Miền Trung khẩn trương ứng phó bão Noru

VOV.VN - Bão Noru là cơn bão rất mạnh, có thể đạt cấp 15, giật cấp 17, đang di chuyển với tốc độ 20 - 25 km/giờ và huớng vào khu vực Trung Bộ, trong đó trọng tâm là từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định. Các tỉnh miền Trung đang khẩn trương chuẩn bị công tác phòng chống, ứng phó với siêu bão này.

Phú Yên, tất cả tàu cá đã nắm được thông tin bão Noru

Hiện nay, tỉnh Phú Yên có 396 tàu cá với gần 2.380 lao động đang hoạt động khai thác trên biển, trong đó hoạt động xa bờ 294 tàu cá với gần 1.800 lao động thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, giữa và phía Nam Biển Đông.

Tất cả chủ các phương tiện trên đều được Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên thông tin về tình hình diễn biến cơn bão Noru, chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm và thường xuyên liên lạc được về gia đình và lực lượng chức năng.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan và nhân dân theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn để chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão, mưa lũ nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả.

Hiện, tại các khu vực ven biển, ngư dân triển khai các phương án đảm bảo an toàn neo đậu tàu thuyền, đưa các phương tiện đến nơi cao hơn. 

Tại tỉnh Phú Yên, từ chiều tối qua (24/9) đã có mưa lớn và gây ngập cục bộ một số nhà của người dân ở vùng trũng thấp tại thị xã Sông Cầu. Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An bị ngập ở một số đoạn khiến các phương tiện lưu thông gặp khó khăn. Tại thành phố Tuy Hòa, một số trụ đèn, mặt kè chắn sóng dọc công viên ven biển bị hư hại do mưa lớn kèm theo gió mạnh./.

Quảng Ngãi đảm bảo an toàn cho người dân vùng xung yếu

Chính quyền địa phương phối hợp các lực lượng gấp rút triển khai các phương án ứng phó. Tại huyện đảo Lý Sơn và các địa phương ven biển, hàng ngàn ngư dân chủ động đưa tàu thuyền tìm nơi trú tránh an toàn, giảm thiểu thiệt hại khi bảo đổ bộ. 

Sáng nay (25/9), tại các cảng cả và khu neo trú Tịnh Hoà, Tịnh Kỳ, Sa Huỳnh, Mỹ Á, Lý Sơn… hàng trăm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi và các tỉnh bạn khẩn trương di chuyển vào các khu neo đậu. Khi hay tin về cơn bão NORU, ngư dân Bùi Tấn Lợi, chủ tàu cá QNg 50266 ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cùng hàng trăm chủ phương tiện khác chấp nhận lỗ phí tổn, đảm bảo an toàn cho bạn thuyền và phương tiện đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa tất tả cho tàu chạy về đất liền tìm nơi trú ẩn.

“Bão này gió rất mạnh, bà con chấp nhận đi tàu vô chịu lỗ để đảm bảo an toàn, chủ động phòng chống, không chủ quan. Nếu có vấn đề gì cực khổ cho bà con và cả chính quyền”, ông Lợi nói.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo chính quyền các địa phương ven biển và Bộ đội Biên phòng khẩn trương kêu gọi tàu thuyền đang trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú. Các phương tiện đã vào các cảng đều được hướng dẫn neo đậu, chằng chéo an toàn, tránh va đập, đứt neo khi có gió mạnh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện ở các khu vực neo đậu.

Trung tá Lâm Văn Viễn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Sa Kỳ, Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi cho biết: “Đơn vị đã liên lạc được với tất cả phương tiện và thông báo hướng đi của bão. Chúng tôi tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con ngư dân chủ động vào nơi trú tránh an toàn. Những phương tiện nào cơ động về bờ thì tranh thủ vào bờ để đảm bảo an toàn trong phòng chống bão”.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố ven biển, đảo Lý Sơn tăng cường quản lý chặt chẽ việc ra biển hoạt động của các tàu, thuyền.

Các địa phương hoàn thành việc kêu gọi tàu, thuyền trước 10 giờ ngày 26/9 và hoàn thành việc neo đậu, sắp xếp tàu, thuyền, lồng bè tại khu neo trú trước 8 giờ ngày 27/9.

Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, lãnh đạo tỉnh, các địa phương trực tiếp xuống địa bàn phụ trách để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão Noru. Trong đó, tỉnh Quảng Ngãi sẵn sàng phương án di dời, sơ tán khoảng 24.600 hộ dân với hơn 84.400 người đến nơi an toàn. Việc di dời, sơ tán dân trước 18 giờ ngày 27/9, riêng huyện Lý Sơn hoàn thành trước 9 giờ sáng cùng ngày.

“Tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu triển khai công tác đi kiểm tra thực tế hiện trường và kiểm tra cụ thể ở các địa phương. Với tính chất cơn bão lớn, sau khi kiểm tra thực tế, tỉnh sẽ có kiến nghị Trung ương, các cơ quan, Quân Khu 5, Bộ Công An hỗ trợ địa phương trong những tình huống vượt quá khả năng của tỉnh", ông Hiền nói./.

