Miền đất in dấu chân Người
VOV.VN - Quận 4 với những địa danh lịch sử từng in dấu chân Người, đang có bước chuyển mình lớn, được người dân thành phố lựa chọn là vùng đất đáng sống.
Người ta gọi quận 4 - Thành phố Hồ Chí Minh là “Đất Nhà Rồng". Gọi như vậy không chỉ vì đây là nơi có bến Nhà Rồng đã tồn tại hàng trăm năm mà còn là nơi mà 105 năm về trước, Bác Hồ kính yêu đã ra đi tìm cứu.
Bến Nhà Rồng nhìn từ quận 1
Đã hơn 100 năm trôi qua kể từ ngày 5/6/1911 lịch sử, quận 4 nói riêng, cả nước nói chung đã trải qua bao hành trình lớn lao chiến đấu và dựng xây để hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ trong tiến trình đô thị hóa. Vẫn còn đó những địa danh lịch sử: bến Nhà Rồng, bến Vân Đồn, cơ sở sản xuất thủy sản Liên Thành, chợ Xóm Củi, Xóm Chiếu, Vĩnh Hội… những nơi mà đầu thế kỷ trước Bác Hồ đã từng tới trước khi xuống tàu tìm đường cứu nước.
Phố Vân Đồn quận 4 hôm nay |
Ông Hùynh Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn, cho biết: “Năm 2016 sẽ là năm bản lề với cảng Sài Gòn trong việc hoàn thành di dời cảng Nhà Rồng - Khánh Hội ra khu vực cảng Hiệp Phước, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm. Chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch giữ chân khách hàng container truyền thống, đầu tư nâng cấp kho bãi tại khu vực cảng Tân Thuận để đáp ứng nhu cầu về sắt thép, phân bón, thuốc trừ sâu, bố trí hợp lý các khách hàng”.
Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ ở vùng đất cận giang, cận cảng như quận 4 là đúng hướng. Đến nay, đã có hơn 2.900 doanh nghiệp với số vốn hơn 14.550 tỷ đồng hoạt động trên địa bàn, tăng hơn 200 doanh nghiệp so với trước. Năm 2015, quận 4 thu gần 1.183 tỷ đồng tiền thuế, tăng 42% so với cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên quận 4 thu thuế vượt trên mức 1.000 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách quốc gia.
Về mặt xã hội, quận đã giải quyết căn bản tình trạng nhà ven kênh rạch bằng một loạt các dự án tái định cư cũng như xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trên các kênh bến Nghé, Vân Đồn. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Số hộ nghèo toàn quận giảm chỉ còn hơn 300 hộ, chiếm 0,79%. 100% các cháu 5-6 tuổi đều đi học, hiệu suất đào tạo tiểu học đạt hơn 99%.
“Trước đây hệ thống kênh rạch trên địa bàn quận 4 bị ô nhiễm nặng, người dân sống chủ yếu ở nhà sàn. Sau ngày thành phố được giải phóng, đến nay, với việc chỉnh trang đô thị, cuộc sống người dân đã có sự thay đổi lớn. Người dân được ở trong các chung cư thoáng đãng, kênh rạch không còn ô nhiễm. Trước đây quận 4 bị coi là miền đất dữ, nay đã trở thành đất lành. Người dân ở nhiều nơi khác chọn khu vực quận 4 để sinh sống với nhiều lý do, trong đó có vấn đề an ninh trật tự được đảm bảo”, ông Nguyễn Văn Liếp, một người dân sống ở quận 4 đã 52 năm nay cho biết.
Bà con tập thể dục buổi sang trên bến Vân Đồn |
Bà Bùi Thị Hương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường 1, quận 4 cho biết: “Lãnh đạo phường đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trên địa bàn để bố trí việc làm khi có nhu cầu. Ngoài ra, phường liên hệ với các cơ quan trong quận gửi người nghèo đi học nghề, phường trợ cấp vốn cho họ đi học, còn các cơ sở đào tạo giúp các hộ nghèo học miễn phí; sau đó giới thiệu cho hộ nghèo có việc làm”.
Ngoải việc lo giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, chính quyền Quận 4 hiện nay đang tập trung vào hai nhiệm vụ chính là chỉnh trang đô thị và giảm ngập úng. Để thực hiện mục tiêu này, một loạt dự án đang triển khai như dự án trung tâm thương mại B5, các dự án nhà ở cho người nghèo, cho cán bộ công chức; khẩn trương cải tạo các chung cư cũ Trúc Giang, Vĩnh Hội… với tổng kinh phí hàng ngàn tỷ đồng. Trong số 600 con hẻm bị ngập úng, đến nay quận 4 đã xử lý dứt điểm 480 con hẻm, đạt 80%; phấn đấu đến năm 2017 đạt 100%.
Cao ốc "mọc" lên ngày càng nhiều |
Ông Võ Thanh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty công ích quận 4, đơn vị chủ công trong việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, cho biết: “Kỷ niệm 105 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Đảng bộ công ty phát động thi đua, trong đó có nhiệm vụ vụ xây dựng chỉnh trang, phát triển đô thị quận 4. Trước mắt, công ty khắc phục khó khăn về vốn, về trang thiết bị để thực hiện các công trình hạ tầng, góp phần vào chỉnh trang đô thị, cải thiện điều kiện sống cho người dân”.
Rạch Bến Nghé được cải tạo |
“Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc di dời, tái định cư nhà ở trên và ven kênh rạch; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống hộ nghèo, đặc biệt quan tâm người nghèo là gia đình chính sách và dân tộc thiều số. Phấn đấu đến 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn quận giảm bình quân từ 1-1,5%/năm, thấp hơn mức bình quân của thành phố; nâng thu nhập bình quân đầu người hộ nghèo lên 21 triệu đồng/người/năm”, ông Nguyễn Thanh Đoàn, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 4 cho biết.
Đây chính là điều kiện căn cơ để thực hiện giảm nghèo bền vững của quận 4 nói riêng và thành phố Hồ Chí Minh nói chung./.