Mất chục nghìn tỷ đồng vẫn không ngăn được ngập tại TP.HCM

VOV.VN - Sau những trận mưa to trong 2 ngày 26, 27/9 vừa qua, TP.HCM lại chìm trong biển nước dù trước đó đã được đầu tư kỹ lưỡng.

Sau những trận mưa to trong 2 ngày 26, 27/9 vừa qua, TP.HCM lại chìm trong biển nước. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao thành phố bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, thành lập đầy đủ ban, ngành chống ngập mà ngập ngày càng nặng hơn?

Cơn mưa to lịch sử tối 26/9 đã biến các tuyến đường ở TP.HCM thành sông. (Ảnh: FB)

Cứ mưa to là ngập

Những ngày này, vấn đề quan tâm nhất của người dân TP.HCM là ngập. Những trận mưa to liên tiếp 2 ngày qua khiến thành phố chìm trong biển nước, cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Nhà chị Trần Thị Thanh Trang, ở đường Phan Anh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú bị nước ngập sâu đến 0,4m, làm hư hỏng nhiều đồ đạc. Thậm chí, cả nhà phải thức cả đêm để đắp bao cát, tát nước ra ngoài.

 Đến sáng 28/9, cả nhà chị phải huy động thêm người thân để tổng vệ sinh. Chị Trang cho hay: “Nhà tôi ở mặt đường nên cứ mưa to là nước lại tràn vào nhà. Mong sao chính quyền địa phương làm cống để nước thoát được chứ cứ như thế này dân khổ quá. Cứ mưa là sợ, phải thức đêm tát nước hoài”.

Trận mưa to lịch sử tối 26/9 khiến hơn 1.000 xe máy tại bãi giữ xe số 5D đường Nguyễn Siêu, quận 1, trong đó nhiều xe máy đắt tiền và tài sản để trong cốp xe bị chìm dưới hơn 1,5m nước, hư hỏng nặng. Người dân đã thức thâu đêm cho đến tận trưa hôm sau để nhờ lực lượng cứu hộ đưa xe mình ra khỏi biển nước. Lực lượng cứu hộ đã phải bơm hết nước ra khỏi hầm và đưa toàn bộ số xe bị mắc kẹt bên dưới lên bàn giao cho người dân để sửa chữa.

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, trận mưa chiều tối 26/9 đo được ở nhiều trạm của thành phố lên đến hơn 170mm, kéo dài khoảng 1 giờ 30 phút, làm ngập 59 tuyến đường, có nơi ngập sâu gần 1m. Sau trận mưa này, cả các quận nội thành và ngoại thành đều bị ngập. Tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, nước ngập cục bộ tại nhiều bãi đậu trong nhiều giờ liền.

“Chính quyền thành phố đang tìm giải pháp trước mắt. Tuy nhiên, có những việc cần phải có thời gian, có lộ trình. Cùng với đó, chúng tôi cũng có những dự kiến, dự án khác để triển khai đồng bộ, kể cả về hạ tầng chứ không riêng gì chống ngập” - Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.

Vẫn chỉ là đuổi ngập từ chỗ này sang chỗ khác

Đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM cho rằng, sở dĩ thành phố bị ngập lụt như vậy do đây là trận mưa cực lớn, vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay. Ngoài nguyên nhân khách quan, một nguyên nhân chủ quan được Trung tâm chống ngập chỉ ra là do tình trạng người dân xả rác xuống hệ thống thoát nước còn phổ biến; người dân lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch chưa được xử lý triệt để.

Bên cạnh đó, một số dự án thoát nước bị chậm tiến độ hoặc chưa triển khai được. Trung tâm chống ngập thành phố cũng cho biết, giai đoạn 2016 - 2020 thành phố cần khoảng gần 97.000 tỉ đồng cho các chương trình giảm ngập nước và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhiều phương tiện của người dân hư hỏng nặng sau đợt ngập lịch sử. (Ảnh: Vinh Quang)

Vấn đề chống ngập ở TP.HCM không phải là mới. Thậm chí, đây là vấn đề được thành phố đặt ra nằm trong 7 chương trình đột phá giai đoạn 2015 - 2020. Để giải quyết vấn đề thoát nước, từ năm 2001, TP. HCM đã quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước trên địa bàn (Quy hoạch 752 do Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản lập).

Chủ yếu áp dụng các giải pháp nâng cấp cống thoát nước, san nền và kiểm soát triều cục bộ, từ năm 2003. Song song đó, quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM (Quy hoạch 1547) được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2008 cũng đang triển khai.

Hàng loạt công trình cải thiện môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ trong thời gian qua đã được triển khai; mới nhất là dự án nâng cấp đô thị (lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm) hoàn tất giúp tình trạng ngập nước giảm đáng kể.

