Lựa chọn giải pháp bảo vệ an toàn thông tin cho trẻ em trên không gian mạng
VOV.VN - Việc bảo vệ an toàn thông tin của trẻ em trên không gian mạng không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn cần giáo dục sớm, tạo ra được hệ miễn dịch số để trẻ tự biết phòng thân.
Mức độ trẻ em Việt Nam tham gia Internet là rất lớn
Chia sẻ tại hội thảo “Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” trong khuôn khổ sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022 diễn ra ngày 24/11, ông Vũ Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết, Việt Nam đã sớm có chính sách quan tâm đến việc bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ trên không gian mạng. Tuy nhiên, để biến chính sách trên giấy thành hiện thực phải trải qua một chặng đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực chung tay của của tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng.
“Đây là lần đầu tiên một hội thảo chuyên đề về đảm bảo an toàn trên không gian số cho trẻ em được tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia nhằm bàn thảo chuyên sâu về thực trạng cũng như khó khăn, các giải pháp, sáng kiến được triển khai; những đề xuất để tạo ra cơ chế phối hợp giữa các bên nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời khi có báo cáo vi phạm. Đồng thời, cũng mang tới những gợi mở, định hướng cho doanh nghiệp trong phát triển các công nghệ mới để bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng”, Phó Chủ tịch VNISA bày tỏ.
Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT), Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho rằng, bảo vệ và giúp đỡ trẻ em phát triển lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng là trách nhiệm của toàn xã hội.
Theo VNCERT, Việt Nam có khoảng 24,7 triệu người là trẻ em, trong đó 2/3 trẻ có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Còn theo UNICEF, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi có sử dụng Internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi.
“Điều này cho thấy mức độ tham gia các hoạt động trên không gian mạng của trẻ em ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là sau đại dịch Covid. Có thể nói chưa bao giờ trẻ em dành nhiều thời gian cho Internet như hiện nay”, ông Tuân nói.
“Việc tham gia hoạt động trên mạng sẽ khiến trẻ em phải đối mặt với nhiều rủi ro như tiếp cận với nội dung độc hại, bị phát tán thông tin riêng tư, nhạy cảm; bị bắt nạt trực tuyến hoặc rơi vào tình trạng nghiện Internet”, Giám đốc VNCERT cho hay.
Lựa chọn giải pháp bảo vệ trẻ em trên Internet
Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” đã được Chính phủ ban hành năm 2021, với mục tiêu kép là bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, đặc biệt chú trọng đến việc tạo ra hệ miễn dịch số để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng; duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.
Ông Tuân cũng cho biết, chương trình không chỉ tập trung vào vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mà còn mong muốn thúc đẩy phát triển các sản phẩm, ứng dụng giúp các em truy cập, khai thác nguồn tài nguyên trực tuyến một cách hiệu quả và an toàn.
Một trong những giải pháp hiệu quả có thể kể đến như SafeGate Family - Bố mẹ đồng hành cùng con trên Internet. Bởi lẽ, hiện nay, có rất nhiều người dùng có nhu cầu về một giải pháp an toàn có thể quản lý. Tuy nhiên, các giải pháp trên thị trường hiện rất phức tạp đòi hỏi người dùng phải có hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin và mạng máy tính. Giải pháp SafeGate Family được xem có thể bảo vệ một cách toàn diện cho gia đình./.