Miền Trung ngập lụt chia cắt nhiều nơi, giao thông ách tắc
VOV.VN - Trong khi ở đồng bằng miền Trung nhiều nơi đối phó với ngập lụt, thì ở miền núi, chính quyền các địa phương chủ động di dời hàng ngàn hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước nguy cơ núi lở.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, mưa lớn tiếp tục gây sạt lở nhiều điểm mới trên đường Trường Sơn Đông đoạn qua xã Sơn Long, huyện miền núi Sơn Tây, với hàng ngàn mét khối đất đá, gây ách tắc giao thông. Tại Km174+950, thuộc địa phận thôn Tà Vay, đất đá tràn xuống đường, nhiều đoạn mặt đường bị đứt gãy, người và phương tiện không thể lưu thông.
Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, huyện Sơn Tây cho biết, tại khu tái định cư thủy điện Đakrinh- A Nhoi 2, thôn Mang Hin sạt lở nghiêm trọng uy hiếp 8 hộ dân với 36 khẩu.
“Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huy động lực lượng tổ chức sơ tán di dời khẩn cấp bà con đến ở xen ghép các hộ dân ở gần nằm trong khu vực an toàn. Trước mắt, bà cho di dời chủ yếu đảm tính mạng con người và tài sản quí giá nhất, còn nhà thì đóng cửa lại”, ông Vượt cho hay.
Mưa lớn tại các huyện miền núi Quảng Nam tiếp tục gây sạt lở một số tuyến giao thông. Trên Quốc lộ 40B, tại km 66+500 đoạn qua thôn 3, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My sạt lở trở lại, hàng trăm khối đất tràn ra đường. Hiện nay nước đã tràn qua ngầm sông Trường, sông Nước Oa chia cắt Quốc lộ 40 B. Lực lượng chức năng xã Trà Sơn, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My cử lực lượng chốt chặn 24/24 tại các điểm ngập nước không cho người và phương tiện lưu thông.
Mưa lớn làm mực nước trên các sông Vu Gia, Thu Bồn dâng cao, một số vùng thấp trũng ven sông bị ngập lụt. Thủy điện sông Tranh 2 ở đầu nguồn vẫn đang tiếp tục xả lũ với lưu lượng 1.800m3/s.
Ông Vũ Đức Toàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Tranh cho biết, hiện nay mực nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 đã đạt mực nước dâng bình thường là 175m, đơn vị xả lũ bằng với lưu lượng nước về hồ. Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Tranh chấp hành nghiêm theo quy định vận hành hồ chứa và chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam.
"Hiện nay, hồ thủy điện Sông Tranh 2 đã đạt mực nước dâng bình thường 175m, để duy trì ở mực nước dâng bình thường chúng tôi xả bằng lưu lượng nước về, khoảng 1800m3/s, từ nay đến chiều 1/12 có xu hướng giảm”, ông Toàn cho biết thêm.
Chiều nay, tại tỉnh Khánh Hòa lượng mưa đã giảm mạnh, mực nước lũ đang rút dần. Tuy nhiên, do trũng thấp, hệ thống thoát nước hạn chế nên nhiều khu vực tại thành phố Nha Trang vẫn bị ngập lụt, mực nước rút chậm. Hiện các hồ thủy lợi phía thượng lưu sông Cái Nha Trang tiếp tục điều tiết xả lũ.
Cụ thể, hồ Suối Dầu, huyện Cam Lâm xả với lưu lượng từ 60-80m3/giây; hồ Am Chúa, huyện Diên Khánh xả với lưu lượng 10-20m3/ giây. So với hôm qua, lưu lượng xả về hạ du đã giảm nhưng do triều cường, lượng nước tồn đọng nên nhiều khả năng đêm nay vùng hạ du chịu trận lụt thứ 3 liên tiếp.
Như đã thông tin, đoàn du khách 42 người ở TP Hồ Chí Minh và 15 người dân địa phương đã được các lực lượng cứu hộ an toàn. Nhóm người gồm khách du lịch và người dân địa phương lên đến 57 người, trong đó có 42 du khách, còn lại là người dân địa phương dẫn đường. Theo kế hoạch, đoàn du khách này vượt núi Tà Giang từ huyện Khánh Sơn sang huyện Khánh Vĩnh nhưng bị mắc kẹt do mưa lũ.
Đến khoảng 10h sáng 1/12, lực lượng cứu nạn địa phương đã tiếp cận đoàn khách, sau đó được đưa về trung tâm xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn. Tại đây, đoàn khách đã lên xe ô tô về lại thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù sau mấy ngày mất liên lạc nhưng sức khỏe mọi người đều ổn định.
Được biết, núi Tà Giang với địa hình đa dạng, nhiều cảnh đẹp, là điểm đến mới nổi đối với du khách ưa mạo hiểm. Tuy nhiên, quãng đường vượt núi từ Khánh Sơn qua Khánh Vĩnh dài khoảng 40km, có nhiều sông, suối, đèo dốc quanh co, rất nguy hiểm khi có mưa lớn, lũ quét, lũ ống, sạt lở uy hiếp tính mạng người đi rừng.
Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết: Trước đó, UBND huyện Khánh Sơn đã có biển cảnh báo cấm du lịch tự phát nhưng do địa hình đồi núi, các đoàn tự liên hệ với người dân địa phương để leo núi nên rất khó kiểm soát.
“Khuyến cáo cách đây mấy tháng rồi, có bảng chỉ dẫn hết rồi, bảng cấm hết rồi. Do họ đi phượt nên mình không quản được. Rút kinh nghiệm đợt này, từ nay về sau, tăng cường quản lý nhà nước về du lịch đặc biệt là các đoàn tự phát, cho lực lượng dân quân thường xuyên chốt chặn ở khu vực đường này để kịp thời phát hiện và nhắc nhở, đặc biệt là mùa mưa lũ để xử lý”, ông Nhuận nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thiện, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Tình hình mưa, lũ còn diễn biến phức tạp, chính quyền các địa phương khuyến cáo người dân tuyệt đối không được chủ quan.
“Nhiều người sẽ chủ quan, dùng ghe, dùng xuồng, sử dụng điện... đó là những tai nạn do chủ quan bất cẩn cần hết sức cảnh giác. Các trường hợp Vĩnh Phương do điện giật, ở Vĩnh Lương bị lũ cuốn trong đêm do mưa nước chảy xiết... cần phải xem là những bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc”, ông Thiện nói./.