Miền Trung khẩn trương phòng tránh bão số 10, dự báo cực mạnh
VOV.VN - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra công tác chủ động phòng, chống cơn bão số 10 tại Hà Tĩnh.
Chiều 14/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã vào Hà Tĩnh kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão cơn bão số 10 và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và các địa phương cần tập trung kiểm đếm, hướng dẫn tàu bè vào nơi trú ẩn an toàn, mục tiêu là trong đêm nay không còn tàu nào trên biển. Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là phải sơ tán người dân, tuyệt đối không để người dân ở lại trong những ngôi nhà không an toàn và tại những nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.
PTT Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác phòng chống bão số 10 tại Hà Tĩnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra công tác chủ động phòng, chống cơn bão số 10 tại đê biển xã Kỳ Ninh, tình hình sơ tán dân tại thị xã Kỳ Anh, khu neo đầu tàu thuyền xã Thạch Kim và công tác sơ tán dân tại huyện Lộc Hà.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng lưu ý, bão số 10 theo dự báo có tính chất phức tạp, khi đổ bộ vào sẽ khiến mực nước biển dâng cao. Đồng thời, yêu cầu địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp sơ tán dân đến nơi an toàn, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ khi có tình huống xảy ra, đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi ngư dân.
Hiện Hà Tĩnh đang triển khai gấp rút việc sơ tán dân tại những vùng có nguy cơ mất an toàn, vùng cửa sông ven biển như thị xã Kỳ Anh, huyện Lộc Hà; vùng có khả năng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các huyện miền núi Hương Sơn, Vũ Quang. Đến 7 giờ tối nay, Hà Tĩnh đã di dời được 7200 hộ trên tổng số hơn 8000 hộ phải di dời. Tại huyện Lộc Hà, việc sơ tán 2688 hộ với 1800 khẩu đến trú tại nhà văn hóa, trường học đã được hoàn tất.
Ông Phan Văn Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết: "Ngay sau khi có lệnh sơ tán dân của tỉnh, chúng tôi đã tập trung lực lượng triển khai ngay. Hiện nay bà con đã đến nhà của thôn tránh trú bão an toàn. Các lực lượng chức năng như công an, quân đội được huy động tối đa. Việc sơ tán dân chúng tôi cũng đã chuẩn bị chu đáo lương thực, mì tôm để bà con dùng khi tránh bão".
Các tàu thuyền về nơi neo đậu tránh trú.
Cùng với việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, các sở ngành, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng đang cử các đoàn công tác xuống giúp người dân chằng chống nhà cửa, bảo vệ 8.000 ha cây ăn quả, trong đó có 2.000 ha cây bưởi tại các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang. Cùng với đó là gấp rút thu hoạch 5% diện tích lúa hè thu còn lại.
Ông Lê Văn Châu, nông dân xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà nói: "Nhà tôiđã gặt được 3 sào, giờ còn 1 sào quá xanh nên chưa gặt được. Mấy ngày nay, nhà nào có lúa chín là tập trung gặt hết, gặt cả ban đêm, đội đèn đi gặt để cứu lấy lúa".
Để đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du, hiện nay, nhiều hồ đập lớn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh như Sông Rác, Kim Sơn, Kẻ Gỗ, Sông Trí cũng tiến hành xả tràn, chủ động tình huống khi có mưa lớn xảy ra./