Hội An chằng chống nhà cửa và gia cố bảo vệ di tích

Ứng phó với các diễn biến phức tạp của cơn bão Noru, người dân phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam chủ động chằng chống nhà cửa, cơ sở kinh doanh dịch vụ, huy động lực lượng gia cố các di tích trong khu phố cổ…nhằm giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền.

Quảng Nam sẵn sàng kịch bản di dời 400.000 người khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn nếu siêu bão đổ bộ

Theo phóng viên Long Phi/ VOV khu vực miền Trung: Ứng phó với bão Noru, từ đầu giờ chiều nay, tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương ven biển di dời du khách khu vực ven biển đến nơi an toàn. Tỉnh này cũng lên kịch bản di dời các hộ dân khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Từ sáng nay, ông Đoàn Tứ và nhiều người dân phường Cửa Đại, thành phố Hội An tổ chức chằng chống nhà cửa. Lo ngại ngôi nhà cấp 4 nằm sát bờ biển đã xuống cấp trầm trọng sẽ không thể trụ vững trước cơn bão lớn, ông Đoàn Tứ đưa toàn bộ vật dụng có giá trị đến nơi an toàn rồi lấy dây thừng cột chặt các cánh cửa, dùng hàng chục bao ni lông, bơm nước vào bên trong có sức nặng khoảng 30kg để chằng trên mái nhà.

“Tôi lo sợ bão vào sẽ bay tôn, bay mái nhà nên lên để dùng bao nước đè xuống. Tôi lấy bao ni lông lên đổ nước vào rồi dùng dây cột chặt lại. Khi bão qua rồi thì giữ lại cái bao này nếu có bão tiếp thì mình dùng lại. Hai bao to này phải từ 50kg đến 60kg", ông Tứ cho hay.

Chính quyền các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Nam đã thông báo đến người dân tổ chức phương án phòng chống bão, chuẩn bị tinh thần di chuyển đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ. Hiện, dung tích các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ 40% đến 50%, hồ thủy điện từ 20% đến 35%.

Tình hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản hiện đã thu hoạch trên 85%. Hiện, số tàu thuyền đang đánh bắt gần bờ đã vào bến neo đậu, vẫn còn 112 tàu thuyền của tỉnh Quảng Nam còn đang đánh bắt trên biển với khoảng 2.780 ngư dân, trong đó có 19 tàu thuyền nằm trong vùng nguy hiểm, 1 tàu trong vùng đặc biệt nguy hiểm.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã chuẩn bị các kịch bản di dời người dân trong các tình huống cụ thể.

“Tỉnh Quảng Nam có kế hoạch chi tiết sơ tán người dân và du khách. Trong trường hợp bão mạnh thì chúng tôi di dời trên 182.000 người dân trong khu vực nguy hiểm, trường hợp bão siêu mạnh thì chúng tôi sẽ di dời hơn 400.000 người. Ngay đầu giờ chiều nay 25/9, tất cả du khách đã được di dời đến nơi an toàn", ông Bửu cho biết./.

Ứng phó bão, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi khu vực Trung Bộ

Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công điện khẩn gửi Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum.

Giám đốc Ban Quản lý dự án các tỉnh, thành phố đang quản lý các dự án sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi. Giám đốc các Công ty TNHH 1 thành viên khai thác công trình thủy lợi Của Đạt, Tả Trạch về đảm bảo an toàn công trình thủy lợi ứng phó bão có tên quốc tế Nô ru, dự kiến trở thành cơn bão số 4 trong năm nay mà Việt Nam đón nhận.

Nội dung Công điện đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố; các Ban quản lý, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi vừa nêu theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, dự báo mưa, bão của các cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện phương án bảo đảm an toàn, vận hành công trình thủy lợi tiêu nước bảo đảm phục vụ sản xuất, dân sinh khi có ngập lụt, úng xảy ra.

Khoanh vùng diện tích cây trồng có nguy cơ bị ngập lụt, úng và chuẩn bị giải pháp ứng phó phù hợp. Chủ động vận hành sớm các công trình thủy lợi để tiêu thoát nước đệm, tiêu úng, bảo đảm giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra ngập lụt, úng.

Triển khai thực hiện phương án bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt quan tâm an toàn các hồ chứa nước đang thi công, hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đầy nước và đang có mức trữ nước cao.

Đối với các hồ chứa có cửa van xả lũ, thực hiện điều chỉnh mực nước hồ để chủ động đón lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du; đồng thời thực hiện tích nước hợp lý đối với các hồ chứa đang có dung tích trữ thấp. Thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố.

Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ; bố trí nhân lực thường trực tại công trình có nguy cơ xảy ra sự cố; với các hồ chứa có mức trữ cao, cần theo dõi chặt chẽ lưu lượng nước đến để có phương án vận hành phù hợp; kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm “bốn tại chỗ” khi có nguy cơ xảy ra sự cố công trình.

Thường xuyên báo cáo tình hình an toàn công trình thủy lợi, sự cố công trình và vận hành công trình thủy lợi phòng, chống ngập lụt, úng về bộ phận thường trực bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống ngập lụt, úng  của Tổng cục Thuỷ lợi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên