Lương lãnh đạo “khó xuống”, doanh nghiệp dễ “nói dối”

Chế độ lương công chức cần tránh bệnh khi thôi chức vụ mà lương không chịu xuống, còn doanh nghiệp nhà nước dùng “hai sổ” khi báo cáo tài chính.

Thu nhập phụ quan trọng hơn chính

Theo các chuyên gia, ở Việt Nam, lãnh đạo như là một nghề, đã vào là khó ra, lương chỉ tăng lên. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chia sẻ: “Đặc thù ở nước ta là thu nhập phụ quan trọng hơn chính. Cho nên, khi bàn về lương, người ta bàn về phụ cấp chức vụ nhiều hơn bàn về lương chuyên môn theo ngạch, hệ số. Và, ở nước ta, khi bổ nhiệm thường tăng lương, thậm chí tăng vài bậc, nhưng khi thôi giữ chức vụ, phải chuyển ngang lương cho họ, thậm chí tăng một bậc để giữ yên ổn cơ quan, khó đưa lương họ về thấp hơn”.

Việt Nam có tình trạng lương chức vụ kéo dài đến cả khi nghỉ hưu

Trong khi đó, các chuyên gia cho biết, ở nước ngoài, kể cả Tổng thống hết nhiệm kỳ, đi làm việc khác thì lương theo việc. Còn ở Việt Nam, lương chức vụ có khi kéo dài đến cả khi nghỉ hưu. Thực tế này khiến nước ta sáng tạo ra loại lương chuyên môn cộng với phụ cấp. “Tôi cũng không đồng tình cách làm này, nhưng qua nhiều lần hội nghị lấy ý kiến, đa số đều đề nghị giữ nguyên để tránh phức tạp đụng chạm quyền lợi”- Thứ trưởng Thăng cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng còn khẳng định: “Cải cách tiền lương quan trọng nhất là cải cách cơ chế. Chúng ta đã có bài học trước đây thường phải đi vay gạo, nhưng sau khi cải cách cơ chế, nước ta có gạo xuất khẩu”. 

Từ thực tế rối bời của cải cách tiền lương công chức Việt Nam, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nghiệm UBTV Quốc hội, cho rằng mục tiêu cải cách tiền lương phải là chống bình quân cào bằng, phải nghiêm túc tránh tiền lương không gắn với trình độ chuyên môn, công việc, chức vụ, và phải tránh trả lương theo thâm niên như hiện nay.

Ông Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ: Tôi cũng làm thủ trưởng khá nhiều năm, nhưng không có quyền gì về trả lương và tuyển dụng, không có quyền đuổi, không có quyền kỷ luật nhân viên, đặc biệt là không có quyền trả lương cho công chức theo hiệu quả công việc. Việt Nam lạ ở chỗ thủ trưởng thậm chí còn sợ nhân viên, cán bộ. Khi trong đơn vị có kiện cáo thì đánh giá thủ trưởng đơn vị đó có vấn đề. Thực tế này sinh ra không ít cơ quan công quyền, cán bộ làm việc không hiệu quả, nhưng không xử lý được, mà vẫn phải trả lương đều.

Kiểm soát kém, doanh nghiệp nhà nước sẽ có “hai sổ”

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học LĐ&XH: Lương của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang “ăn” vào tài sản chứ không phải ăn vào hiệu quả sản xuất kinh doanh hay giá trị gia tăng. Cho nên, dù làm ăn lỗ nhưng lương vẫn cao. 

Bất cập này có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân từ cơ chế. Cơ chế hiện nay chưa kiểm soát được lỗ, lãi và phân phối đầu ra của DNNN. Nhà nước mới chỉ quản lý được đầu vào thông qua tính hệ số và đơn giá lương. Vì thế, DNNN hoạt động sản xuất kinh doanh dù có lỗ nhưng lương được tính rồi nên vẫn hưởng đều. Còn thực tế, nếu tính lương theo giá trị đầu ra hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sẽ có DNNN lương phải bằng không.

Đã thế, theo TS Dũng, không ít DNNN làm ăn lỗ mà lương vẫn cao, nguyên nhân lỗ được doanh nghiệp giải thích do giá. Khi đó, Nhà nước lại can thiệp bằng định cho mức giá ưu đãi không theo thị trường. Từ đó, DNNN dễ xoay dùng vốn nhà nước vào việc kinh doanh ngoài ngành, nhưng đến khi lỗ sẽ giải thích đó là vốn của doanh nghiệp, không phải vốn của ngân sách.

Cho nên, nếu Nhà nước cứ đầu tư cho DNNN mà không giám sát được hiệu quả là lãng phí. Thế nên có thực trạng người ta không cần biết hiệu quả kinh doanh sản xuất thực ra sao, chỉ cần lĩnh vực nào lương cao là lao vào đầu tư.

Về nguyên tắc, công thức cải cách tiền lương trong khối DNNN, ông Dũng cho rằng, phải gắn liền với giám sát toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó trọng tâm là hiệu quả sản xuất, kinh doanh chứ không phải chỉ giám sát quỹ lương. Đặc biệt, phải thực hiện nguyên tắc trả lương theo năng suất lao động và kết quả đầu ra của doanh nghiệp.

Đồng thời, phải giám sát và minh bạch giữa lương và thu nhập. Nếu nhà nước không giám sát tốt được hạch toán tài chính, doanh nghiệp sẽ có hai sổ. Đó là, nếu dư luận kêu lương cao, doanh nghiệp sẽ đưa ra sổ báo cáo làm ăn có lãi. Còn khi xin đầu tư vốn, doanh nghiệp sẽ kêu lỗ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên