Công nhân ở TP.HCM chật vật trong bão giá: Đi xe buýt, ăn cơm nguội đi làm

VOV.VN - Với đồng lương ít ỏi, nhiều công nhân ở TP.HCM phải tăng ca, thắt chặt chi tiêu để bám trụ lại thành phố trong cơn bão giá theo giá xăng.

Bước ra khỏi nhà máy cũng đã gần 9h30 tối, chị Vũ Thị Thảo (công nhân KCX Tân Thuận, quận 7) biết chắc không còn xe buýt, đành phải đi bộ về nhà. Trên con đường vắng từ khu chế xuất ra đường lớn, gần như không có một ai, chỉ còn ánh sáng vàng vọt từ các cột đèn hai bên chiếu xuống lòng đường. Bụng thì đói, nhưng chân chị phải bước nhanh vì nghĩ đến con nhỏ đang gửi nhà hàng xóm. Ra đến đường lớn, mấy chú xe ôm thấy chị liền hỏi: "Đi về đâu, tui chở cho, tối rồi".

"Tôi lưỡng lự rồi cũng từ chối để đi bộ về phòng, bởi đi xe ôm là tôi phải mất một khoản tiền mà giờ cái gì cũng tăng giá, ngày nào cũng đi vậy thì tốn kém lắm, đành đi bộ thôi, khổ lắm chị ơi...", chị Thảo chia sẻ. 

Trong căn phòng trọ chưa đầy 15m2 ở phường Tân Thuận Đông (quận 7, TP.HCM) đồ đạc ngổn ngang do sáng đi làm vội chưa kịp dọn dẹp, chị Thảo cho con nhỏ ăn xong, ru cho con ngủ cũng đã 11h đêm. Con ngủ, chị Thảo ăn vội gói mì rồi tranh thủ dọn dẹp phòng, giặt quần áo.

Vừa giặt quần áo, chị Thảo kể tiếp, trước đây, thời điểm xăng chưa tăng giá lên cao, mỗi lần tăng ca về muộn chị thường ghé quán ăn gọi tô bún hay hủ tiếu lót dạ, giờ đói cũng cố về nhà ăn mì gói chứ nào dám "sang" như trước, bởi cái gì cũng lên giá theo xăng.

“Trước mua chục trứng gà có 23 nghìn đồng, giờ lên 28 nghìn đồng, rau muống có 12 nghìn/kg mà giờ 17 nghìn/kg rồi, gạo cũng tăng, ngay cả mì gói cũng tăng lên 4 - 5 nghìn đồng, tôi không dám ăn ngoài nữa mà cố gắng tự nấu ăn để tiết kiệm tiền, chứ cái gì cũng tăng giá”, chị Thảo nói.

Từ Quảng Ninh vào TP.HCM làm công nhân 4 năm nay, cuộc sống vốn đã khó khăn, nay chị Thảo còn chật vật hơn khi giá cả hàng hóa leo thang.

Chị Thảo chia sẻ, từ khi xăng tăng liên tục, chị chuyển sang đi xe buýt đi làm. Những hôm tăng ca về muộn, không còn chuyến xe buýt nào, chị phải đi bộ về phòng trọ. Nhà trọ cách nơi làm hơn 6km, có những tối đi làm về vừa mệt vừa đói, chị cảm giác đường về như dài gấp đôi.

Một tháng thu nhập của chị thảo chỉ vỏn vẹn 9 triệu đồng. Hàng tháng trừ tiền thuê trọ và điện nước gần 1,5 triệu đồng, chi cho con nhỏ 4 tuổi đang học mầm non tiền ăn và học hết 3 triệu đồng, chị Thảo gửi về quê cho bố mẹ già khoảng 2 triệu đồng, còn lại số tiền ít ỏi chị phải “thắt lưng buộc bụng”, tính toán từng đồng để trang trải cuộc sống giữa thành phố thời bão giá.

“Cứ hai ngày đi xe là tôi hết mấy chục nghìn tiền xăng, quá đắt đỏ nên tôi chuyển qua đi xe buýt đi làm, giảm đi lại dưới mức cần thiết. Hôm nào không tăng ca đón con từ nhà người thân, tôi mới dám thuê xe ôm chở con về, còn những lần tăng ca về muộn là đi bộ muốn rã chân luôn. Cũng không mua gì nếu không thật sự cần thiết vì sợ hụt tiền học của con, tiền gửi cho bố mẹ. Nói đâu xa cái quán bún tôi hay ăn trước có 20 - 25 nghìn đồng/tô mà giờ cũng lên 30 - 35 nghìn đồng rồi, họ nói xăng tăng, thịt heo tăng giá nên phải bán vậy”, chị Thảo chia sẻ.

Với đồng lương ít ỏi, nhiều công nhân ở đất Sài thành nhộp nhịp nếu không tăng ca, thắt chặt chi tiêu khó có thể sống và trụ nổi giữa lúc xăng tăng phi mã, giá cả hàng hóa lên chóng mặt như hiện nay. 

Vừa trải qua những khó khăn sau 2 năm dịch bệnh COVID-19, chị Nguyễn Thị Thanh (quê Nghệ An) đang làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP Thủ Đức, TP.HCM) lại đối mặt với nhiều khó khăn tiếp theo khi vật giá leo thang.

Chị Thanh sống một mình tại khu trọ ở phường Linh Xuân (TP Thủ Đức, TP.HCM), trước đây mỗi tháng thu nhập khoảng 8 triệu đồng. Nhưng từ khi dịch bệnh, thu nhập của chị giảm rõ rệt vì công ty không còn tăng ca như trước, thậm chí có thời điểm chị phải tạm ngưng công việc vì dịch phức tạp. Tính đến thời điểm hiện tại, thu nhập của chị chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng.

“Mọi chi phí sinh hoạt hiện đang tăng cao, không riêng gì tôi, nhiều công nhân lao động trong các xóm trọ phải tằn tiện, chắt chiu để tồn tại ở thành phố này”, chị Thanh chia sẻ.

Chị Thanh kể, mỗi tháng ngoài chi phí tiền nhà, tiền điện, nước khoảng 1,5 triệu đồng, chị phải tính toán, cân đối các chi phí sinh hoạt khác như tiền ăn, tiền xăng xe không quá 3 triệu đồng. Có tháng chị phải tính toán chi li lắm mới để dành được 500 nghìn đồng. 

Chính vì vậy, chị Thanh đang lo lắng, số tiền đi làm hàng tháng không đủ để trả tiền trọ và các chi phí sinh hoạt khác. Chỉ tính riêng tiền xăng xe cũng khiến chị “đau đầu”. Trước đây, mỗi lần đổ xăng, chiếc xe 3 bánh của chị (chị Thanh bị tật chân phải, nên sử dụng xe 3 bánh dành cho người khuyết tật) chỉ cần đổ 35.000 đồng là đầy bình, giờ số tiền tăng gấp rưỡi nhưng vẫn chưa đầy bình.

“Trước lo ăn, lo mặc, giờ lo thêm không đủ tiền đổ xăng. Chưa kể xăng tăng là cái gì cũng tăng, mới mấy bữa trước tôi mua ký đường cát có 25.000 đồng giờ lên 28.000 đồng rồi đó mà lương thì có tăng đâu”, chị Thanh chia sẻ.

Ngoài thời gian từ nhà đến công ty và ngược lại, chị Thanh cũng chạy xe đi chợ và đến nhà bạn bè ở khu trọ khác vào dịp cuối tuần. Kể từ khi giá xăng tăng giá lên cao chị đã thu hẹp cung đường của mình, chỉ dám chạy xe từ công ty về nhà và ngược lại.

Đi làm cả ngày tại công ty, chị Thanh chỉ lo bữa tối và bữa sáng. Thỉnh thoảng chị cũng ăn sáng bên ngoài để thay đổi khẩu vị, nhưng từ khi giá cả tăng cao chị đã chuyển sang ăn sáng tại nhà. Để tiết kiệm, thắt chặt khoản chi, mỗi bữa tối, chị Thanh nấu nhiều cơm hơn để sáng hôm sau ăn cơm nguội đi làm.

“Ngày trước tôi chỉ mua 10.000 đồng/kg rau bây giờ ở chợ đã tăng lên 15.000 đồng/kg, có loại lên 20.000 đồng/kg. Thịt, cá ở cửa hàng quen tôi hay mua cũng đồng loạt tăng giá, xăng tăng nên hàng hóa cũng tăng, chỉ mong sao có điều chỉnh giá cả, tăng lương để công nhân bớt chật vật hơn thôi, chứ đà này lại bỏ hết về quê”, chị Thanh nói.

Thời bão giá, “động đến cái gì là tăng giá cái đó”, nhiều công nhân lao động tỉnh lẻ tại mảnh đất Sài Gòn với đồng lương ít ỏi của mình nếu không “thắt lưng buộc bụng”, “giật gấu vá vai” thì khó trụ nổi. Họ trông chờ vào cải cách tiền lương, chính sách hỗ trợ của các doanh nghiệp và chính sách điều chỉnh giá của các ngành chức năng để đời sống được tốt hơn, gắn bó với công việc lâu hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người dân ứng phó thế nào khi giá xăng tăng cao?
Người dân ứng phó thế nào khi giá xăng tăng cao?

VOV.VN - Ứng phó với giá xăng tăng kỷ lục, nhiều người đã phải thắt chặt chi tiêu, chuyển sang dùng các phương tiện công cộng để đi lại, hạn chế tụ tập bạn bè.

Người dân ứng phó thế nào khi giá xăng tăng cao?

Người dân ứng phó thế nào khi giá xăng tăng cao?

VOV.VN - Ứng phó với giá xăng tăng kỷ lục, nhiều người đã phải thắt chặt chi tiêu, chuyển sang dùng các phương tiện công cộng để đi lại, hạn chế tụ tập bạn bè.

Xăng tăng giá, tài xế xe ôm công nghệ khó khăn chồng chất
Xăng tăng giá, tài xế xe ôm công nghệ khó khăn chồng chất

VOV.VN - Giá xăng tăng 7 lần trong 3 tháng khiến thu nhập của các tài xế xe ôm công nghệ bị giảm sút nặng nề, ngay cả khi một số hãng xe đã tăng giá cước.

Xăng tăng giá, tài xế xe ôm công nghệ khó khăn chồng chất

Xăng tăng giá, tài xế xe ôm công nghệ khó khăn chồng chất

VOV.VN - Giá xăng tăng 7 lần trong 3 tháng khiến thu nhập của các tài xế xe ôm công nghệ bị giảm sút nặng nề, ngay cả khi một số hãng xe đã tăng giá cước.