Lùi giờ vào học, vì con hay vì bố mẹ?
VOV.VN - Từ những tranh luận không dứt về giờ vào học của học sinh, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng nếu cứ mãi căn cứ vào nhu cầu của phụ huynh sẽ không bao giờ có được tiếng nói chung.
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, vấn đề chính là chúng ta đang nghĩ vì ai? Nghĩ về phụ huynh hay học sinh? Chỉ khi xác định được học sinh là đối tượng được hưởng lợi chính mới có được lời giải cho bài toán khó về giờ vào học.
Lời giải có thể nằm ngay ở việc lựa chọn trường học cho con em của các phụ huynh. Lâu nay, phân tuyến cấp THCS trở xuống nhằm đáp ứng nhiều mục tiêu, như cân đối học sinh trong mỗi lớp, mỗi trường không vượt quá mức và quan trọng nữa sẽ đảm bảo khoảng cách di chuyển đến trường của các em không quá xa.
Tuy nhiên, trên thực tế, số học sinh trái tuyến đã và đang chiếm một lực lượng không nhỏ do lựa chọn trường của cha mẹ, lựa chọn có thể bởi trường tốt hay trường gần nơi làm việc của phụ huynh. Điều đó dẫn đến trẻ mất rất nhiều thời gian di chuyển, cũng đồng nghĩa việc phải dậy sớm hơn, giấc ngủ bị thiếu thốn.
Nếu đặt mục tiêu lựa chọn giờ vào học là giảm ùn tắc giao thông thì sẽ dẫn đến giờ học quá sớm hoặc quá muộn.
Đừng đóng khung giờ vào học của học sinh
PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho rằng cần phải có nghiên cứu một cách khoa học về giờ học liên quan đến sức khỏe học sinh thế nào? Cũng như nghiên cứu về giờ làm việc, về giao thông để từ đó có giải pháp căn cơ nhất hơn là chạy theo một nhu cầu nào đó của chỉ một đối tượng nào đó.
Bài toán có nhiều cách thức để giải. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các nhà trường hoàn toàn có thể chủ động việc tổ chức hoạt động dạy học đảm bảo được yêu cầu của chương trình trong định hướng phát triển năng lực. Đồng nghĩa mỗi một trường, mỗi địa phương căn cứ vào tình hình thực tế hoàn toàn có thể xây dựng một kế hoạch giáo dục đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Thêm vào đó, các nhà trường cũng nên loại bỏ tư duy khuôn mẫu như việc buộc phải bắt đầu giờ học cố định và đồng thời.
Ở đây có thể theo cách thức giống như trường mầm non, chọn một thời điểm cố định mở cửa trường. Trong một tiếng đầu tiên sau đó, học sinh không cần vào giờ học chính thức ngay lập tức. Thay vào đó, các em có thể tham gia các hoạt động thể dục thể thao, rèn kĩ năng sống, thậm chí ăn sáng. Như vậy phụ huynh phải đi làm sớm sẽ đưa con đến sớm tham gia các hoạt động ngoại khóa khác nhau, trường hợp muộn hơn cũng vẫn vào trường bình thường như các bạn khác.
Theo giờ sinh học, học sinh lứa tuổi vị thành niên cần 8-9 giờ ngủ nghỉ. Thời gian tốt nhất, trí tuệ minh mẫn nhất để tiếp thu học tập là từ 8h30-9h hàng ngày nên có thể tổ chức cho trẻ đến trường sớm nhưng không nhất thiết phải bắt đầu vào học ngay.
Ngoài ra, cũng cần có giải pháp để học sinh bớt phụ thuộc vào việc đưa đón của phụ huynh bằng việc phát triển hệ thống xe đưa đón chuyên biệt, tổ chức theo tuyến với mức chi phí phù hợp, an toàn cho các em. Giờ học của trẻ bởi lẽ đó lùi hay tiến không còn vấp phải những trăn trở hay gây khó khăn cho bố mẹ khi vừa phải đưa con đến trường đồng thời phải kịp giờ tới nơi làm việc.
Câu chuyện tranh luận lùi giờ vào học có thể xem như một cái cớ để chúng ta nhìn lại tổng thể nguyên nhân giải pháp cho tình trạng thiếu thời gian nghỉ ngơi của học sinh phổ thông nhưng không nên coi như giải pháp duy nhất để rồi tiếp tục gây thêm áp lực lên các nhà trường vốn đã có quá nhiều áp lực./.