Lớp học xoá mù của thầy giáo quân hàm xanh
VOV.VN - Cùng với việc bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới tổ quốc, giúp nhân dân phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, những năm qua, các thầy giáo quân hàm xanh là cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã luôn khắc phục khó khăn, miệt mài, đem cái chữ đến với đồng bào dân tộc trên địa bàn biên giới.
Đều đặn mỗi tối, lớp học xóa mù tại bản Khằm 2, xã Trung Lý, huyện biên giới Mường Lát tỉnh Thanh Hoá, được Đại úy Hơ Văn Di - Nhân viên Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Trung Lý) duy trì. Hơn 19 giờ, tiếng í ới gọi nhau đi học, những ánh đèn từ cuối bản soi sáng con đường đất gập gềnh tới lớp. Học viên của lớp xóa mù đa phần là phụ nữ, họ ở nhiều lứa tuổi khác nhau, có người đã thành bà và cũng có người đang nuôi con nhỏ…
Chị Thào Thị Xay, học viên lớp xóa mù bản Khằm 2, xã Trung Lý, huyện Mường Lát cho biết: “Trước đây thì phụ nữ bản Khằm 2 chúng ta không biết chữ, được thầy Di biên phòng dạy cho chị em chúng ta biết chữ, biết viết tên mình, biết đi làm công ty kiếm tiền nuôi gia đình, cho các con đi học”.
Đại úy Hơ Văn Di - Nhân viên Vận động quần chúng, người được dân bản gọi bằng cái tên triều mến - “Thầy Di”. Có lẽ sinh ra và lớn lên trên quê hương biên giới Mường Lát, là người dân tộc Mông, bởi vậy, Đại uý Hơ Văn Di luôn dành trọn tình cảm, trách nhiệm với công việc của mình. Đại úy Hơ Văn Di cho biết, để xây dựng được lớp học, bản thân và cán bộ, chiến sỹ đơn vị đã lặn lội đến từng hộ gia đình có người mù chữ để vận động họ đi học: “Quá trình tham gia dạy xóa mù chữ ở biên giới Trung Lý thì bản thân tôi gặp không ít khó khăn. Thứ nhất, không có kỹ năng sư phạm nên khả năng truyền đạt còn hạn chế; thứ hai tuổi của chị em phụ nữ nhiều lứa tuổi khác nhau, chị em rụt rè, chưa mạnh dạn, chúng tôi phải tích cực nghiên cứu để truyền đạt một cách dễ hiểu cho các học viên”.
Trung Lý là xã khó khăn của huyện Mường Lát, địa hình đồi núi, giao thông đi lại khó khăn; cả xã có 15 bản trong đó có 11 bản người dân tộc Mông sinh sống; tỷ lệ người mù chữ cao; trình độ dân trí của người dân còn thấp; số hộ nghèo chiếm trên 57% dân số toàn xã. Trong những năm qua, Đồn Biên phòng Trung Lý đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh cho bà con nơi đây.
Theo Thượng tá Cao Văn Long, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trung Lý, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, thông qua lớp xóa mù chữ, đưa tri thức, đưa chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân vùng biên.
“Thực hiện chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương, trong năm 2003 này chúng tôi phối hợp với phụ nữ huyện Mường Lát, phụ nữ xã Trung Lý và chính quyền địa phương, tiếp tục mở các lớp xóa tái mù chữ cho chị em phụ nữ các bản người dân tộc Mông. Thông qua lớp này, chị em được biết đọc, biết viết và thông qua các lớp học chúng tôi lồng ghép tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước. Đặc biệt là tuyên truyền trong cái Luật bình đẳng giới, Luật hôn nhân gia đình. Từ đó hạn chế dần và chấm dứt tình trạng tảo hôn, cùng huyết thống trong địa bàn và các chương trình khác về đồng hành cùng phụ nữ biên cương. Thông qua chương trình xóa tái mù chữ này cũng tuyên truyền để rồi chị em nâng cao ý thức cảnh giác, cùng với lực lượng biên phòng trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới”, Thượng tá Cao Văn Long nói.
Chỉ tính riêng trong hai năm 2022 và 2023, Đại úy Di cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý tham mưu mở được 2 lớp xóa mù chữ với tổng cộng 58 học viên tại bản Khằm 1 và Khằm 2. Đến nay học viên tham gia lớp học đã đọc thông, viết thạo. Thông qua các buổi học đã lồng ghép tuyên truyền các văn bản pháp luật; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương đến với Nhân dân; tuyên truyền cho Nhân dân nắm được âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch… Hướng dẫn anh chị em trong lớp học cách phát triển kinh tế hộ gia đình và từng bước xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu.
Chị Ngân Thị Vân, Phó Bí thư Thường trực xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa cho hay: “Khi chị em mà biết đọc biết viết rồi thì các chị em là nâng cao nhận thức hơn và các anh chị em là mạnh dạn hơn trong tham gia giao tiếp và kỹ năng sống. Trước kia là hơi rụt rè, rất ít khi muốn tham gia vào cuộc lớn vì chưa được tự tin như hội nghị. Tuy nhiên, cho đến bây giờ là chị em mạnh dạn hơn rất tự tin, đôi khi có những ý kiến phát biểu thì chị em cũng rất là mạnh dạn tự bảo vệ lấy mình. Đấy là cái nhờ được cái tham gia lớp xóa mù chữ”.
Vừa qua, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp trong điều kiện thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đại uý Hơ Văn Di vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen về thành tích trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho Nhân dân trên khu vực biên giới. Vinh dự ấy, niềm tự hào ấy luôn là động lực để Đại úy Hơ Văn Di tiếp tục phát huy thành tích của mình, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.