệ “lửng lơ” là cận chuyên và chất lượng cao trong trường chuyên.
Mục tiêu của trường chuyên đã rất cụ thể, rõ ràng trong quy định của Bộ GD-ĐT, vì thế nên để trường chuyên thực hiện đúng nhiệm vụ của mình là “bồi dưỡng học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập và phát triển năng khiếu của các em…”.
Tuy nhiên, khi “xóa sổ” lớp cận chuyên, chất lượng cao trong trường chuyên, một vấn đề khá quan trọng đặt ra là nguồn thu của các trường sẽ sụt giảm tương đối. Vì thế, cần có sự quan tâm, tính toán từ Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan để có sự quan tâm đúng mức cho đội ngũ giáo viên, nhà trường đang làm nhiệm vụ “đặc biệt” là dạy các học sinh “đặc biệt” về chế độ chính sách và đãi ngộ…
Trong xã hội không ngừng phát triển và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, ở đâu cũng cần những người có chuyên môn, trình độ chuyên sâu. Vì thế, để ươm mầm những nhân tố như vậy, rất cần sự quan tâm đúng mức của ngành giáo dục cũng như cả xã hội, nhất là đối với những người làm công tác trồng người trong một môi trường “đặc biệt”, để thầy cô không phải lo cơm áo, toàn tâm cho công việc của mình./.