Lùm xùm BOT cầu Bến Thủy: Bài học của sự chậm trễ
VOV.VN - Sự việc đã kéo dài, nhưng dường như Bộ GTVT, chủ đầu tư dự án là Cienco4 không có hướng và chậm trễ vào cuộc xử lý.
Giá vé cao, đặt trạm ở vị trí vô lý, đó là lý do người dân Hà Tĩnh và Nghệ An tập trung phản đối chủ đầu tư trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy suốt thời gian qua.
Sự việc đã kéo dài, nhưng dường như Bộ GTVT, chủ đầu tư dự án là Cienco4 không có hướng và chậm trễ vào cuộc xử lý.
Nhiều tháng sau vụ người dân ở gần khu vực cầu Bến Thủy tập trung đòi quyền lợi về việc thu phí cầu Bến Thủy, sau hai lần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, đến ngày 10/3 vừa qua phía chủ đầu tư BOT cầu Bến Thủy là Tổng công ty xây dựng Công trình giao thông 4 (Cienco4) mới ra công văn giải quyết những đòi hỏi về quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, khi nhận được văn bản này thì cả chính quyền địa phương và người dân càng “sốc” nặng hơn khi doanh nghiệp đưa ra bản cam kết lạ lùng bắt người ký: dân không tham gia trên các tuyến của dự án BOT.
Người dân đội nắng tập trung phản đối chủ đầu tư trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy trong ngày 9/4. |
Trước sự việc quá vô lý của chủ đầu tư BOT cầu Bến Thủy, người dân ở các huyện Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), TP Vinh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) sau đó lại tiếp tục mang xe ra đường phản đối trạm thu phí này. Họ đổi rất nhiều tiền lẻ, mệnh giá 200đ, 500đ và 1000đ đi mua vé cầu, sự việc gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến QL1 qua đoạn đường này.
Đỉnh điểm là đầu tháng 4/2017, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã tiếp tục phải có văn bản phê bình Bộ GTVT, UBND tỉnh Hà Tĩnh, các cơ quan chức năng chậm trễ trong việc giải quyết kiến nghị của người dân về trạm thu phí cầu Bến Thuỷ I và Bến Thuỷ và để dẫn đến mất trật tự, an toàn giao thông kéo dài.
Làm đơn tập thể, cùng ký tên dưới bản kiếm nghị gửi Chính phủ, Quốc hội sáng 9/4. |
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT báo cáo nội dung giải quyết kiến nghị của người dân tại hai trạm thu phí trên trước ngày 10/4.
Sau khi bị phê bình, chiều 3/4, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Cienco 4 - nhà đầu tư dự án về việc giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ trạm thu phí Bến Thủy.
Tại văn bản này, Bộ GTVT thống nhất chủ trương giảm 50% giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 đối với các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng) và loại 2 (xe từ 12 ghế đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) của người dân có hộ khẩu thường trú, các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính thuộc các khu vực: TP. Vinh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An); huyện Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh).
Giao thông ùn tắc, lực lượng chức năng phải vất vả điều tiết giao thông. |
Bộ GTVT giao Cienco 4 khẩn trương hoàn thiện thủ tục liên quan, tính toán phương án tài chính theo mức giá điều chỉnh, hoàn thiện phụ lục hợp đồng, trình Bộ GTVT trước ngày 10/4; giao Vụ Đối tác công - tư (PPP) trình lãnh đạo bộ ký kết trước ngày 13/4 để áp dụng giảm giá dịch vụ từ ngày 15/4.
Tuy nhiên, sự chậm trễ trong xử lý vụ việc, sự vô lý trong việc đặt trạm phí mà người dân cho rằng không đi 1 mét đường BOT nào nhưng vẫn phải đóng phí, người dân không đồng ý.
Sáng ngày 9/4, hàng trăm người dân lại tập trung điều khiển phương tiện qua cầu Bến Thủy 1, ký đơn, dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm phản đối, yêu cầu di dời Trạm thu phí BOT này.
Bài học của sự chậm trễ…
Hiện giá vé tại trạm thu phí Bến Thủy đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe khách vận tải hành khách công cộng 40.000 đồng/lượt; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn 55.000 đồng/lượt khi lưu thông qua trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2. Các loại xe còn lại có mức phí bằng các trạm thu phí BOT khác trên Quốc lộ 1.