Nhiều chuyên gia cho rằng dù thành phố đã xóa được nhiều điểm ngập ở nội thành, song tình trạng này đang có xu hướng xuất hiện ở khu vực ngoại thành như quận 2, 7, 9, Thủ Đức, Bình Tân... Chứng tỏ thành phố đang “đuổi” ngập từ chỗ này sang chỗ khác chứ chưa phải “xử lý” ngập. Trong đó có trách nhiệm của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng: “Thực ra, việc chúng ta chưa thống kê được hiện trạng hệ thống thoát nước là vì nó nhiều quá, lại được làm nhiều thời kỳ và chằng chịt. Thậm chí, nhiều hạng mục đã bị hư hỏng cho đấu nối kiểu này kiểu kia. Những hệ thống đó vừa cũ vừa nhỏ nên không đáp ứng được tiêu chuẩn thiết kế của hệ thống cống gần đây. Hiện nay, chúng ta mới chỉ làm được hơn 100km2 thôi mà đã phải bỏ vào đó đến khoảng 1,5 tỷ USD rồi”.

Các biện pháp chống ngập mà TP.HCM đang đưa ra thảo luận là: Xây dựng hồ điều tiết, làm hệ thống cống thoát, van ngăn triều, nạo vét thông dòng chảy kênh rạch, cửa xả… và tìm nguồn kinh phí để thực hiện những kế hoạch này. Đó là những tín hiệu tích cực. Thế nhưng, đã nhiều năm nay, người dân thành phố vẫn từng ngày sống chung với ngập mà chẳng biết kêu ai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người Sài Gòn lại khốn đốn vì "ngập chồng ngập"
Người Sài Gòn lại khốn đốn vì "ngập chồng ngập"

VOV- Cơn mưa tối 27/9 không lớn bằng cơn mưa chiều 26/9 nhưng kèm theo gió rất lớn. Những cơn gió quật mạnh, đẩy mưa xối xả vào mặt người đi đường.

Người Sài Gòn lại khốn đốn vì "ngập chồng ngập"

Người Sài Gòn lại khốn đốn vì "ngập chồng ngập"

VOV- Cơn mưa tối 27/9 không lớn bằng cơn mưa chiều 26/9 nhưng kèm theo gió rất lớn. Những cơn gió quật mạnh, đẩy mưa xối xả vào mặt người đi đường.

Người dân TPHCM vất vả chống chọi với mưa ngập
Người dân TPHCM vất vả chống chọi với mưa ngập

VOV.VN -Mưa lớn trên diện rộng diễn ra liên tục 3 ngày ngày qua, khiến nhiều khu vực dân cư tại TP HCM phải căng mình chống chọi với ngập lụt.

Người dân TPHCM vất vả chống chọi với mưa ngập

Người dân TPHCM vất vả chống chọi với mưa ngập

VOV.VN -Mưa lớn trên diện rộng diễn ra liên tục 3 ngày ngày qua, khiến nhiều khu vực dân cư tại TP HCM phải căng mình chống chọi với ngập lụt.

Ngập lụt kinh hoàng ở TP.HCM: Lỗi tại ai?
Ngập lụt kinh hoàng ở TP.HCM: Lỗi tại ai?

VOV.VN - Hầu như quận, huyện nào cũng có tình trạng các miệng gas thoát nước, các cống xả bị chiếm dụng xây dựng nhà ở, lấn chiếm kênh rạch, xả rác bừa bãi.

Ngập lụt kinh hoàng ở TP.HCM: Lỗi tại ai?

Ngập lụt kinh hoàng ở TP.HCM: Lỗi tại ai?

VOV.VN - Hầu như quận, huyện nào cũng có tình trạng các miệng gas thoát nước, các cống xả bị chiếm dụng xây dựng nhà ở, lấn chiếm kênh rạch, xả rác bừa bãi.

Dân TP.HCM có thể mắc hàng loạt bệnh về da sau đợt ngập kỷ lục
Dân TP.HCM có thể mắc hàng loạt bệnh về da sau đợt ngập kỷ lục

Theo các bác sĩ, nếu người dân thường xuyên ngâm nước mưa, lội nước cống ô nhiễm sẽ bị nhiễm trùng, viêm da, ký sinh trùng dễ xâm nhập cơ thể.

Dân TP.HCM có thể mắc hàng loạt bệnh về da sau đợt ngập kỷ lục

Dân TP.HCM có thể mắc hàng loạt bệnh về da sau đợt ngập kỷ lục

Theo các bác sĩ, nếu người dân thường xuyên ngâm nước mưa, lội nước cống ô nhiễm sẽ bị nhiễm trùng, viêm da, ký sinh trùng dễ xâm nhập cơ thể.