Luật sư nói gì về việc quản lý dân cư bằng mã số định danh?
VOV.VN - Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng quản lý dân cư bằng mã số định danh là một sự đột phá, phải trải qua quá trình đấu tranh rất dài.
Mới đây, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Theo đó, sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng "sổ hộ khẩu" thủ công và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trên hệ thống điện tử. Đồng thời, các loại giấy tờ về chuyển hộ khẩu, chứng minh mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú cũng sẽ được bãi bỏ.
Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty luật Minh Bạch ( Đoàn Luật sử TP Hà Nội) |
Tương tự như vậy, việc quản lý tạm trú cũng sẽ không còn "sổ tạm trú" mà thay bằng việc cập nhật thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân, người dân sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân (ID number) khi thực hiện các thủ tục liên quan đến cá nhân.
Về việc Chính phủ đồng ý bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn Luật sử TP Hà Nội) cho rằng đây là một sự đột phá, phải trải qua quá trình đấu tranh rất dài.
“Chúng ta đã có rất nhiều bài phân tích, những câu chuyện nói lên rằng sổ hộ khẩu không quyết định việc quản lý dân cư ở Việt Nam. Rõ ràng, trong xã hội xã hội hoá thông tin, đặc biệt, khi Đề án mỗi công dân có mã số định danh riêng được phê duyệt thì sổ hộ khẩu không còn giúp ích trong quản lý nữa. Đôi khi, quản lý sổ hộ khẩu bằng thủ công đem lại những phiền hà, bất cập nhất định trong quản lý dân cư. Và đến nay, khi Chính phủ đã bỏ chính sách quản lý dân cư theo sổ hộ khẩu đi thì tôi cho rằng đó là sự cập nhật, sự tức thời và là một chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước” – Luật sư Tuấn Anh nói.
Hơn thế nữa, việc bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu rất phù hợp với Hiến pháp của Việt Nam. Hiến pháp đã quy định tôn trọng tuyệt đối quyền tự do cư trú của mọi công dân. Người dân có quyền tự do cư trú ở bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam như họ mong muốn và phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước nơi mình cư trú.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, chúng ta vẫn biết sổ hộ khẩu liên quan tới rất nhiều quyền công dân khác, quyền tiếp cận những dịch vụ xã hội cơ bản. Ví dụ như giáo dục, dịch vụ cung cấp y tế và bảo trợ xã hội khác.
Một minh chứng rất rõ nét là cách đây 2 năm đã dấy lên những ý kiến trái chiều về điều kiện trong tiêu chí dự tuyển công chức là thí sinh phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.
Với trường hợp không có hộ khẩu mà muốn thi công chức thì người đó phải đáp ứng một trong số các tiêu chí như tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; hoặc có bằng tiến sĩ tuổi đời dưới 35 tuổi…
Cứ như vậy tự nhiên hộ khẩu trở thành rào cản rất lớn để thu hút nhân tài, dẫn tới những câu chuyện lớn hơn về nhân sự. Đến nay, khi mà Chính phủ làm được vậy thì tôi đánh giá là một đột phá rất lớn trong quản lý hành chính nhà nước.
Luật sư Trần Tuấn Anh cũng cho biết, bản thân luật sư cũng đã gặp phải những khó khăn về sổ hộ khẩu: “Năm 2009, tôi mua nhà ở Hà Nội khi đó phải có sổ hộ khẩu Hà Nội mới được mua nhà, nhưng ngược lại, phải có nhà ở Hà Nội mới được đăng kí hộ khẩu ở Hà Nội. Đó là câu chuyện “quả trứng – con gà”, tôi phải mất rất nhiều công sức và chi phí để có được hộ khẩu ở Hà Nội, sau đó mới được mua nhà ở Hà Nội”.
Chính phủ đồng ý bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân
Sau năm 2010, điều kiện phải có hộ khẩu Hà Nội đã được bãi bỏ, đây đã là một bước đột phá nhưng cũng chỉ giải quyết một trong những vấn đề còn tồn tại. Đằng sau cuốn sổ hộ khẩu còn rất nhiều mối liên quan khác.
Rõ ràng, quản lý bằng sổ hộ khẩu bằng giấy đến thời điểm hiện nay không còn giá trị nữa và khi không còn giá trị nữa thì việc bỏ đi thay thế cách quản lý hiện đại hơn là tất yếu.
Luật sư Tuấn Anh đánh giá: “Chính phủ đã rất lắng nghe ý kiến của người dân, rất muốn giảm thủ tục phiền hà, tạo sự thuận lợi cho người dân. Tôi cho rằng việc bỏ quản lý sổ hộ khẩu bằng thủ công thay bằng việc quản lý điện tử là một trong những bước đầu tiên làm cho người dân được giảm phiền hà, mất công, bớt thời gian đi lại người dân sẽ cống hiến được những gì tinh tuý nhất, sáng tạo nhất cho đất nước và phát triển xã hội”./.
Thông tin bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân là chưa chính xác
Từ nay đến 2020, các thủ tục liên quan sổ hộ khẩu vẫn được tiến hành