Liên quan đến mức phí hiện tại ở trạm thu phí Bến Thủy, một lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận là quá cao, người dân phản ứng là có lý. Tuy nhiên, theo vị cán bộ này, đối với yêu cầu miễn phí của những cư dân sống gần trạm thu phí Bến Thủy là không thể được. “Theo quy định của Bộ Tài chính, đã là phí thì không được miễn mà chỉ được giảm” - vị lãnh đạo này nói.
Bình luận về quyết định giảm giá thu phí kể trên ở trạm Bến Thủy, người dân Nghệ An và Hà Tĩnh cho là quá chậm. “Nếu các cơ quan chức năng làm sớm thì đã không xảy ra những vụ việc đáng tiếc như những ngày qua và nhiều lần trước đó”.
BOT là một chủ trương đúng đắn để huy động nguồn lực xã hội vào công cuộc hiện đại hóa hạ tầng giao thông ở nước ta. Tuy nhiên, sự việc ở trạm thu phí cầu Bến Thủy chỉ là một trong nhiều vụ đã và đang xảy ra ở không ít trạm thu phí BOT trên cả nước. Mặt trái của các dự án BOT cũng dần lộ diện.
Lùm xùm BOT cầu Bến Thủy: Phê bình Bộ GTVT, tỉnh Hà Tĩnh xử lý chậm
Việc người dân phản ứng tiêu cực bằng cách tập trung đưa xe ra đường, mang tiền lẻ đi mua vé…là không nên, bởi nó gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới nhiều người và phương tiện khác. Song để xảy ra tình trạng này, có trách nhiệm không nhỏ của các cơ quan liên quan, như Phó thủ tướng đã phê bình và yêu cầu xử lý dứt điểm.
Theo ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Hiện các dự án theo hình thức BOT đều do nhà đầu tư và DN lập và thẩm định cũng như phê duyệt, thì như vậy họ lập và thẩm định và tự phê duyệt thì cũng không tránh khỏi hạn chế, vì DN hoặc nhà đầu tư họ thường đặt lợi ích của mình lên trên hết. Qua kiểm tra đã phát hiện ra vấn đề là tổng mức đầu tư cao về thời gian thu phí quá thời hạn đã có, phát hiện ra rồi. Bây giờ để tránh trường hợp người dân tiếp tục phản đối thì phải làm sao cho đảm bảo thời gian thu phí cho phù hợp cũng như hài lòa lợi ích của người dân, vấn đề minh bạch của dự án …”.
Lùm xùm BOT cầu Bến Thủy: Đã sai lại còn ép dân
Ở góc độ khác, một chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân đều xuất phát từ xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư và đối tượng phải thu phí là người dân. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở các dự án BOT là vô cùng quan trọng, đó là phải kiểm soát, công khai và minh bạch được thu - chi của từng dự án, làm cân bằng và hài hòa lợi ích giữa các bên. Bằng không, những vụ việc tương tự vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tại cuộc họp Ban cán sự đảng Bộ GTVT ngày 7/4, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng phải thừa nhận và tái khẳng định tầm quan trọng của công tác quyết toán.
Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, quyết toán dự án chính là điều kiện, cơ hội để minh bạch, công khai các dự án.
“Việc quyết toán chính xác, đúng hạn các dự án là một kênh đánh giá năng lực quản lý ngành của Ban quản lý. Thông qua công tác quyết toán, chúng ta có thể minh bạch dự án, từ đó, dư luận, xã hội có thể chia sẻ, hiểu đúng hơn về đầu tư BOT” – Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chỉ rõ./.
Không đi cũng phải đóng phí
Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ vị trí đặt 2 trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 không nằm trên đoạn tuyến, công trình đầu tư theo hình thức BOT dẫn tới nhiều phương tiện không lưu thông trên tuyến đường BOT vẫn bị thu phí. Theo đó, Hà Tĩnh kiến nghị dời trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 đến vị trí phù hợp.
Liên quan các bức xúc trên, một lãnh đạo Bộ GTVT cho hay bất cập này sẽ được giải quyết trong năm 2017. “Hiện cả nước còn 5 trạm thu phí đang đặt “nhầm chỗ”, trong đó có trạm BOT qua cầu Bến Thủy” - vị lãnh đạo này thông tin.
Theo quy định thì khi làm đường BOT, người dân có quyền quyết định, lựa chọn đi đường thu phí hoặc không thu phí (đường đầu tư bằng ngân sách Nhà nước). Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các dự án giao thông BOT, khi ký kết, nhà đầu tư thường "ngoằng" thêm câu để đảm bảo thời gian hoàn vốn, nên cho thu cả đường cũ và đường mới.